Sau 2 năm triển khai, Ban tổ chức hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 14 (2016 - 2017) đã nhận được 536 giải pháp gửi tới từ 55 tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành.
Các giải pháp tham dự hội thi lần này được Ban tổ chức hội thi các tỉnh, thành phố tuyển chọn từ hàng nghìn các giải pháp đã được gửi tới.
Sau một tháng làm việc tích cực, hội đồng giám khảo đã chọn được 90 giải pháp để trao giải bao gồm: 6 giải Nhất, 12 giải Nhì, 24 giải Ba và 48 giải Khuyến khích. Các lĩnh vực đều đạt đủ số lượng giải theo quy định.
Trong số 90 giải pháp được trao giải có 15 giải pháp thuộc lĩnh vực GD-ĐT.
Giải Nhất của cuộc thi thuộc lĩnh vực GD-ĐT được trao cho tác giả Trần Huy Hùng (Đại học Ngô Quyền) với giải pháp: Kết nối máy tính và đo lường điện tử cải thiện tính năng thiết bị dạy học nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy.
Bên cạnh đó giải pháp: Ứng dụng kiến thức đối lưu - bức xạ nhiệt, vật lí 8 để chế tạo "máy sấy đa năng, thông minh - tiết kiệm năng lượng" giúp giáo viên giảng dạy một số bài vật lí THCS qua đó học sinh hiểu bài và thực hành trải nghiệm khám phá khoa học" của tác giả Phùng Thị Yến Nhi (Hiệu trưởng trường THCS Đinh Tiên Hoàng, Ninh Bình) được trao giải Nhì.
Nhiều chủ nhiệm đề tài đoạt giải khác là các giáo viên, giảng viên đến từ các trường học, các đại học, viện nghiên cứu trong cả nước.
Tại buổi lể, Ban Tổ chức cũng đề nghị tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tặng giải WIPO cho 2 giải pháp xuất sắc nhất cho các tác giả: Hoàng Hồng Lĩnh (Vietsovpetro), Lê Nguyên Khương (Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải, cơ sở Vĩnh Phúc).
Phát biểu tại lễ trao giải, ông Phan Xuân Dũng- Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội- biểu dương các đơn vị tổ chức đã làm cho hội thi này trở lên uy tín, làm cho các nhà khoa học, quần chúng nhân dân tích cực tham gia.
Các nhà khoa học thực sự là những bông hoa đẹp trong vườn hoa khoa học công nghệ của Việt Nam, là những người đi tiên phong trong phong trào lao động sáng tạo không mệt mỏi vì sự nghiệp CNH HĐH đất nước.
Ông Dũng nhấn mạnh: Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang có tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống hiện tại, nhất là hiện nay khi cuộc cách mạng 4.0 đang tới gần.
Việt Nam với tài nguyên thiên nhiên không lớn, đất nước còn lạc hậu nhưng cái vốn quý chúng ta là hơn 90 triệu người. Với nguồn chất xám dồi dào sẽ góp phần đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu.
Tiếp đó, ông Mai Đức Chính- Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát động Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15.
Mức tiền thưởng của cuộc thi lần thứ 15 sẽ tăng hơn lần thứ 14, giải Nhất sẽ nhận 50 triệu đồng, giải Nhì 40 triệu đồng, giải Ba 30 triệu đồng, giải khuyến khích 10 triệu đồng.
Đối tượng tham gia sẽ rộng rãi hơn, không chỉ là những nhà nghiên cứu ở các viện, trường đại học mà cả những nhà sáng tạo ở các cơ sở.