Nhiều người ở Gia Lai bị lừa sang Campuchia: Muốn về phải chuộc

GD&TĐ - Thời gian qua, nhiều người dân ở Gia Lai “nhẹ dạ cả tin”, bị dụ dỗ, lôi kéo sang Campuchia làm việc với mức lương cao.

Gia đình chị L. mong ngóng, hy vọng con được trở về Việt Nam.
Gia đình chị L. mong ngóng, hy vọng con được trở về Việt Nam.

Tuy nhiên, khi không hoàn thành công việc thì gia đình phải bỏ ra khoản tiền lớn để “chuộc” người về.

Mong ngóng tin con

Thẫn thờ trong căn nhà nhỏ cuối hẻm (thị trấn Kon Dỡng, huyện Mang Yang, Gia Lai), gia đình chị L. ngày, đêm mong ngóng người con trai đã lưu lạc suốt 3 tháng qua.

Chị L. kể, con trai chị là Đ.V.T (SN 2007, hiện đang học lớp 9). Vào cuối tháng 3 vừa qua, thông qua mạng xã hội, T. nắm được thông tin tuyển dụng lao động sang Campuchia làm việc với mức lương rất cao. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn lại tin tưởng nên T. nghỉ học, trốn gia đình đi làm.

Sau vài ngày mất liên lạc, gia đình chị L. nhận được tin nhắn của T. với nội dung đang làm việc ở một công ty do người Trung Quốc quản lý tại Campuchia.

Theo chị L. con chị cho biết, sau khi trốn gia đình thì T. bắt xe khách vào TP Hồ Chí Minh rồi đến Long An theo lời chỉ dẫn. Tại đây, T. được một người tiếp nhận và dẫn đường vượt biên sang Campuchia.

Chị L. nói T. kể rằng, công việc hàng ngày là sử dụng máy tính để cày tiền “ảo” hoặc gọi điện thoại tìm kiếm khách hàng tham gia vào các sàn giao dịch chứng khoán, thương mại điện tử.

“Tuy nhiên, chỉ mới hơn 10 ngày con đã nhắn tin về nói không làm được nên bị công ty bắt đền bù hợp đồng với số tiền 130 triệu đồng. T. còn nói gia đình vay mượn tiền, nhanh chóng gửi qua nếu không sẽ bị hành hung, đánh đập. Nhưng vợ chồng tôi làm thuê chỉ đủ cái ăn qua ngày thì lấy đâu ra tiền”, chị L. tâm sự.

Cũng theo chị L. mấy ngày qua, gia đình chị thường xuyên nhận được tin nhắn yêu cầu gửi 100 - 130 triệu đồng để “chuộc” con về. Bên cạnh đó, T. còn nhờ gia đình tìm kiếm 10 người biết sử dụng máy tính để đưa qua làm việc. Nhận thức được đây là thủ đoạn lừa đảo của những kẻ xấu nên chị L. đã trình báo cơ quan công an.

“Tôi mong rằng các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc để điều tra, làm rõ vụ việc. Bên cạnh đó có thể đưa con tôi trở về quê nhà để gia đình yên tâm. Đồng thời cảnh báo đến người dân, những người mong muốn làm “việc nhẹ lương cao” để tránh bị lừa đảo”, chị L. chia sẻ.

Không chỉ cháu T., em P.P.T (SN 1999, trú huyện Chư Prông, Gia Lai) cũng bị người lạ dụ dỗ, lôi kéo sang tỉnh Sihanoukville, Campuchia làm trong công ty do người Trung Quốc điều hành. Nhưng do không hoàn thành chỉ tiêu nên P.P.T. bị phạt và yêu cầu liên hệ với gia đình chuyển khoản, nộp số tiền 150 triệu đồng mới được về Việt Nam. Sợ con gặp chuyện chẳng lành nên gia đình T. phải vay mượn, chạy vạy khắp nơi để chuyển tiền vào số tài khoản yêu cầu. Hơn 10 ngày sau, T. mới được đưa về Việt Nam.

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo

Theo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh Gia Lai địa phương đã ghi nhận 4 nạn nhân bị dụ dỗ, lôi kéo sang nước ngoài làm việc, trong đó hai trường hợp bị lừa đảo sang Campuchia.

Theo đó, thông qua các ứng dụng trên nền tảng mạng xã hội, những người lạ đăng thông báo tuyển dụng việc làm với công việc đơn giản, yêu cầu có kiến thức về công nghệ thông tin, mức lương hấp dẫn. Một số nạn nhân vì không có việc làm ổn định đã tin theo, đồng ý nhận đi làm việc tại Campuchia và được hướng dẫn đường đi, đưa đến các địa điểm có tên Công ty do người Trung Quốc làm chủ.

Tại đây, những nạn nhân được giao công việc và hướng dẫn lập các tài khoản mạng xã hội để giả danh nhân viên tuyển cộng tác viên, nhân viên các sàn đầu tư tài chính, nhân viên cơ quan nhà nước… nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Về vấn đề này, Thượng tá Đinh Văn Sơn, Phó phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Gia Lai cho biết, hình thức tuyển lao động ra nước ngoài làm việc thực chất là lừa đảo, giữ người trái phép.

Thông qua hợp đồng những người này giao chỉ tiêu, ép nạn nhân đi lừa đảo người khác. Khi không đạt chỉ tiêu thì ép nạn nhân nộp phạt khoảng 1.000 USD. Nếu chống đối thì sẽ bị đánh đập, bỏ đói.

Theo Thượng tá Sơn, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan ngoại giao, lãnh sự quán Việt Nam ở Campuchia để có kế hoạch giải cứu những trường hợp đang còn ở Campuchia.

Cũng theo Thượng tá Sơn, qua thống kê, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn ghi nhận 43 trường hợp bị lừa đảo qua mạng điện thoại, Internet với số tiền hơn 26 tỷ đồng. Có những trường hợp bị lừa đảo hơn 10 tỷ đồng.

Do đó, Thượng tá Sơn khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo sang Campuchia làm việc. Khi công dân có nhu cầu đi lao động cần tìm hiểu kỹ, liên hệ với cơ quan chức năng tại địa phương để được tư vấn, hỗ trợ và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.