Tổng Bí thư đã thành kính thắp hương bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, tại Nhà 67, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch, nơi Bác Hồ đã từng sống và làm việc của Người lúc sinh thời.
Thành kính tưởng nhớ và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến cuốn sách “Đường kách mệnh” xuất bản năm 1927, là tập hợp các bài giảng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Tổng Bí thư chỉ rõ: Không phải ngẫu nhiên cuốn sách được công nhận là bảo vật quốc gia, đây là cuốn sách gối đầu giường, là cẩm nang cho những người làm cách mạng Việt Nam, cho cả nhân dân Việt Nam, là viên đá tảng đặt nền móng cho tư tưởng, lý luận cơ bản của cách mạng nước ta.
Trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm 72 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, sáng nay (2/9), tại TP. Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ hoàn thành tuyến đường ô tô Tân Vũ-Lạch Huyện. Thủ tướng nhấn mạnh, việc hoàn thành và đưa vào sử dụng cầu Tân Vũ có ý nghĩa quan trọng bởi công trình sẽ kết nối đường bộ, đường cao tốc của thành phố Hải Phòng cũng như các tỉnh Bắc Bộ; có hiệu quả trong phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành, chính thức thông xe và đưa cầu Tân Vũ - Lạch Huyện vào khai thác từ ngày 2/9/2017. |
Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện là một trong hai hợp phần chính của Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cảng Lạch Huyện, là cảng cửa ngõ quốc tế và tương lai sẽ là cảng trung chuyển quốc tế đầu tiên của miền Bắc Việt Nam.
Dự án gồm 1 gói thầu xây lắp với mức đầu tư 11.849 tỷ đồng, trong đó 50,171 tỷ Yên vốn vay ODA Nhật Bản và 1.800 tỷ đồng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Tổng chiều dài của dự án là 15,63km với điểm đầu dự án tại nút giao Tân Vũ giao với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại lý trình Km100+891, điểm cuối tiếp giáo với cổng cảng Lạch Huyện.
Cũng trong sáng 2/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khởi công dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST của Tập đoàn Vingroup tại khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải (Hải Phòng). Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng cho rằng đây là một trong những sự kiện có ý nghĩa kỷ niệm 72 năm Quốc khánh 2/9.
Theo Tập đoàn Vingroup, mục tiêu đưa VINFAST là trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025, sản phẩm chủ lực là ô tô động cơ đốt trong, ô tô sử dụng động cơ điện và xe máy điện thân thiện với môi trường.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST. Ảnh: VGP |
Phát biểu về chiến lược gia nhập lĩnh vực ô tô xe máy của Vingroup, ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch Tập đoàn cho biết sự ra đời của VINFAST thể hiện khát vọng xây dựng một thương hiệu Việt Nam có tầm thế giới, khẳng định khả năng làm chủ các công nghệ hiện đại của người Việt. Thông qua lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy - một trong những ngành công nghiệp mang tính dẫn dắt, có tác động tới nhiều ngành nghề khác, Vingroup mong muốn tham gia góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp nặng và chế tạo tại Việt Nam, góp phần thực hiện CNH-HĐH đất nước.
Chào mừng kỷ niệm lần thứ 72 Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, sáng ngày 2/9, tỉnh Long An tổ chức khánh thành Khu di tích lịch sử cách mạng tại xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo tỉnh Long An dự lễ khánh thành.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa bình và các đại biểu cắt băng khánh thành Khu di tích. Ảnh: VGP |
Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An là nơi ghi dấu những sự kiện quan trọng và hoạt động của Tỉnh ủy Long An trong công cuộc chống ngoại xâm, đặc biệt là trong kháng chiến chống Mỹ. Nơi đây, Tỉnh ủy Long An đã kiên trì bám trụ, vượt qua vô vàn khó khăn thử thách, chịu đựng mọi gian khổ hy sinh để cùng nhân dân trong tỉnh tạo nên truyền thống cao quý “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.
Với những giá trị lịch sử quý báu, Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp quốc gia từ năm 1998.
Ngày 2/9, trên sông Hương, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức đua ghe truyền thống lần thứ 29 - 2017 chào mừng 72 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước 2/9, thu hút hàng vạn người dân và du khách tham dự, cổ vũ.
Giải đua ghe năm nay có 300 vận động viên nam, nữ thuộc 9 đội đua đến từ các huyện Phong Điền, Phú Vang, Quảng Điền, các thị xã Hương Thủy, Hương Trà và thành phố Huế. Các đội tranh tài 12 bộ huy chương ở nội dung 10 độ đua nam, nữ (độ cúng, độ phá, 4 độ tiền nam, độ nam nữ hỗn hợp và 3 độ tiền nữ) và 2 nội dung đồng đội nam, đồng đội nữ.
Đua ghe truyền thống trên sông Hương, Thừa Thiên-Huế |
Giải đua ghe truyền thống tỉnh Thừa Thiên-Huế vào mỗi dịp Tết Độc lập 2/9 được duy trì hằng năm. Đây không chỉ là cuộc thi tài thể thao mà còn là hoạt động truyền thống mang tính văn hóa sâu sắc của Cố đô Huế, góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa, thể thao cũng như tăng cường hiểu biết, giao lưu, đoàn kết giữa các địa phương trong tỉnh. Bên cạnh việc nâng cao đời sống tinh thần, nâng cao sức khỏe, rèn luyện kỹ năng trên sông nước của người dân, đây còn là sự kiện nhằm quảng bá hình ảnh của Huế đến với du khách.
Cùng ngày, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế mở cửa trưng bày, tiếp nhận nhiều hiện vật, cổ vật quý do các nhà sưu tầm và người dân trao tặng. Đáng chú ý, có nhiều hiện vật quý như đồ đồng của văn hóa Đông Sơn; bát ăn cơm, chén uống rượu, vòng đeo tay của người Chăm; rìu đá từ thời kỳ đá mới; đồ gốm, sứ của người Việt từ đời là Lê, Lý, Trần... đã được các nhà sưu tầm cổ vật trao tặng lại cho bảo tàng.
Sáng 2/9, tại sân hành lễ tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (thành phố Điện Biên), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, văn nghệ để chào mừng 72 năm Cánh mạng tháng Tám và ngày Quốc khánh 2/9.
Tiết mục văn nghệ với những ca khúc cách mạng do các nam nữ diễn viên Đoàn nghệ thuật Hoa Ban Trắng thể hiện được tổ chức tại sân khấu ngoài trời. |
Các hoạt động văn hóa, thể thao chào mừng ngày Quốc khánh mở đầu bằng chương trình văn nghệ với nhiều tiết mục mang đậm sắc thái văn hóa bản địa của các dân tộc vùng Tây Bắc. Trong đó, đặc sắc nhất là các tiết mục dân ca, dân vũ có nội dung ca ngợi Đảng quang vinh, bác Hồ kính yêu, ca ngợi quê hương đất nước và quê hương Điện Biên anh hùng. Ngoài các hoạt động văn nghệ, các hoạt động thể thao cũng diễn ra với nhiều nội dung phong phú, có sự tham gia của đông đảo người dân các dân tộc trên địa bàn như ném pao, ném còn, thi cà kheo, bịt mắt bắt vịt…
Sáng 2/9, tại hồ Xuân Hương, trung tâm thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch phối hợp với Tỉnh Đoàn Lâm Đồng, Công ty cổ phần du lịch và Hiệp hội du lịch Lâm Đồng tổ chức Giải đua xe đạp nước (Pedalo) năm 2017. Tham dự giải có hơn 200 vận động viên đến từ các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh và du khách từ khắp nơi trong cả nước tới tham quan trong dịp nghỉ lễ Quốc khách 2/9.
Được biết, đây là giải đua xe đạp nước lần thứ tư được tổ chức nhằm tạo sân chơi bổ ích hấp dẫn mỗi dịp nghỉ lễ 2/9 cho du khách và các bạn thanh niên trên địa bàn toàn tỉnh. Giải đua xe đạp nước trên hồ Xuân Hương đã trở thành truyền thống hằng năm, tạo nên sức hấp dẫn của Đà Lạt với du khách mỗi dịp Quốc khánh của dân tộc…