Nhiều phương thức GD mới tại Trung Quốc

GD&TĐ - Giảm bớt áp lực thi cử bằng ngân hàng điểm, dạy giá trị lễ nghĩa từ tấm bé… là những phương thức giáo dục mới đáng chú ý tại Trung Quốc.

Nhiều phương thức GD mới tại Trung Quốc

Vay điểm

Một trường THPT phía Đông Trung Quốc đã lập một “ngân hàng điểm” cho phép học sinh thi trượt có thể “vay” điểm và “trả nợ” cả “vốn lẫn lãi” vào kì thi sau. Học sinh cũng có thể kiếm điểm thêm dưới hình thức thực hành thí nghiệm hoặc phát biểu trong giờ học để trả điểm vay “ngân hàng”.

Hệ thống GD Trung Quốc phụ thuộc nặng nề vào một vài kì thi quyết định, tấm vé vào đại học được quyết định chỉ bằng một kì thi cuối bậc THPT. Học sinh vì vậy chịu nhiều áp lực và dẫn tới gian lận thi cử công nghệ cao dù biết trước hậu quả nặng nề nếu bị phát hiện. Camera gián điệp và thiết bị phát sóng được giấu trong đồ trang sức, ví, bút, thước và cả đồ lót.

“Mục đích của thi cử là để học sinh đánh giá, sửa chữa và cải thiện việc học, chứ không phải biến mọi thứ trở nên khó khăn, trừng phạt hoặc phá hủy sự yêu thích học tập của học sinh” - theo Huang Kan, Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Nam Kinh, phân tích. Huang cũng phê phán văn hóa “một kì thi quyết định cuộc đời bạn” tại Trung Quốc.

“Ngân hàng điểm” tại Trường THPT số 1 Nam Kinh hiện tại chỉ ở giai đoạn thí điểm. Một học sinh tên Gui, mới đây mượn 7 điểm để đủ 60 điểm đậu bài thi Vật lí, nhưng hầu hết học sinh thường chỉ cần vay 1 hoặc 2 điểm.

“Sự khác biệt giữa 59 và 60 điểm là không lớn nhưng tác động tâm lí tới học sinh thì vô cùng lớn” - Mei Hong, giáo viên Vật lí của trường cho biết. Nó giống như cho học sinh một tay vịn cầu thang để các em yên tâm đi xuống. Cho tới nay khoảng 1/4 học sinh trong chương trình thí điểm đã vay từ ngân hàng.

Giống như một ngân hàng thực sự, điểm vay sẽ tính lãi suất và học sinh phải trả cả gốc lẫn lãi vào kì thi sau. Những học sinh còn nợ vào cuối học kì sẽ bị “dấu đỏ” trong bảng kết quả học tập.

Nở rộ trường dạy Khổng Tử

Các bài học về Khổng Tử đang được nhân rộng tại Trung Quốc đáp ứng nhu cầu giáo dục truyền thống cho trẻ của các gia đình, đặc biệt là lớp trung lưu.

Trong giờ học về Khổng Tử, trẻ đội mũ cánh chuồn cúi đầu trước tượng Khổng Tử (được suy tôn như một trong những nhà khai sáng Nho giáo, đồng thời là giảng sư và triết gia lỗi lạc Á Đông); học triết lí của Khổng Tử về lễ giáo truyền thống.

Với sự ủng hộ của chính phủ, hàng trăm trường mẫu giáo tư chuyên dạy về Khổng Tử mọc lên tại Trung Quốc. Tại một trường như vậy ở thành phố Vũ Hán, mở năm 2015, phụ huynh đóng khoảng 7.000 tệ (1.000 USD)/1 học kì với hy vọng con thấm nhuần đạo giáo về lòng hiếu thảo, tôn trọng bề trên của Khổng Tử. Trường này có khoảng 160 học sinh với mỗi lớp khoảng 30 trẻ.

Cậu bé 5 tuổi Zhu Baichang thừa nhận không hiểu hết ý tưởng trong triết lí được dạy nhưng nói rằng “nó rất thú vị”. “Chúng tôi không hiểu hết những triết lí mà con trai đọc ra”, bố của Baichang, chia sẻ nhưng khẳng định rằng những nguyên tắc này đã “dẫn dắt Trung Quốc 2.000 năm” và đã ăn sâu vào tâm can mình.

Ở trường trẻ bắt đầu học thuộc lòng giáo lí từ khi còn rất nhỏ. “Giữa 2 và 6 tuổi khả năng nhớ là tuyệt vời”, vì thế “chúng tôi cấy những hạt giống về lòng hiếu thuận, tôn trọng giáo viên và từ bi” - Hiệu trưởng trường ở Vũ Hán cho biết.

Quỹ Khổng Tử Trung Quốc có khoảng 300 cơ sở như vậy vào cuối năm ngoái, so với 223.700 trường mẫu giáo bình thường, nhưng có kế hoạch mở thêm khoảng 700 trường nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công cụ trí tuệ nhân tạo giải quyết nhu cầu học tập đa dạng của sinh viên.

Singapore thận trọng sử dụng AI

GD&TĐ - Các trường đại học Singapore áp dụng cởi mở nhưng thận trọng với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy và thực hành.
Chùm ảnh sự hỗn loạn ở Haiti

Chùm ảnh sự hỗn loạn ở Haiti

GD&TĐ - An ninh trật tự Haiti liên tục phải chịu những biến cố, từ vụ ám sát tổng thống đến động đất và tình trạng bạo lực từ các băng đảng.