Nhiều giải pháp nâng chất lượng phổ cập GD tại trường vùng khó

GD&TĐ - Những năm gần đây phổ cập giáo dục mầm non ở các trường vùng khó đã và đang vượt qua những khó khăn, thách thức để đạt được kết quả tích cực.

Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tại các trường vùng khó.
Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tại các trường vùng khó.

Điểm sáng về công tác phổ cập giáo dục

Trường Mầm non Bảo Linh, xã Bảo Linh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên là một trong những trường thuộc xã khó khăn của địa phương. Ngay từ đầu năm học, để góp phần nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, nhà trường đã có nhiều biện pháp và cách làm hay.

Cô Bùi Thị Lai, Hiệu trưởng trường Mầm non Bảo Linh cho biết: Trường Mầm non Bảo Linh là trường có tỷ lệ học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90%, đời sống kinh tế xã hội của người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao. Chủ yếu là người dân tộc Dao, Nùng, Sán Chay các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng còn nhiều thiếu thốn.

So với những năm học trước, năm học 2022- 2023, chất lượng dạy và học của nhà trường đạt nhiều kết quả tích cực, riêng kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trường đã huy động được 46/46 trẻ đủ tuổi ra lớp, đạt tỷ lệ 100%.

Để nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, nhà trường đã đưa ra một số biện pháp cụ thể như: Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp ngay từ đầu năm học. Mỗi giáo viên phụ trách điều tra phổ cập đều nắm rõ hoàn cảnh của từng học sinh trên địa bàn thôn, xóm để có những biện pháp phù hợp vận động trẻ tới trường, bên cạnh đó nhà trường cũng thường xuyên cập nhật hồ sơ của trẻ em trong độ tuổi, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện giáo dục phổ cập.

Trường học thu hút trẻ thông qua các hoạt động bổ ích ý nghĩa.

Trường học thu hút trẻ thông qua các hoạt động bổ ích ý nghĩa.

Ngoài ra, hằng năm nhà trường đều tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để động viên các em vượt khó đến trường như: Tiếp sức đến trường, xuân ấm tình thương... huy động các nguồn lực từ các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn ủng hộ giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để các em được đến trường. Giúp nhà trường hoàn thiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học... Qua đó không chỉ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học cho học sinh mà còn thu hút các em học sinh tới trường vui khỏe và giúp phụ huynh hiểu được giá trị và tầm quan trọng của việc học tập để yên tâm cho con đến lớp.

Đưa ra nhiều giải pháp mới

Tương tự như trường Mầm non Bảo Linh, trường Mầm non Đức Lương là một trong những trường học thuộc xã Đức Lương, nằm về phía bắc huyện Đại Từ, có địa hình đồi núi, giao thông đi lại khó khăn, học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chí,... là một xã thuần nông, kinh tế chủ yếu thu nhập từ cây chè và cây lúa, do đó đời sống người dân gặp không ít khó khăn.

Cô giáo Nguyễn Lê Thu, Hiệu trưởng trường mầm non Đức Lương xã Đức Lương huyện Đại Từ cho biết: Năm học 2022 – 2023 trường mầm non Đức Lương có Tổng số 223 trẻ từ 3 - 5 tuổi, trong đó có 70 em lớp 5 tuổi. Tuy là trường vùng khó nhưng công tác phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non luôn nhận được sự quan tâm của các sở ngành,địa phương, do đó chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi của trường đều đạt được kết quả tốt, tỷ lệ trẻ ra lớp đúng tuổi luôn đạt 100%.

Những năm qua, bên cạnh việc đầu tư tăng cường cơ sở vật chất nhà trường đều bám sát chỉ đạo của phòng giáo dục đào tạo, xây dựng kế hoạch cụ thể, theo dõi sát sao số lượng trẻ mầm non tại địa phương, chú trọng tiến hành rà soát số lượng trẻ mầm non từ 3 - 5 tuổi, phân công giáo viên chủ động quan tâm hỏi han vận động phụ huynh cho con đến trường.

Đặc biệt, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục mầm non với các bậc phụ huynh. Đồng thời, trường mầm non Đức Lương còn thực hiện mô hình giáo dục lấy trẻ làm trung tâm giúp các em được học, chơi thỏa thích tại trường.

Trường Mầm non Đức Lương phối hợp với trạm y tế xã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trẻ.

Trường Mầm non Đức Lương phối hợp với trạm y tế xã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trẻ.

Tại đây, trẻ được học tập thông qua vui chơi bằng nhiều cách khác nhau phù hợp với nhu cầu, hứng thú và khả năng của trẻ, bên cạnh đó trường cũng thường xuyên phối hợp cùng các tổ chức, đơn vị theo dõi, kiểm tra sức khỏe, nâng cao chế độ dinh dưỡng để từ đó góp phần nâng cao chất lượng nuôi dạy, chăm sóc trẻ.

Cùng với đó, nhà trường cũng phối hợp chặt chẽ với các bậc học để duy trì và nâng cao tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Trong các năm học tiếp theo, nhà trường sẽ tiếp tục bám sát, xây dựng đề án phát triển phổ cập giáo dục cho trẻ 3 - 4 tuổi trên địa bàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.