Đó là thông tin trong chương trình “Tập huấn đào tạo về chẩn đoán và điều trị tổn thương polyp và ung thư sớm đại trực tràng” ngày 24/4, tại Bệnh viện K nhằm chia sẻ kinh nghiệm, đẩy mạnh các nghiên cứu chẩn đoán, cận lâm sàng, tăng cường ứng dụng các thành tựu vào thực tiễn trong quá trình chẩn đoán điều trị ung thư nói chung, ung thư đại trực tràng nói riêng.
Tham dự có chuyên gia Nhật Bản BS.Kenichiro Imai, Trung tâm nội soi, Bệnh viện ung thư Shizuoka và GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc bệnh viện K; PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc bệnh viện; TS.BS Bùi Ánh Tuyết, Trưởng khoa Nội soi thăm dò chức năng cùng đông đảo cán bộ y tế bệnh viện.
Ung thư đại trực tràng đứng top 5 những bệnh ung thư thường gặp
Ở Việt Nam, con số thống kê ước tính mỗi năm cả nước có 165.000 ca mắc ung thư đại trực tràng và có khoảng 115.000 ca tử vong/năm. Con số này dự kiến tiếp tục gia tăng, do đó ung thư đang là mối đe dọa lớn đến sức khỏe của mỗi người.
TS.BS Bùi Ánh Tuyết cho biết: “Ung thư đường tiêu hóa là bệnh ung thư thường gặp và là nguyên nhân tử vong hang đầu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt ung thư đại trực tràng đang có xu hướng tăng lên.
Theo GLOBOCAN 2018 (Ghi nhận ung thư) có khoảng 1,8 triệu ca mới mắc chiếm 10,2 % và khoảng 880 nghìn ca tử vong chiếm 9,2 % tổng số ca tử vong do ung thư đại trực tràng. Ghi nhận ung thư 2018 tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng đứng thứ 5 trong số 10 bệnh ung thư phổ biến nhất ở cả hai giới với số ca mắc mới là 14.733 và 7.856 trường hợp tử vong.
Cũng theo thống kê của WHO, với nhóm bệnh nhân phát hiện bệnh giai đoạn sớm có tỷ lệ sống sau 5 năm đạt 90%, bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn muộn thì chỉ khoảng 10%.”
Theo ghi nhận tại bệnh viện K, hiện tại hơn 70% bệnh nhân ung thư đến khám ở giai đoạn muộn với các nhu cầu điều trị giảm đau và chăm sóc triệu chứng là chủ yếu.
Việc bệnh nhân đến các cơ sở y tế khám bệnh ở giai đoạn muộn khiến hiệu quả của việc chữa bệnh bị giảm rất nhiều. Nhu cầu phát hiện chẩn đoán ung thư sớm đang rất lớn giúp tăng hiệu quả và giảm chi phí điều trị đáng kể.
Nếu như trước đây, người mắc ung thư đại trực tràng thường gặp ở độ tuổi trên 50 thì giờ đây căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa.
Tại bệnh viện K, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 5 trường hợp mắc ung thư đại trực tràng, đặc biệt có những bệnh nhân phẫu thuật ung thư đại trực tràng khi 12,13 tuổi…. Đó là hồi chuông cảnh báo, mọi người cần đi khám sức khỏe định kỳ, tầm soát phát hiện sớm để điều trị kịp thời.
Tiến bộ trong chẩn đoán ung thư đại trực tràng
Theo khuyến cáo của hiệp hội nội soi Nhật Bản, khám sàng lọc và nội soi đại trực tràng giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng, đặc biệt cắt polyp qua nội soi giúp giảm tới 80% tỷ lệ mắc UT ĐTT.
Ung thư ngày càng trẻ hóa. |
Khoa nội soi và thăm dò chức năng bệnh viện K – phối hợp cùng trung tâm ung thư Shizuoka Nhật Bản, áp dụng kĩ thuật, tiêu chẩn chuẩn đoán và điều trị tổn thương đại trực tràng theo hội nội soi Nhật Bản nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, phát hiện sớm ung thư ĐTT từ đó can thiệp tối thiểu, nâng cao chất lượng cuộc sống và thời gian sống cho người bệnh.
Đối với ung thư đại trực tràng các phương pháp chẩn đoán có giá trị nhất hiện tại là nội soi ống mềm, ngoài quan sát được tổn thương còn lấy sinh thiết làm xét nghiệm về mặt tế bào học .Nội soi, chẩn đoán sớm ung thư là rất cần thiết, đặc biệt với nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao.
Các bác sĩ sử dụng hệ thống máy nội soi thế hệ mới nhất giúp hình ảnh sắc nét, hiển thị rõ tổn thương dù là nhỏ nhất cao cấp, có chức năng nhuộm màu bằng ánh sáng và phóng đại trên 100 lần, giúp phân tích rõ ràng vi cấu trúc và vi mạch máu của tổn thương, đưa ra nhận định chính xác về tính chất tế bào học của tổn thương, phân biệt tổn thương ung thư và không ung thư từ đó đưa ra hướng can thiệp kịp thời cho người bệnh.
“Mục đích của việc nội soi phóng đại này là giúp phát hiện sớm mốt số ung thư đuờng tiêu hóa thuờng gặp như ung thư dạ dày, thực quản, đại tràng…”, TS.BS Bùi Ánh Tuyết, Trưởng khoa Nội soi thăm dò chức năng cho biết.
Biện pháp pháp tối ưu xử trí tổn thương đại trực tràng
Việc ứng dụng công nghệ xử lý hình ảnh cao cấp để chẩn đoán và phân loại ung thư đại trực tràng không chỉ đơn thuần là để tầm soát, phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm mà mục tiêu chính yếu của bệnh viện là điều trị tổn thương ung thư ở ngay giai đoạn sớm bằng can thiệp qua nội soi( EMR và ESD cắt niêm mạc và cắt tác dưới niêm mạc qua nội soi).
Khi phát hiện những tổn thương bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá kĩ bằng ánh sáng trắng, ánh sáng nhuộm màu và chất nhuộm chuyên dụng trong nội soi để đánh giá cấu trúc bề mặt. Nếu là ung thư giai đoạn sớm sẽ tiến hành những thủ thuật can thiệp tối thiểu qua nội soi ống mềm như cắt niêm mạc EMR hay cắt tách dưới niêm mạc ESD ngay lập tức để xử lý tại chỗ.
Trong đó cắt niêm mạc qua nội soi ống mềm EMR thường chỉ can thiệp với những tổn thương dưới 2cm, còn kĩ thuật cắt tách dưới niêm mạc ESD có thể khắc phục được những hạn chế của kĩ thuật EMR như can thiệp được nhưng tổn thương lớn > 30mm, đảm bảo cắt trọn khối tổn thương và giảm tối đa tỷ lệ tái phát. Phương pháp này thực hiện tỉ mỉ, can thiệp tối thiểu nâng cao chất lượng cuộc sống và thời gian sống cho người bệnh.
“Can thiệp qua nội soi giúp giảm thiểu thời gian nằm điều trị, tiết kiệm chi phí và hạn chế xâm lấn nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân”, TS.BS Bùi Ánh Tuyết cho biết.