Nhiều mô hình hỗ trợ điều trị bệnh nhân F0 tại nhà hiệu quả

GD&TĐ - Do nhiều Trạm Y tế lưu động ở thành phố Vinh (Nghệ An) bị quá tải, một số đơn vị đã thành lập hội, nhóm hỗ trợ, tư vấn điều trị F0 tại nhà qua điện thoại và mạng xã hội.

Nhiều mô hình hỗ trợ điều trị F0 tại nhà ở thành phố Vinh (Nghệ An) đang phát huy hiệu quả.
Nhiều mô hình hỗ trợ điều trị F0 tại nhà ở thành phố Vinh (Nghệ An) đang phát huy hiệu quả.

Từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tỉnh Nghệ An ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục, trung bình hơn 2.000 ca F0/ngày. Trong đó, đa phần là những ca bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà.

Tuy nhiên, do số lượng bệnh nhân điều trị tại nhà quá lớn nên một số Trạm Y tế lưu động đã quá tải. Nắm bắt được vấn đề này, Thành đoàn thành phố Vinh đã phối hợp cùng Câu lạc bộ (CLB) Thầy thuốc trẻ thành lập đội trợ tư vấn điều trị F0 tại nhà.

Đến nay, đã có 17 bác sĩ trẻ, công tác tại nhiều bệnh viện trong tham gia hỗ trợ, tư vấn cho bệnh nhân F0 tại nhà. Đây đều là những người đã có kinh nghiệm điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại các bệnh viện dã chiến.

Ngoài ra, các bệnh nhân cũng có thể liên hệ với các Trạm trưởng Trạm y tế trên địa bàn để hỗ trợ tư vấn các vấn đề liên quan đến phòng chống dịch.

Thông tin cá nhân, số điện thoại các bác sĩ, đoàn thanh niên ở 25 phường, xã của thành phố Vinh được công khai để người dân liên hệ.

Thông tin cá nhân, số điện thoại các bác sĩ, đoàn thanh niên ở 25 phường, xã của thành phố Vinh được công khai để người dân liên hệ.

Xã Nghi Ân (thành phố Vinh) hiện có 223 ca nhiễm Covid-19, trong đó 190 ca bệnh đang điều trị tại nhà. Vừa qua, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã đã thành lập nhóm Zalo để hỗ trợ, tư vấn, điều trị cho 190 F0 này và nhận được sự hoan nghênh từ người dân.

Nhóm có nhiều thành viên tham gia, bao gồm: thành viên Ban Chỉ đạo, cán bộ trạm y tế, cán bộ phụ nữ, đoàn thanh niên và các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại nhà trên địa bàn… Đặc biệt, Ban Chỉ đạo còn mời các y, bác sĩ đang làm việc hoặc có phòng khám đóng trên địa bàn cùng tham gia.

Trong nhóm Zalo, Ban Chỉ đạo thông báo các chủ trương, chính sách, quy định phòng chống dịch, điều trị F0 tại nhà. Khi người bệnh đặt các câu hỏi, nêu tình trạng bệnh thì cán bộ y tế nhanh chóng giải đáp, hướng dẫn điều trị, chăm sóc sức khỏe cũng như các kiến thức về dịch bệnh.

Xã Hưng Chính (thành phố Vinh) ra mắt đội tình nguyện Kết nối - đồng hành cùng F0 với 43 thành viên là đoàn viên, hội viên phụ nữ, nông dân.

Xã Hưng Chính (thành phố Vinh) ra mắt đội tình nguyện Kết nối - đồng hành cùng F0 với 43 thành viên là đoàn viên, hội viên phụ nữ, nông dân.

Bác sĩ Hoàng Dạ Châu - công tác tại Khoa ngoại IV, Bệnh viện Ung bứu tỉnh Nghệ An cho biết, khi nghe tin CLB Thầy thuốc trẻ thành lập đội tư vấn, chăm sóc người bệnh F0 điều trị tại nhà chị liền đăng ký tham gia.

Chị Châu sau đó được CLB phân công tư vấn cho các bệnh nhân ở các xã Nghi Ân, Nghi Kim và Hưng Chính. Mặc dù mới tham gia một tuần nhưng bác sĩ Châu đã nhận được hàng chục cuộc gọi điện nhờ tư vấn, chủ yếu là lo lắng về các triệu chứng như sốt, ho, mệt mỏi.

“Đa phần bệnh nhân F0 đã được tiêm phòng nên có các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Vì vậy, việc điều trị tại nhà sẽ giúp bệnh nhân được chăm sóc, bồi dưỡng về dinh dưỡng đầy đủ hơn. Khi có bệnh nhân gọi đến, tôi tư vấn cách điều trị và sử dụng thuốc, bổ sung các chất cần thiết, đồng thời động viên họ không nên quá lo lắng”, bác sĩ Châu chia sẻ.

Từng có kinh nghiệm điều trị F0 tại bệnh viện dã chiến, bác sĩ Lê Thị Thùy Trang – công tác tại Khoa Xạ tổng hợp, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An nhiều ngày qua cũng nhận được hàng chục cuộc gọi điện thoại nhờ tư vấn.

Chị Lê Thị Thùy Trang là một trong nhiều bác sĩ nhận tư vấn, hỗ trợ điều trị bệnh nhân F0 qua điện thoại.

Chị Lê Thị Thùy Trang là một trong nhiều bác sĩ nhận tư vấn, hỗ trợ điều trị bệnh nhân F0 qua điện thoại.

"Khi điều trị cho bệnh nhân qua điện thoại, tôi thường yêu cầu gia đình bệnh nhân cung cấp đầy đủ các thông tin về chiều cao, cân nặng, thời gian tiêm vắc xin, các bệnh nền (nếu có) và các triệu chứng về sức khỏe để có thể chẩn đoán và hỗ trợ chính xác, kịp thời", bác sĩ Trang nói.

Theo nữ bác sĩ này, khó khăn hiện nay đó là do có quá nhiều luồng thông tin nên việc điều trị của nhiều gia đình bị sai phương pháp. Rất nhiều bệnh nhân khi mới phát bệnh mua và sử dụng rất nhiều thuốc như kháng sinh hoặc chống viêm. Việc sử dụng quá nhiều thuốc không cần thiết cũng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ