Nhiều quốc gia đau đầu với gian lận thi cử

GD&TĐ - Gian lận thi cử không chỉ hoành hành ở những quốc gia nghèo nàn như Ấn Độ, sức nóng thi cử khiến cho gian lận thi cử len lỏi cả tới những quốc gia thịnh vượng như Singapore…

Nhiều quốc gia đau đầu với gian lận thi cử

Cấm mang tất, giày vào phòng thi ở Ấn Độ

Nhà chức trách bang Bihar phía Đông Ấn Độ yêu cầu học sinh không mang giày hoặc tất vào phòng thi để ngăn ngừa gian lận.

Quy định có hiệu lực từ 21/2, khi có khoảng 1,8 triệu học sinh 15 tuổi dự kì thi căng thẳng nghẹt thở vào lớp 10 công lập.

Bihar cũng là bang nổi tiếng với nạn gian lận thi cử.

Cơ quan chức năng cho biết thí sinh cũng đã bị kiểm tra trước khi vào phòng thi và được kiểm soát bằng video trong khi làm bài thi.

Những thí sinh cố tình mang tất hoặc giày sẽ bị yêu cầu đứng ngoài phòng thi – một giám thị cho biết.

Năm 2016, bang Bihar đã ban hành các biện pháp như án phạt tiền và tù giam để ngăn ngừa gian lận thi cử. Trong năm này, một học sinh giỏi 17 tuổi bị bắt vì thi hộ.

Năm 2013, hơn 1.600 thí sinh bị loại vì gian lận thi cử. Và 100 phụ huynh bị bắt vì “hỗ trợ” con gian lận thi. Sau khi nhà chức trách tiến hành “tổng tấn công” gian lận thi cử năm 2016, tỉ lệ thi đỗ của bang Bihar đã giảm từ hơn 70% năm 2014 xuống chưa đầy 50% năm 2015.

Thành tích thi cử là yếu tố quyết định tới sự nghiệp thành công tại Ấn Độ. Trong khi số lượng tuyển sinh đã tăng lên và kĩ năng đọc được cải thiện, chất lượng giảng dạy tại hầu hết các trường vẫn yếu kém.

Dịch vụ “thi gian” đội lốt trung tâm dạy thêm ở Singapore

Các trung tâm dạy thêm phổ biến tại Singapore giúp học sinh trang bị kiến thức trong cuộc đua vào những trường tốp đầu, tuy nhiên có trung tâm đã bị phát hiện “làm bậy” khi tổ chức dịch vụ gian lận thi cử.

Một toà án Singapore vừa đưa ra xét xử âm mưu gian lận thi cử có tổ chức.

Một giáo viên dạy thêm Singapore đã thừa nhận giúp 6 học sinh Trung Quốc gian lận trong các kỳ thi năm 2016. Tan Jia Yan đăng kí dự thi như thí sinh tự do và chuyển câu hỏi qua tính năng Facetime tới đồng phạm, những người sau đó giải và gọi điện đọc cho những thí sinh bỏ tiền thuê họ.

Các thí sinh gian lận mang theo điện thoại di động, thiết bị không dây và mang tai nghe có màu da người trong khi thi. Tan bị cáo buộc 27 lần thực hiện hành vi gian lận.

Hành vi gian lận diễn ra trong các kì thi O-level, phổ biến dành cho học sinh khoảng 16 tuổi. 3 đồng phạm khác của Tan cũng bị cáo buộc tội danh tương tự.

Vụ việc được phát hiện năm 2016, khi đó Tan đang làm thuê cho Trung tâm Giáo dục Zeus.

Ba nghi phạm khác gồm giám đốc trung tâm cùng 2 giáo viên. Giám đốc Trung tâm Giáo dục Zeus bị cáo buộc nhận 8.000 S$ (6.100 USD) tiền cọc (1.000 S$ cho mỗi thí sinh) và được hoàn trả đầy đủ nếu thí sinh thi trượt.

Thí sinh gian lận thi vào trường y ở Thái Lan

Năm ngoái, một trường đại học y hàng đầu Thái Lan phát hiện thí sinh sử dụng camera gián điệp kết nối với đồng hồ thông minh để gian lận trong kỳ thi tuyển sinh. Vụ việc khiến dư luận Thái Lan lo ngại cho chất lượng cử nhân tương lai nếu những gian lận tương tự lọt lưới, đồng thời phản ánh những tồn tại của hệ thống giáo dục.

Trường Đại học Rangsit, một trường đào tạo y khoa có tiếng tại Thái Lan đã huỷ bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học sau khi âm mưu gian lận bị phát hiện. Ba sinh viên gian lận bị phát hiện gắn camera vào tròng kính để chuyển hình ảnh đề thi tới một nhóm người bên ngoài. Mỗi sinh viên trả khoản tiền 800.000 baht Thái (23.000 USD) mua các thiết bị tân tiến – được ví như trên bộ phim hành động “Điệp vụ bất khả thi”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ