Tuy nhiên những tư liệu về sự kiện lịch sử này gần như rất hiếm. Vì thế, để làm phim tài liệu về sự kiện này là một thách thức không nhỏ với các nhà làm phim Việt Nam.
Những thước phim xúc động
Điểm lại những bộ phim tài liệu ghi lại những mốc son hào hùng của ngày độc lập vẫn là “của hiếm” đối với điện ảnh Việt Nam.
Năm 1975, lần đầu tiên người dân Việt Nam mới được xem những thước phim tư liệu quý giá về thời khắc lịch sử khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, có độ dài 5 phút “Ngày Độc lập 2/9/1945”. Câu chuyện về 5 phút phim tư liệu này cũng là một bí ẩn, bởi cho đến tận hôm nay sau 71 năm không biết ai là tác giả của đoạn phim đó.
Trong dịp Quốc khánh 2/9/2005, khán giả lại bất ngờ xúc động với bộ phim “Ngày lịch sử”, do các nhà làm phim Nga thực hiện. Bộ phim nói về sự kiện nhân dân Hà Nội và các tỉnh lân cận đón Bác Hồ và Chính phủ từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô. Phim nhựa màu, dài gần 25 phút, diễn tả không khí lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành tại Quảng trường Ba Đình ngày 1/1/1955 và toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mãi tới năm 2010, Hãng phim TFS của HTV - Truyền hình TPHCM mới sản xuất phim tài liệu “Quốc kỳ Việt Nam”, đạo diễn Phạm Tô Hoàng, tái hiện lịch sử ra đời, những thời khắc trọng đại trong lịch sử và trong lòng dân tộc của lá cờ đỏ sao vàng. Sang đến năm 2011, Trung tâm Phim Tài liệu và Phóng sự của VTV mới sản xuất phim “Tết độc lập”, đạo diễn Nguyễn Quốc Khánh.
Tiếp sau đó, năm 2012, 67 năm sau ngày Quốc khánh 2/9/1945, công chúng mới được xem “Lời khát vọng dân tộc”, phim tài liệu nhựa, màu cũng của đạo diễn người Nga Vladimir Echourine và các cộng sự khắc họa lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta với những bản Tuyên ngôn Độc lập từ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt đến “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi và đặc biệt, khắc ghi hình ảnh bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc vào ngày đại lễ 2/9/1945, thể hiện khát vọng độc lập của người Việt Nam từ nghìn xưa cho đến mai sau.
Năm 2015, một sản phẩm của VTV đặc biệt, phim tài liệu “Dấu ấn Bản Tuyên ngôn” được phát sóng trên hệ thống các kênh VTV. Bộ phim được thể hiện như một cuốn sách để khán giả hiểu một cách sâu sắc ý nghĩa lớn lao, tính lịch sử, giá trị thời đại và tầm cỡ quốc tế của Bản Tuyên ngôn Độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Những bộ phim tài liệu như những tư liệu lịch sử để lại cho nhiều thế hệ người Việt, để tự hào về truyền thống anh dũng kiên cường của dân tộc.
Vẫn khan hiếm những tư liệu quý
Theo đạo diễn Phạm Thành Phong, phim tài liệu ở Việt Nam vẫn là mảnh đất kén khán giả, nhất là đề tài lịch sử cách mạng, một loại đề tài rất khó “nhằn” và luôn báo trước nhiều rủi ro nên những đạo diễn trẻ ít người mạo hiểm thử sức. Đạo diễn phim tài liệu đòi hỏi phải có hành trang vốn sống để cảm nhận rất nhanh mọi điều, không ngừng trau dồi nghề nghiệp cùng sự say mê và trách nhiệm.
Bà Phạm Thị Tuyết, Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương trăn trở: “Phim tài liệu tuy không mang lại hiệu quả về kinh tế nhưng phim tài liệu lại là một kho tàng văn hóa vô giá. Có thể, lúc này khó khăn thì thấy tư liệu lưu trữ là bình thường, nhưng hôm nay là hiện tại, ngày mai lại là lịch sử. Nếu như chúng ta có nhiều tư liệu để lưu trữ thì sau này nó cũng như là một di sản của Việt Nam, một di sản thế giới. Thế nhưng hiện nay, người yêu điện ảnh tài liệu chỉ ở một chừng mực nào đó cộng với thu nhập thấp nên những người trẻ thực sự đam mê để bước chân đến với các hãng phim tài liệu rất ít”.
Hi vọng, với kho sử liệu phong phú cùng với những người tâm huyết với nghệ thuật thứ 7 sẽ có nhiều bộ phim tài liệu lịch sử mang dấu ấn quốc tế, có thể góp phần giới thiệu văn hóa, lịch sử hào hùng của đất nước với bạn bè thế giới.