Nhiều quyền lợi với học sinh giỏi quốc gia

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa ban hành văn bản hợp nhất về quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia.

Nhiều quyền lợi với học sinh giỏi quốc gia

Học sinh giỏi quốc gia được nhiều quyền lợi

Theo văn bản này, học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia được cấp Giấy chứng nhận và được khen thưởng.

Học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và đã tốt nghiệp THPT được xét tuyển vào đại học, cao đẳng theo quy định của Quy chế thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc sau:

Học sinh là thành viên đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực được tuyển thẳng vào các trường đại học theo nguyện vọng đăng ký và được ưu tiên cử đi đào tạo đại học ở nước ngoài bằng học bổng, chi phí đào tạo do Nhà nước cấp hoặc do nước ngoài tài trợ theo Hiệp định ký kết với Nhà nước Việt Nam.

Học sinh đoạt từ giải Ba trở lên được tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng theo đúng nhóm ngành do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định cho từng môn thi.

Học sinh đoạt giải Khuyến khích được tuyển thẳng vào Cao đẳng theo đúng nhóm ngành do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định cho từng môn thi.

Trường hợp không sử dụng quyền được tuyển thẳng , học sinh đoạt giải đăng ký dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy theo khối thi có môn đoạt giải (môn Tin học được xem như môn Toán khi xét khối thi), có kết quả thi từ điểm sàn trở lên và không có môn nào bị điểm 0 được tuyển vào đại học (đối với học sinh đoạt từ giải Ba trở lên) và cao đẳng (đối với học sinh đoạt từ giải Khuyến khích trở lên).

Học sinh lớp 12 tham dự kỳ thi chọn đội tuyển Olympic được miễn thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Môn thi và hình thức thi

Đối với kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, chỉ tổ chức thi đối với môn thi có ít nhất 5 đơn vị đăng ký dự thi.

Hàng năm, Bộ GD&ĐT tổ chức 2 kỳ thi: Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông và kỳ thi chọn học sinh trung học phổ thông vào các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực.

Môn Tin học thi theo hình thức lập trình trên máy vi tính; các môn khác thi theo hình thức thi viết; riêng các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học có thêm hình thức thi thực hành, các môn Ngoại ngữ có thêm hình thức thi nói.

Nội dung thi nằm trong phạm vi Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ GD&ĐT ban hành và nội dung dạy học các môn chuyên trường trung học phổ thông chuyên do Bộ GD&ĐT hướng dẫn.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia có 2 buổi thi đối với các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học và các môn Ngoại ngữ; có 1 buổi thi đối với các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí. Các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học có thể có thêm 1 buổi thi thực hành.

Thời gian làm bài thi của buổi thi viết và buổi thi môn Tin học là 180 phút.

Thời gian làm bài thi của buổi thi thực hành đối với các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học và buổi thi nói đối với các môn Ngoại ngữ: thực hiện theo Hướng dẫn tổ chức thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia (gọi tắt là Hướng dẫn tổ chức thi) hàng năm của Bộ GD&ĐT.

Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic có 2 buổi thi đối với mỗi môn thi; riêng các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học có thêm 1 buổi thi thực hành.

Thời gian làm bài thi đối với môn Tin học là 300 phút/buổi thi, môn Toán là 270 phút/buổi thi, môn Sinh học 180 phút tự luận, 60 phút trắc nghiệm/buổi thi, các môn còn lại là 240 phút/buổi thi.

Thời gian làm bài thi của buổi thi thực hành đối với các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học thực hiện theo Hướng dẫn tổ chức thi hàng năm của Bộ GD&ĐT.

Yêu cầu đối với đề thi

Mỗi môn thi có 1 đề thi chính thức và 1 đề thi dự bị với mức độ tương đương nhau; không có dạng đề tự chọn đối với mỗi môn thi.

Đề thi phải đảm bảo tính chính xác khoa học, bao quát được nội dung dạy học, phân loại được trình độ thí sinh. Trong nội dung đề thi chọn học sinh giỏi quốc gia các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học phải có câu hỏi về thực hành.

Đề thi phải được diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, không gây hiểu nhầm; phải ghi rõ có mấy trang, đánh số từng trang và có chữ "HẾT" tại nơi kết thúc đề thi.

Đề thi chọn đội tuyển Olympic phải đạt được yêu cầu tiếp cận với cấu trúc và phạm vi kiến thức của đề thi trong các Olympic quốc tế và khu vực.

Đề thi và đáp án của kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia phải được công bố trên Website Bộ GD&ĐT ngay sau khi chấm thi xong.

Đề thi, kể cả đề thi đề xuất, chưa sử dụng và các tài liệu liên quan đến nội dung đề thi thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ tối mật theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Giải nhất không quá 5% tổng số giải

Chỉ xếp giải cá nhân (Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích), theo từng môn thi.

Sau khi hoàn tất việc chấm điểm bài thi, xếp thứ tự số phách theo điểm thi từ cao xuống thấp, để xếp giải.

Tổng số giải, từ Khuyến khích trở lên, không vượt quá 50% số thí sinh dự thi; trong đó, tổng số giải Nhất, Nhì, Ba không vượt quá 60% tổng số giải, số giải Nhất không vượt quá 5% tổng số giải.

Trên cơ sở phương án xếp giải do các Tổ chấm thi đề xuất, Chủ tịch Hội đồng chấm thi và Thường trực Ban Chỉ đạo thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia xây dựng phương án xếp giải, trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Sau khi hoàn tất việc chấm điểm bài thi kỳ thi chọn đội tuyển Olympic, xếp bài thi chưa ghép phách theo thứ tự điểm thi từ cao xuống thấp để xét chọn thí sinh vào các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và Olympic quốc tế (đối với những môn không tổ chức đoàn tham gia Olympic khu vực) đảm bảo số thí sinh được tuyển chọn bằng số thành viên của mỗi đội tuyển.

Học sinh trong đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế của những môn có tổ chức đoàn tham gia Olympic khu vực được tuyển chọn trong số các học sinh đã dự thi Olympic khu vực cùng năm, theo nguyên tắc sau:

Xếp thứ tự các học sinh có tổng điểm thi của kỳ thi chọn đội tuyển Olympic và kỳ thi Olympic khu vực (điểm của hai kỳ thi quy đổi về cùng một thang điểm) từ cao xuống thấp để xét chọn, đảm bảo số học sinh được tuyển chọn bằng số thành viên của đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế.

Trường hợp phải lựa chọn giữa các học sinh có tổng điểm của cả hai kỳ thi trên bằng nhau, học sinh có điểm thi cao hơn trong kỳ thi Olympic khu vực sẽ được chọn; trường hợp phải lựa chọn giữa các học sinh có điểm thi bằng nhau trong kỳ thi Olympic khu vực, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức cho các học sinh đó làm bài kiểm tra để lựa chọn.

Những vật dụng được mang vào phòng thi

Thí sinh được phép mang vào phòng thi tài liệu, vật dụng liên quan đến việc làm bài thi:

Bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình;

Máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; riêng đối với môn thi Toán, thí sinh không được mang máy tính vào phòng thi;

Bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học và Bảng tính tan đối với môn thi Hoá học, Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí; không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì trong tài liệu.

Việc mang tài liệu, vật dụng vào phòng thi thực hành đối với các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học và vào phòng thi nói đối với các môn Ngoại ngữ được thực hiện theo Hướng dẫn tổ chức thi hàng năm của Bộ GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.