Việc đưa ra nhiều phương án giúp các trường đa dạng hóa nguồn tuyển và tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Tuy nhiên, thực tế cũng khiến dư luận không khỏi băn khoăn về chất lượng đầu vào.
Không tuyển sinh bằng mọi giá
Theo TS Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội, dù có khoảng 20 phương thức tuyển sinh, nhưng thực tế chỉ có 3 - 4 phương thức xét tuyển đại học cơ bản, gồm: Xét tuyển bằng hồ sơ học tập hoặc thành tích cá nhân (học bạ THPT, chứng chỉ quốc tế, các giải thưởng...); xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc kỳ thi riêng khác; xét tuyển kết hợp các tiêu chí từ hai phương thức trên.
“Đơn cử, năm nay Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội áp dụng 4 phương thức xét tuyển, gồm: Phương án riêng; kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022; học bạ THPT và kết quả thi đánh giá năng lực do ĐHQGHN tổ chức năm 2022” - TS Hoàng Xuân Hiệp thông tin, đồng thời nhìn nhận: Việc đưa ra nhiều phương thức xét tuyển giúp các trường đa dạng hóa nguồn tuyển và tăng cơ hội vào đại học cho thí sinh. Mỗi trường và mỗi phương thức xét tuyển sẽ có các tiêu chí khác nhau để bảo đảm chất lượng đầu vào.
GS.TS Hoàng Văn Cường – đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân – cho hay: Trước đây, các trường đại học thường tuyển sinh bằng một phương thức. Tuy nhiên, việc áp dụng duy nhất một phương thức tuyển sinh, đôi khi lại làm mất cơ hội lựa chọn của người học. Bởi thực tế, mỗi thí sinh có năng lực khác nhau. Vì thế, nếu chỉ căn cứ vào điểm thi của một kỳ thi, với tổ hợp 3 môn thì chưa thể đánh giá được toàn diện thí sinh. Vô hình trung làm mất cơ hội cho những thí sinh giỏi ở lĩnh vực khác.
“Tôi cho rằng, việc các trường áp dụng nhiều phương thức xét tuyển chính là tạo cơ hội tốt cho các đối tượng khác nhau” – đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm, đồng thời chia sẻ: Khi áp dụng nhiều phương thức, các trường sẽ vất vả hơn trong công tác tuyển sinh.
Đặt vấn đề về chất lượng nguồn tuyển khi các trường áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh, lãnh đạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào cơ sở đào tạo. Theo đó, các trường phải đưa ra tiêu chí xét tuyển phù hợp. Với những trường có chất lượng đào tạo tốt, mức độ cạnh tranh cao, lâu nay số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vẫn gấp nhiều lần chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm. Những cơ sở đào tạo này thường phát triển nhiều phương thức tuyển sinh để đa dạng hóa nguồn tuyển và chất lượng nguồn tuyển ngày càng tốt hơn.
Không bỏ qua trách nhiệm giải trình
Đồng quan điểm, TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng) - bày tỏ, không đáng quan ngại việc các trường áp dụng đa phương thức xét tuyển. Bởi mỗi phương thức đều có quy định về chuẩn đầu vào, kèm theo đó là các tiêu chí xét tuyển khác. Vì thế, sẽ không có chuyện tuyển sinh bằng mọi giá để lấp đầy chỉ tiêu. Bởi dù thí sinh chọn phương thức xét tuyển bằng học bạ, hay kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy thì đều phải đạt “điểm sàn” và đủ điểm trúng tuyển mới được thông báo nhập học.
Theo TS Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), nhiều năm nay, hầu hết trường đại học đều sử dụng phương thức tuyển sinh khác nhau. Bộ GD&ĐT quy định, nếu các trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh trong cùng 1 ngành thì phải giải trình được điều đó và giải thích chỉ tiêu cho từng phương thức cũng như công khai điểm thi cho từng phương thức.
TS Phạm Như Nghệ viện dẫn: Từ năm 2021 trở về trước, dù nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau nhưng khoảng 55% thí sinh trúng tuyển đại học căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT, khoảng 35% trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ THPT; các phương thức còn lại khoảng dưới 10%. “Việc sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau mang lại nhiều quyền lợi cho thí sinh và không lo lắng về chất lượng nguồn tuyển, vì các trường phải có trách nhiệm giải trình với xã hội” - TS Phạm Như Nghệ nhấn mạnh.
Tại Hội nghị tuyển sinh năm 2022, đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) thông tin, hiện có khoảng 20 phương thức xét tuyển đầu vào đại học. Tuy nhiên thực tế, các phương thức chủ yếu tập trung là: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, tuyển thẳng… Song, việc có quá nhiều phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển trong một ngành, phân bổ số lượng chỉ tiêu giữa các phương thức xét tuyển trong cùng một ngành chưa hợp lý có thể dẫn đến những hệ quả không tốt trong dư luận xã hội. Đơn cử như, năm 2021, một số ngành có điểm trúng tuyển cao bất thường, thí sinh 30 điểm vẫn không đỗ.
Để công tác tuyển sinh năm 2022 bảo đảm hiệu quả, công bằng, Bộ GD&ĐT yêu cầu cơ sở giáo dục đại học cần khai báo các thông tin xét tuyển của các phương thức lên trang thi và tuyển sinh để thí sinh đăng ký. Ngoài ra, các trường cần công khai đề án, kế hoạch tuyển sinh theo đúng Quy chế. Đồng thời, xác định và giải trình về các phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển theo yêu cầu của ngành đào tạo và xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng đầu vào cũng như chịu trách nhiệm giải trình với bên liên quan.
Mặt khác, dự kiến Quy chế tuyển sinh cũng yêu cầu cơ sở đào tạo phải bảo đảm nguyên tắc giữ ổn định đối với các phương thức tuyển sinh đang được sử dụng, nếu muốn giảm chỉ tiêu hoặc bãi bỏ phải có lộ trình. Chẳng hạn, không được giảm quá 30% tổng chỉ tiêu của ngành mỗi năm; không gây xáo trộn cho việc học tập, ôn luyện của thí sinh. Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức kiểm tra, thanh tra điều kiện bảo đảm chất lượng, công tác tuyển sinh của một số trường…