Tín hiệu vui cho thị trường việc làm Thủ đô

GD&TĐ -  Thị trường lao động được kỳ vọng có những chuyển động tích cực trong quý I năm 2023

Người lao động tìm hiểu thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp. Ảnh: Phạm Hiền
Người lao động tìm hiểu thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp. Ảnh: Phạm Hiền

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành, với sự phục hồi tích cực của kinh tế Thủ đô trong năm 2022 và đầu năm 2023, thị trường lao động được kỳ vọng có những chuyển động tích cực trong quý I.

Những ngành nghề lên ngôi

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, cuối năm 2022 do một số yếu tố, bối cảnh ảnh hưởng, có mức tuyển dụng giảm sút gây lo lắng trong thị trường việc làm. Hiện nay, qua các hoạt động đầu năm 2023, số liệu chỉ tiêu tuyển dụng các doanh nghiệp tương đối lớn.

Với tình hình lao động ở quý I năm nay, theo những số liệu Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thu thập, cũng như công tác dự báo, về tình hình nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội dự báo có khoảng 100.000 - 120.000 vị trí chỉ tiêu tuyển dụng khác nhau.

Những ngành nghề đang có nhu cầu tuyển dụng lớn phải kể đến như: Vận tải – logistics (khoảng 10.000 - 15.000 vị trí, vị trí, chủ yếu tuyển dụng ở các vị trí là lái xe, nhân viên kho...); dịch vụ lưu trú ăn uống, nhà hàng khách sạn, du lịch (10.000 - 12.000 vị trí).

Tiếp đến là nhóm ngành nghề như hoạt động kinh doanh bất động sản ước tính khoảng 10.000 - 15.000 vị trí, các vị trí tuyển dụng chủ yếu là nhân viên môi giới, nhân viên trực tổng đài…

Hoạt động tài chính – ngân hàng cũng là ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn, ước tính từ 15.000 - 20.000 vị trí, tập trung chủ yếu ở các vị trí như nhân viên giao dịch, nhân viên quan hệ khách hàng doanh nghiệp, nhân viên thẩm định tài sản.

Tiếp đến là công nghệ - thông tin, đây luôn là ngành có nhu cầu tuyển dụng ổn định, và được dự báo là một lĩnh vực tiếp tục có mức tăng trưởng cao trong năm 2023. Trong quý I, theo quan sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự từ 12.000 – 15.000 vị trí, tập trung vào các vị trí đòi hỏi chuyên môn cao như nhân viên phát triển IT, nhân viên phát triển phần mềm, UI/UX, DA, BA, lập trình ứng dụng di động, lập trình game...

Các lĩnh vực thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe cũng là nhóm ngành nghề có sức tuyển dụng nhiều trong thời gian tới.

Nhiều giải pháp, kênh kết nối lao động

Để giải quyết việc làm cho người lao động, TP Hà Nội tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống Sàn Giao dịch việc làm TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo”.

Được biết, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức các phiên giao dịch việc làm hằng ngày diễn ra đồng bộ tại 15 sàn ở các quận, huyện.

Đồng thời tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề, lồng ghép, lưu động tại các quận, huyện, thị xã và các trường đại học trên địa bàn thành phố. Điểm nhấn năm 2023 là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện các hình thức giao dịch việc làm, tăng tỷ lệ kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động.

Trao đổi về giải pháp kết nối doanh nghiệp với người lao động, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trong quý I/2023, đơn vị dự kiến tổ chức 55 phiên giao dịch việc làm.

“Trong đó tập trung gần 40 phiên giao dịch việc làm hàng ngày kết hợp với đó là tổ chức một số phiên giao dịch việc làm lưu động tại một số quận, huyện như trong tháng 3 tới có Hoàn Kiếm, Thanh Oai. Rồi chúng tôi tổ chức các phiên chuyên đề. Chúng tôi cũng đánh giá các lĩnh vực ngành nghề nào phù hợp trong thời gian tới qua công tác nắm bắt về sự biến động của thị trường lao động để chúng tôi hướng tổ chức các lĩnh vực ngành nghề phù hợp với cả cung và cầu. Làm sao tạo được hiệu quả kết nối gắn kết tốt nhất hỗ trợ cho lực lượng doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng việc làm và hỗ trợ cho người lao động tìm kiếm được việc làm ổn định” – ông Thành chia sẻ.

Thông tin riêng về nhóm người lao động đã nghỉ việc trong thời gian cuối năm cận Tết đến nay khó tìm được việc làm, ông Vũ Quang Thành cho hay, để nhà tuyển dụng tìm được người lao động hay người lao động tìm được việc như ý rất khó. Trong bối cảnh cuối năm 2022, có rất nhiều doanh nghiệp có những dấu hiệu giảm sút về kinh doanh do những bối cảnh tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới như của Mỹ cũng như một số nước châu Âu cũng có tác động rất nhiều đến các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.

“Đặc biệt là khu vực phía Nam, qua thống kê có rất nhiều các doanh nghiệp cho lao động nghỉ việc, giãn việc, giảm giờ làm, làm theo ca… để làm sao tránh được việc cho lao động nghỉ việc đó là trường hợp xấu nhất xảy ra. Còn họ vẫn cố gắng duy trì giữ được lực lượng người lao động làm việc cho đơn vị. Bởi vì sau quá trình phục hồi, khủng hoảng qua đi, việc tuyển dụng và sử dụng lao động là cả một vấn đề khó khăn. Bên cạnh đó, có thể có những người lao động đã bị mất việc không riêng gì phía Nam, kể cả ở Hà Nội, cũng có một vài doanh nghiệp đã cho lao động nghỉ việc trong thời điểm cuối năm cận Tết. Thời điểm cận Tết, để tiếp cận xin được một ví trí việc làm mới phù hợp rất khó. Đây là thực tế” – ông Thành phân tích.

Để giải quyết nhóm lao động đã nghỉ việc, ông Thành cho hay, đơn vị đã cung cấp và hỗ trợ những vị trí trống, thông tin việc làm của các nhà tuyển dụng để làm sao cho nhóm lao động này nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...