Đây cũng là những ngành chịu ảnh hưởng mạnh nhất trong làn sóng cắt giảm lao động. Bộ này dự báo thời gian tới một số ngành có thể tiếp tục gặp khó khăn, do đó sẽ vẫn ảnh hưởng tới vấn đề bảo đảm việc làm cho người lao động.
1,07 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp
Bản tin thị trường lao động quý II/2023 vừa được Bộ LĐ-TB&XH công bố cho thấy trong quý II cả nước có 52,3 triệu người tham gia thị trường lao động, tăng 100 nghìn người so với quý I/2023 và tăng 0,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, 51,2 triệu người có việc làm, tăng 83,3 nghìn người so với quý I/2023 và tăng 691,4 nghìn người so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, cũng trong quý này, cả nước có 1,07 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, tăng 25,4 nghìn người so với quý I/2023, chiếm 2,30%.
Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên chiếm cao nhất với 7,41%, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động khu vực thành thị chiếm 2,75%. Có 940,7 nghìn người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm, tăng 54,9 nghìn người so với quý trước.
Thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cũng phần nào kéo tăng số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý II tăng mạnh so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, trong quý II/2023, cả nước có 357.513 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 152.385 người so với quý I và tăng 55.927 người so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 348.715 người (quý I là 169.846 người), 5.891 người được hỗ trợ học nghề (con số này ở quý I là 5.318 người), 670.720 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm (quý I là 432.978 người).
Như vậy, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 562.641 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, 11.209 người được hỗ trợ học nghề và hơn 1,1 triệu lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm.
Ảnh minh họa ITN. |
Ngành may mặc có số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH TPHCM, nửa đầu năm 2023, đã tiếp nhận hơn 64.800 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 2.700 người so với cùng kỳ năm ngoái.
Số lao động bị mất việc vì nhiều lí do, trong đó có thay đổi cơ cấu, gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, thu hẹp sản xuất… Sở LĐ-TB&XH thành phố đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tiếp cận doanh nghiệp để tổ chức các buổi tư vấn chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động ngay tại doanh nghiệp.
Tại Hà Nội, theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, hết tháng 5/2023, đơn vị này tiếp nhận gần 34.000 hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 36% (tương đương tăng khoảng 9.100 người) so với cùng kỳ năm 2022.
Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhìn nhận, những lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp này ít nhất đã mất việc từ tháng 2. Sau thời gian chưa tìm kiếm được việc làm, người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm.
Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội ghi nhận số người làm hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp chủ yếu là công nhân làm việc trong các ngành dệt may, điện tử, giày da, sản xuất chế tạo.
Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, số lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong quý II vừa qua phần lớn không có bằng cấp, chứng chỉ, chiếm 68,9% (tỷ lệ này ở quý I là 67%), tiếp theo là nhóm người hưởng có trình độ đại học trở lên, chiếm 13,1%, sơ cấp chiếm 6,8%, cao đẳng 5,8% và trung cấp 5,4%.
Trong quý II, công nghiệp chế biến chế tạo là nhóm ngành có lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất, chiếm 45,9%. Theo sau là nhóm hoạt động dịch vụ khác, với 30,9%, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 4,4%, xây dựng chiếm 2,7%, nhóm ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 2,6%.
Trong khi đó, 5 nhóm nghề có người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất gồm: Thợ may, thêu và các thợ có liên quan với 28,2%, thợ lắp ráp 7,8%, nhân viên bán hàng 2,7%, kỹ thuật viên điện tử 2,5%, kế toán 2,4%.
Ngành nghề nào tiếp tục có nhu cầu giảm nhiều việc làm?
Bộ LĐ-TB&XH dự báo, trong quý III/2023, một số ngành tiếp tục có nhu cầu giảm nhiều việc làm là sản xuất trang phục dự kiến giảm 123 nghìn người, nông nghiệp và hoạt động dịch vụ giảm 78 nghìn người, bán lẻ giảm 32 nghìn người.
Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng, bộ này sẽ tổ chức thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm bù đắp được chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống. Đồng thời, kịp thời hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm mới.
Trong quý I/2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã có quyết định hỗ trợ 1 - 3 triệu đồng với người lao động bị giảm giờ làm, bị hoãn thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 1/10/2022 đến 31/3/2023.
Luật Việc làm 2013 quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Tuy nhiên, mức hưởng tối đa còn phụ thuộc vào khu vực hưởng.
Trong đó, đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, mức hưởng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở. Còn với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, mức hưởng không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 12 tháng.