Năm 2010 tổ chức thí điểm một số mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn cho khoảng 18.000 người |
Một trong những mục tiêu đáng chú ý của đề án là bảo đảm việc làm cho ít nhất từ 70% đến 80% người lao động sau khi học nghề.
Ngay trong năm 2010, Ban chỉ đạo sẽ lựa chọn và tổ chức thí điểm một số mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn cho khoảng 18.000 người và đặt dạy nghề cho khoảng 12.000 người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác; hoàn thành việc thành lập mới Trung tâm dạy nghề ở các huyện chưa có Trung tâm dạy nghề và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường Trung cấp nghề và Trung tâm dạy nghề cấp huyện. Đến nay, các Bộ, ngành hữu quan đã xây dựng chương trình hành động cụ thể của Bộ, ngành mình theo hướng dài hạn, đón đầu nhu cầu lao động nông thôn đến năm 2020.
Tại buổi giao ban, các địa phương, trung tâm dạy nghề đã đưa ra nhiều kiến nghị. Cụ thể: cần xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả của đề án theo từng kỳ để có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế; chú trọng đến công tác điều tra cụ thể nhu cầu của người sử dụng lao động và nhu cầu của người lao động; tạo cơ chế liên thông trong đào tạo, sử dụng lao động giữa các doanh nghiệp, các địa phương; cần sớm có hướng dẫn về tài chính đào tạo nghề để có thực hiện ngay trong thời gian sớm nhất cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại chính doanh nghiệp mình…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lưu ý các Bộ, ngành chức năng sớm hoàn thiện văn bản hướng dẫn, cụ thể là hướng dẫn về phân bổ kinh phí, quy chế tài chính để giám sát thực hiện (phải hoàn thành trong tháng 2-2010) để có cơ sở triển khai đề án; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện. Các địa phương phải thực hiện điều tra nhu cầu sử dụng lao động và số người có nhu cầu học nghề nhằm cân đối cung cầu, tránh tình trạng lãng phí.
Phó Thủ tướng đề nghị khẩn trương kiện toàn các Trung tâm dạy nghề tại địa phương, trước mắt có thể huy độngg các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm hướng nghiệp tại địa phương hỗ trợ trong đào tạo nghề theo hướng vừa học văn hoá, vừa học nghề.
Phó thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành có liên quan. Riêng với Bộ GD&ĐT, Phó Thủ tướng đề nghị sớm xây dựng và báo cáo về nhu cầu học nghề; trong tháng 3/2010 cung cấp danh sách các cơ sở có thể tham gia đào tạo nghề giúp các địa phương chủ động thực hiện…
Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 là Đề án có quy mô lớn nhất về đào tạo lao động nông thôn từ trước đến nay. Bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, trong đó đào tạo bồi dưỡng 100 ngàn lượt cán bộ, công chức xã. Đề án sẽ được thực hiện theo hướng khoa học và đồng bộ nhất từ trước đến nay và có những biện pháp hỗ trợ cụ thể cho lao động học nghề, đội ngũ giáo viên và nghệ nhân trong quá trình học nghề.
Lập Phương (TH)