Tương truyền, năm 40 sau Công nguyên, nước ta dưới sự đô hộ của nhà Đông Hán, khi đó Tô Định làm Thái thú quận Giao Chỉ, đã thi hành những chính sách hà khắc và thực hiện đồng hoá dân tộc Việt.
Bà Trưng Trắc cùng chồng Thi Sách đã lên kế hoạch chống lại quân Đông Hán. Nhưng sau đó, Tô Định đã cho thuộc hạ ám hại Thi Sách, khiến bà Trưng Trắc càng thêm căm phẫn.
Hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị không chấp nhận nhìn cảnh dân tình lầm than. Ngày 4 tháng 9 năm 40 sau Công nguyên, Hai Bà đã đứng lên dựng cờ khởi nghĩa tại cửa sông Hát, quyết đánh đuổi quân Đông Hán, giành lại nền độc lập dân tộc.
Hai Bà Trưng đã truyền hịch đi khắp nơi, chiêu mộ anh tài, kêu gọi các anh hùng hào kiệt.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng sau đó giành thắng lợi, thu phục 65 thành trì, non sông thu về một mối, nhân dân được hưởng thái bình, Hai Bà xưng vương và đóng đô ở Mê Linh.
Sử sách chép lại, Hát Môn là ngôi đền gắn với 3 điển tích của Hai Bà Trưng. Thứ nhất Hai Bà dựng cờ khởi nghĩa; thứ hai, sau khi chiến thắng, Hai Bà về đây khao quân; cuối cùng, nơi đây Hai Bà đã gieo mình xuống dòng sông Hát để bảo toàn tiết hạnh. Vì thế, đền Hát Môn là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn và những câu chuyện lịch sử giá trị nhất về khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Tưởng nhớ công ơn Hai Bà, từ xưa người dân đã tổ chức 3 lễ hội lớn trong năm: Ngày 6/3 âm lịch (ngày giỗ Hai Bà), ngày 4/9 âm lịch (Hai Bà tế cờ khởi nghĩa) và ngày 24 tháng Chạp (lễ mộc dục) tại đền Hát Môn.
Năm nay, kế hoạch tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Hai Bà hội quân tế cờ khởi nghĩa được Ban tổ chức chuẩn bị bài bản, đảm bảo yếu tố truyền thống. Diễn ra trong 3 ngày từ 4 - 6/10, lễ kỷ niệm có nhiều hoạt động đặc sắc, như: Đón lễ; Rước lễ làng và tế cáo yết, lễ trình và thực hiện quán sái tam sinh.
Đặc biệt vào ngày 4/9 (âm lịch), hoạt động chính diễn ra với điểm nhấn là Lễ kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng hội quân tế cờ khởi nghĩa và công bố điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt đền Hát Môn.