Nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định, trong bối cảnh thế giới nhiều thách thức, văn hóa vẫn là nét riêng, là hồn cốt và nét đẹp đặc sắc của mỗi dân tộc.
Bởi vậy, việc bảo vệ giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam là yêu cầu rất cấp thiết và quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Văn hóa còn thì dân tộc còn
Trong cuộc gặp mặt mới đây tại Phủ Chủ tịch với các đại biểu Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nêu rõ, văn hóa có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng đối với tất cả các quốc gia, dân tộc.
Với bề dày lịch sử lâu đời và 54 dân tộc anh em cùng chung sống, Việt Nam có một kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, được hình thành vun đắp và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Nhắc lại luận điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch nước cho biết, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng và Nhà nước luôn đặt di sản văn hóa đúng tầm và vị thế trong quá trình dựng nước bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh quan điểm “Văn hóa còn thì dân tộc còn” và “Văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc”.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cũng khẳng định, trong bối cảnh thế giới nhiều thách thức, văn hóa vẫn là nét riêng, là hồn cốt và nét đẹp đặc sắc của mỗi dân tộc. Việc bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam là yêu cầu rất cấp thiết và quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bởi vậy, các thành viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cần tiếp tục phát huy niềm say mê, tình yêu đối với văn hóa và di sản văn hóa. Đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với bối cảnh mới hiện nay. Đồng thời làm tốt nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ cơ quan quản lý
Nhà nước thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa.
Điện Kính thiên trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long. |
Cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa
Trong đề nghị xây dựng luật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá tác động của 3 chính sách: Một là, hoàn thiện các quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hai là, thực hiện phân cấp quản lý Nhà nước về di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn. Ba là, vấn đề huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đề xuất sớm sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa. Có cơ chế chính sách, giải pháp để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Đồng thời phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức và cá nhân trong xã hội vào công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Có các chương trình đào tạo bồi dưỡng, khuyến khích các nghệ nhân trong việc gìn giữ, truyền dạy, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện cả nước đã xếp hạng trên 10 nghìn di tích cấp tỉnh, 3.591 di tích quốc gia và 123 di tích quốc gia đặc biệt. Đồng thời có trên 40 nghìn di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa, khoảng 70 nghìn di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm kê, 416 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Việt Nam được UNESCO công nhận ghi danh 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 14 di sản văn hóa phi vật thể. Từ một vài bảo tàng được xây dựng từ thời Pháp thuộc, đến nay đã có một hệ thống gồm 187 bảo tàng (với 128 bảo tàng công lập và 59 bảo tàng ngoài công lập).
Nhiều sưu tập hiện vật và di vật, cổ vật quý giá mang đặc trưng văn hóa của địa phương, vùng miền, quốc gia… đang được bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị.