Sự gia tăng “hiện tượng” của số bằng tốt nghiệp hạng nhất tại nhiều viện đại học đã dẫn đến việc chính phủ Anh phải áp dụng các biện pháp cấp bách để ngăn chặn tình trạng này.
Nâng thứ hạng tốt nghiệp để "dụ" sinh viên
Một nghiên cứu mới nhất cho thấy hạng nhất đang bị lạm dụng. Điều đó có nghĩa là số sinh viên ra trường với loại bằng này ngày một đông hơn, trong khi trình độ nhiều sinh viên không tương xứng với mảnh bằng họ được trao. Nhiều viện đại học đã dùng chiêu bài “tốt nghiệp hạng nhất” để quảng bá cho đại học mình, bôi trơn kết quả học tập, làm giả chất lượng giáo dục, không đúng với thực tế mà mục đích là câu sinh viên vào học.
Theo qui định mới của chính phủ Anh, các viện đại học sẽ bị phạt nếu không tuân thủ đúng qui chuẩn xếp hạng sinh viên tốt nghiệp của chính phủ hay gian lận để nâng tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp hạng nhất. “Khi tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học với thứ hạng nhất cao như hiện nay, chúng ta không nên xem đây là ưu thế của giáo dục đại học Anh mà nên xem đây là dấu chỉ cho thấy giá trị của hạng nhất đang giảm và ngày càng có nhiều sinh viên không xứng đáng vẫn nhận được nó - Bộ trưởng Đại học Sam Gyimah nhận định - Thực tế cho thấy giá trị của mảnh bằng đại học đã bị kéo giảm xuống trong cuộc chạy đua cấp bằng tốt nghiệp hạng nhất cho sinh viên.
‘Lạm phát hạng nhất’ đã đe dọa chất lượng giảng dạy, nói dối về năng lực của sinh viên, có hại cho cả người sử dụng lao động sau này và bản thân đại học khi tung ra thị trường nghề nghiệp những sinh viên đạt hạng nhất nhưng trình độ còn thua sinh viên tốt nghiệp thứ hạng thấp hơn”. Cá biệt, năm 2016, University of Surrey có số sinh viên tốt nghiệp hạng nhất lên đến 41%, gấp đôi so với cách nay 6 năm. University of East Anglia bám sau với 37%. Giáo sư giáo dục Alan Smithers gọi đây là căn bệnh “thành tích kinh niên về bằng cấp”.
Năm 2016, nhóm các đại học chiếu trên “Russell Group” có hơn ¼ sinh viên nhận bằng hạng nhất. Theo khảo sát của hãng thông tấn Press Association dựa vào số liệu từ 2015-16 do cơ quan thống kê giáo dục đại học (Higher Education Statistics Agency-HESA) cung cấp, số sinh viên tốt nghiệp hạng nhất vẫn thấp hơn hạng 2:1 nhưng đông hơn hạng 2:2, 24% so với 51% và 21%. Trong khi đó, năm 1994 chỉ có 7% sinh viên tốt nghiệp hạng nhất!
Trong số 148 viện đại học được khảo sát, chỉ có một số rất nhỏ có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp hạng nhất thấp hơn 5 năm trước. Các sở giáo dục nghệ thuật thường có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp hạng nhất cao, mà dẫn đầu là Royal Academy of Music với 64%.
Giáo sư Smithers thuộc University of Buckingham nhận định: “Khác với kỳ thi quốc gia như GCSEs, các đại học thoải mái hơn trong việc đặt ra hệ thống xếp hạng tốt nghiệp. Kết quả là nhiều sinh viên thích chọn các đại học có nhiều sinh viên tốt nghiệp hạng nhất để theo học với hy vọng cũng sẽ có một mảnh bằng như thế. Và khi đại học nào cũng tham gia cuộc chạy đua tốt nghiệp hạng nhất, sẽ không có đại học nào muốn bị bỏ lại phía sau”.
Royal Academy of Music |
Hệ thống TEF dùng làm qui chuẩn xếp hạng tốt nghiệp cho các đại học
Số liệu vừa công bố của HESA cho thấy có đến 26% sinh viên tốt nghiệp với bằng hạng nhất trong năm 2016, tăng mạnh so với 18% của học khóa 2012-13. Sự gia tăng có tính “hiện tượng” và đã diễn ra từ nhiều năm nay. Đầu thập niên 1990 chỉ có khoảng 8% sinh viên lấy được bằng hạng nhất. Đại học nào cũng có cơ chế xếp hạng sinh viên tốt nghiệp riêng nên mới xảy ra tình trạng lạm phát bằng hạng nhất này.
Nay, để bảo vệ danh tiếng giáo dục đại học chính phủ quyết định vào cuộc với hệ thống xếp hạng tốt nghiệp chung có tên Teaching Excellence and Student Outcomes Framework (TEF) để loại bỏ tình trạng sinh viên không đạt chuẩn hạng nhất vẫn tốt nghiệp hạng này. Bắt đầu áp dụng từ năm 2017, TEF xếp hạng các viện đại học thành 3 nhóm: vàng, bạc và đồng dựa vào nhiều yếu tố như chất lượng giảng dạy và những gì mang lại cho sinh viên trong quá trình học tập.
Một hội đồng chuyên viên sẽ xem xét thực tế của từng viện đại học một để ấn định tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp hạng nhất được phép tăng thêm so với chuẩn chung. Hội đồng cũng quyết định tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp hạng 2:1. Một phát ngôn viên của tổ chức Các viện đại học Anh (Universities UK), đại diện cho các cơ sở giáo dục đại học, cũng cho biết sẽ dự thảo những biện pháp riêng để ngăn chặn tình trạng lạm phát bằng hạng nhất.
“Giá trị của giáo dục Anh phải được phục hồi, ở đây là bằng cấp. Làm thế là vừa bảo vệ sinh viên tốt nghiệp, bảo vệ những công ty sử dụng họ và cả uy tín của giáo dục Anh dưới mắt người nước ngoài. Lạm phát bằng tốt nghiệp hạng nhất là kéo giá trị đại học xuống - ông nói - Đáng buồn là vẫn có nhiều đại học áp dụng hệ thống xếp hạng tùy tiện khi không có sự giám sát của chính phủ với mục tiêu là đẩy tỉ lệ tốt nghiệp hạng A lên cao để tăng uy tín viện, trường mình”.
Nick Hillman, giám đốc Viện chính sách giáo dục đại học (Higher Education Policy Institute) bổ sung: “Những hệ thống xếp hạng như vậy đều cần đặt dấu hỏi về tính đúng đắn của nó”. Hiện các đại học Anh không chỉ tranh giành sinh viên mà còn tăng học phí lên đến 9.250 bảng Anh, vì vậy lạm phát bằng hạng nhất là một trong những cách thu hút sinh viên theo học, nhất là khi có nhiều công ty thích tuyển sinh viên có loại bằng này.
“Giá trị của giáo dục Anh phải được phục hồi, ở đây là bằng cấp. Làm thế là vừa bảo vệ sinh viên tốt nghiệp, bảo vệ những công ty sử dụng họ và cả uy tín của giáo dục Anh dưới mắt người nước ngoài. Lạm phát bằng tốt nghiệp hạng nhất là kéo giá trị đại học xuống. Đáng buồn là vẫn có nhiều đại học áp dụng hệ thống xếp hạng tuỳ tiện khi không có sự giám sát của chính phủ với mục tiêu là đẩy tỉ lệ tốt nghiệp hạng A lên cao để tăng uy tín viện, trường mình”
Một phát ngôn viên của tổ chức Các viện đại học Anh (Universities UK)
University of Oxford |