Trẻ em bị xâm hại tình dục, cha mẹ thường tìm cách giấu giếm
Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) Hà Nội, nguyên Phó Cục trưởng Cục chăm sóc và Bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) - một chuyên gia có nhiều năm gắn bó với công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em khẳng định đến tận bây giờ, nhiều bậc phụ huynh còn chưa hiểu thế nào là xâm hại tình dục trẻ em.
Phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc phỏng vấn với BS Nguyễn Trọng An xoay quanh nội dung này.
-Thưa ông, hiện nay khái niệm về xâm hại tình dục vẫn khá trừu tượng với nhiều bậc phụ huynh và học sinh các cấp. Vậy xin ông cho biết, thuật ngữ xâm hại tình dục trẻ em nên được hiểu như thế nào?
BS Nguyễn Trọng An: Đúng là còn nhiều bậc phụ huynh và trẻ em chưa hiểu rõ thế nào là xâm hại tình dục trẻ em. Do vậy, đã có không ít trường hợp bị xâm hại, thậm chí ngay cả những người đã vi phạm pháp luật mà không biết.
Theo Luật Trẻ em 2016 quy định: “Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức”.
Văn bản của nước ngoài còn quy định cụ thể thêm một số hình thức như: âu yếm quá mức, sờ mó, đụng chạm chỗ kín; tàng trữ ảnh khỏa thân của trẻ; kể chuyện tình dục, gạ gẫm, rủ trẻ xem phim, ảnh, đọc truyện khiêu dâm; quan hệ loạn luân; sử dụng trẻ em làm mại dâm...
-Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam đang diễn biến ra sao, thưa ông?
Tại Việt Nam, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, theo báo cáo của tòa án các cấp cho thấy khoảng 80% số vụ xâm hại tình dục đã xét xử từ năm 2008 - 2013 có nạn nhân là trẻ em.
Đó là chưa kể, theo điều tra của Tổ chức nhân đạo Quốc tế, có đến 78% số trẻ em Hà Nội khai nhận đã từng bị xâm hại giới (sàm sỡ, xâm hại hoặc có hành vi dụ dỗ trẻ dâm ô). Có lẽ con số này sẽ khiến cha mẹ giật mình và hoảng sợ.
-Thưa ông, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang gia tăng, nhưng trẻ em lại sợ nói cho cha mẹ biết, tại sao lại như vậy?
Trẻ em Việt Nam sau khi bị kẻ xấu xâm hại tình dục thường sợ sệt không dám nói với cha mẹ hoặc người lớn để can thiệp vì thói quen, phong tục và cách giáo dục trẻ.
Trẻ em lo sợ không dám nói với gia đình vì sợ cha mẹ mắng. Không có sự đồng cảm từ cha mẹ, người thân nên trẻ thường giấu đi.
Chính vì thường ngày cha mẹ ít nói chuyện, chia sẻ với con nên con khó hòa nhập để nói ra. Bên cạnh đấy, nhiều kẻ xâm hại tình dục xong quay lại đổ lỗi cho trẻ: “Ai bảo mày ăn mặc hở hang quá? Ai bảo mày ngủ không đóng cửa?…”.
Trẻ sẽ cho rằng đây là lỗi “tày đình” của chúng nên không dám nói với cha mẹ. Hãy nhớ rằng trẻ em không có lỗi nên gia đình và xã hội phải đồng cảm với trẻ.
Một lý do nữa là cách giáo dục chưa tới nơi của gia đình và nhà trường. Hiện nay, chúng ta đang có sự nhầm lẫn giữa giáo dục giới tính và giáo dục tình dục.
Không ít ý kiến cho rằng không nên đưa giáo dục giới tính vào chương trình giáo dục sớm vì sợ “vẽ đường cho hươu chạy”. Thực tế và kinh nghiệm của các nước tiên tiến cho thấy sự cần thiết phải giáo dục giới tính cho học sinh, càng sớm càng tốt.
Tiếp đến độ tuổi dậy thì phải đưa giáo dục tình dục vào chương trình giảng dạy. Có nghĩa là các thầy cô giáo đều phải nắm rõ và có kiến thức về giới tính và tình dục, đặc biệt là kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em để truyền thụ cho học sinh. Bên cạnh đó, tài liệu giảng dạy nhất thiết phải phù hợp theo độ tuổi và sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) Hà Nội
-Theo ông, việc bị xâm hại tình dục có ảnh hưởng như thế nào tới quá trình phát triển của một đứa trẻ sau này?
Xâm hại tình dục trẻ em nói chung gây ra những tổn hại nghiêm trọng về mặt thể chất, tâm lý và tình cảm đối với trẻ từ mức độ nhẹ đến rất trầm trọng.
Đã có những trường hợp gia đình phải đem con bỏ đi biệt xứ, nhiều em bé bị rối loạn tâm thần, trầm cảm tự tử.
Khi bị xâm hại tình dục, đa số các em đều rất đau đớn về thể xác, cơ thể bị tổn thương. Vì những kẻ có hành vi xâm hại tình dục thường là những kẻ không bình thường và dùng nhiều hành động “biến thái”. Như việc xảy ra tại Ninh Bình (năm 2010). Khi hãm hiếp cháu xong kẻ này còn dùng tay móc sâu vào bên trong âm đạo trẻ khiến trẻ bị rách tử cung. Rồi sau đó hắn chỉ cho rằng đó là sờ soạng.
Bị đau về thể xác chưa là gì so với những ám ảnh tâm lý của trẻ. Trẻ dễ bị tổn hại về tinh thần. Nhất là trẻ có thần kinh yếu sẽ dẫn đến bị tâm thần, trầm cảm và cuối cùng sẽ đến tự tử. Đối với trẻ nhỏ hơn sẽ bị hoảng loạn, bỏ ăn, bỏ bú cơ thể suy nhược.
Theo kết quả khảo sát năm 2011 của UNICEF, có đến 60% trẻ em sau khi bị xâm hại tình dục đều trở nên không bình thường, luôn có cảm giác xấu hổ, tội lỗi hoặc sống trong sợ hãi, lo lắng, căng thẳng, hoảng loạn; không tập trung, không chú ý trong giao tiếp và học tập; hoài nghi, không tin tưởng và tìm cách xa lánh mọi người. Một số trẻ bị nặng, mắc bệnh trầm cảm, muốn tự tử hoặc xa lánh tất cả mọi người, kể cả người thân trong thời gian dài.
-Nhiều bậc cha mẹ vì nhiều lý do khác nhau vẫn đụng chạm vào vùng kín của trẻ. Theo ông điều này có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển giới tính của trẻ?
Khi bố mẹ hay ông bà, vì quá yêu quý con, cháu mình mà có những hành động ôm ấp, rồi chạm vào những bộ phận sinh dục của các cháu thì chính những hành động này cũng bị xếp vào dạng sàm sỡ trẻ em. Việc liên tục bị như vậy khiến trẻ mất đi thói quen phòng vệ và dễ dàng trở thành miếng mồi ngon cho kẻ xấu.
Cần tuyên truyền giáo dục cho cha mẹ và cho các em. Mặt khác phải để cho trẻ hiểu được thế nào là nguy hiểm khi bị xâm hại tình dục. Nếu có những hành vi như sờ soạng vào chỗ kín, cho xem tranh ảnh đồi trụy thì phải hô to và chạy đến nơi an toàn.
-Còn về phía nhà trường thì sao, thưa ông?
Về phía nhà trường cũng nên có những giờ sinh hoạt để giáo dục các em. Ví dụ như không được đi một mình vào chỗ tối, tuyệt đối không nhận quà, kẹo của người lạ… Tuy nhiên nhà trường cũng cần phải có những tài liệu và giờ giáo dục cụ thể. Không thể qua loa chuyện này và làm các em hiểu được mục đích là để bảo vệ chính mình.
Và trong những điều luật, tôi cũng đề xuất hình phạt cao nhất đối với những kẻ có hành vi dâm ô với trẻ em, đặc biệt là đối với những kẻ ấu dâm. Hiện có nhiều trường hợp như gia đình bé T.Y.N ở Hoàng Mai và chị Thanh Thủy ở Vũng Tàu vẫn chưa được xử lý nghiêm minh.
Rất tiếc hiện tại có nhiều cha mẹ chọn cách im lặng, không muốn gây ồn ào ảnh hưởng đến con. Nhưng chính như thế mà những kẻ có hành vi này lại được đà.
-Xin cảm ơn ông.