Họ phải dùng nước giếng sinh sống với nhiều hệ lụy môi trường, bệnh tật, trong khi đó, chính quyền không chốt thời hạn cấp nước, còn chủ đầu tư né trả lời báo chí.
“Mang con bỏ chợ”
Mua đất, xây nhà và sinh sống tại Dự án đô thị số 3 thuộc Khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc (TX Điện Bàn) từ 2 năm nay nhưng gia đình anh Trần Công Viên (lô đất số 41, đường Mai Xuân Thưởng) vẫn phải dùng nước giếng khoan. Tất cả sinh hoạt trong nhà đều dùng nước khoan ố vàng, đọng phèn, bốc mùi khó chịu... “Mang tiếng sống tại khu đô thị nhưng điều kiện sống như thôn quê. Vợ chồng mua đất xây nhà mới “tá hỏa” khi biết ở đây chưa có hệ thống nước sạch”, anh Viên nói.
Cùng chung cảnh ngộ, gia đình ông Lê Bá Xuân (nhà ở lô B7.8, đường Văn Tiến Dũng, phường Hòa Quý, TX Điện Bàn) đến ngày chuẩn bị xây nhà mới biết khu đô thị mình ở vẫn chưa có hệ thống nước sạch. Nguồn nước sử dụng sinh hoạt cho gia đình và 23 phòng trọ đều từ nguồn nước giếng khoan. “Toàn bộ các hộ dân tại Dự án đô thị số 3 thuộc Khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc này vẫn chưa có nguồn nước sạch để sử dụng. Do nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, nhiều gia đình xây nhà xong nhưng cũng rất ít người ở”, ông Xuân phản ánh.
Theo các hộ dân khu đô thị mới trên địa bàn, trái ngược với những mĩ từ chủ đầu tư quảng bá khi mở bán nhà ở các khu đất này, khi đến ở họ ngán ngẩm vì không có hệ thống nước sạch. Để có nguồn nước sử dụng, nhiều hộ bỏ tiền thuê thợ về khoan giếng lấy nước sử dụng nhưng chất lượng nước không đảm bảo.
Theo tìm hiểu của PV, dự án Khu đô thị số 3 do Công ty CP Vinaconex 25 (Văn phòng ở quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) làm chủ đầu tư. Để nắm rõ vấn đề trên, trong các ngày 18-19/4, PV Báo Giao thông đã nhiều liên hệ làm việc với lãnh đạo công ty này nhưng không nhận được hồi âm. Tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, ngoài Khu đô thị số 3, Công ty CP Vinaconex 25 còn đang triển khai xây dựng Khu đô thị Thiên Ân.
Dân phải chịu “khát” đến bao giờ?
Làm việc với đại diện TX Điện Bàn, phía Văn phòng UBND thị xã cho rằng việc chậm có nước sạch tại các khu đô thị mới do hạ tầng nước chưa hoàn thiện. Có cả nguyên nhân từ phía dự án nước sạch của thị xã và từ các chủ đầu tư.
Ông Lê Thanh Long, Chánh văn phòng UBND TX Điện Bàn cho hay: “Hiện nay, hệ thống cấp nước sạch cho các khu đô thị, dân cư tại đây đang trong giai đoạn triển khai lắp đặt đường ống. Dự án có kinh phí hơn 100 tỷ đồng, tuy nhiên được thực hiện theo giai đoạn từng năm từ ngân sách đối ứng của UBND TX Điện Bàn. Năm 2019, thị xã có kế hoạch bố trí khoảng 12 tỷ đồng đầu tư xây dựng công trình cấp nước cho các khu đô thị nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt”.
Ông Long cho hay, để giải quyết vấn đề nước sạch cho các địa phương, khu dân cư, đô thị, từ năm 2015, HĐND tỉnh Quảng Nam đã ban hành nghị quyết về cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung giai đoạn 2016-2020. UBND TX Điện Bàn đã bước đầu triển khai thực hiện, tuy nhiên cũng gặp phải không ít khó khăn vì thiếu nguồn kinh phí. Hiện nay, Nhà máy Nước Điện Thắng Bắc vừa hoàn thành đưa vào sử dụng. Đây là nhà máy sẽ cấp nước cho các khu vực dân cư lân cận và 6 xã/phường vùng Đông TX Điện Bàn, trong đó có các khu đô thị thuộc Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc.
Về trách nhiệm liên quan chậm cấp nước sạch cho dân khi dự án đô thị đưa vào khai thác, ông Nguyễn Đạt, Phó chủ tịch UBND TX Điện Bàn cho rằng: “Để xác định trách nhiệm của ai, đơn vị, cơ quan nào trong vấn đề này thì rất khó. Hiện Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc tập trung hơn 90 dự án đô thị, dân cư. Việc kết nối hạ tầng giữa các khu đô thị, dân cư gặp phải rất nhiều khó khăn. Bởi thế, để khẳng định đến khi nào người dân sinh sống ở các khu đô thị mới này có nguồn nước sạch sử dụng thì không thể dám chắc” (?!)