Nhiều địa phương khởi động cho học sinh trở lại trường sau Tết

GD&TĐ - Dự kiến, sau nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều địa phương dần mở cửa trường học trở lại. Bài học từ những địa phương đã làm tốt triển khai dạy học trực tiếp trong điều kiện dịch bệnh cần được chia sẻ và nhân rộng.

Học sinh vui mừng trở lại học tập cùng bạn bè. Ảnh minh họa
Học sinh vui mừng trở lại học tập cùng bạn bè. Ảnh minh họa

Chuẩn bị để mở cửa trường học

Hiện tỷ lệ nhiễm Covid-19 trên địa bàn Hà Nội đang rất lớn. Tính đến ngày 18/1/2022, ngành Giáo dục Hà Nội có trên 5.700 ca nhiễm, trong đó 778 ca là giáo viên và 4.849 học sinh. Tại Hội thảo về tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong cơ sở giáo dục sáng 19/1, chia sẻ thông tin trên, đại diện sở GD&ĐT Hà Nội đồng thời cho biết thuận lợi là tỷ lệ tiêm vắc - xin cho học sinh Hà Nội từ 12 đến dưới 18 tuổi cao; trên 70% phụ huynh có con đã tiêm mũi 2 đồng thuận cho con học trực tiếp.

“Nếu không có gì thay đổi, dịch thuyên giảm và tỷ lệ vắc - xin bảo đảm, dự kiến từ sau nghỉ Tết Nguyên đán, Hà Nội cho học sinh từ khối 7 -12 đi học trực tiếp trở lại. Đương nhiên cùng với đó sẽ là các kịch bản, phương án để bảo đảm an toàn nhất có thể cho học sinh” - đại diện sở GD&ĐT Hà Nội cho hay.

 “Tinh thần chung là Tây Ninh sẽ triển khai học trực tiếp cho toàn bộ các khối học sau Tết Nguyên đán nếu tình hình dịch ổn định. Công tác chuẩn bị đến nay đã cơ bản theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế” - ông Võ Đức Trong thông tin.

Chia sẻ tình hình dịch bệnh trên địa bàn đang giảm nhanh, ông Võ Đức Trong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết đã triển khai lấy ý kiến phụ huynh và thí điểm cho học sinh lớp 9, lớp 12 học trực tiếp; việc triển khai phòng chống dịch khi học sinh đi học trở lại được triển khai tốt, chưa xuất hiện ca lây nhiễm. Để chuẩn bị cho học sinh đến trường sau nghỉ Tết Nguyên đán, UBND tỉnh đã giao sở Y tế rà soát, đánh giá lại các ca nhiễm thời gian qua với học sinh từ 6 - 17 tuổi, đặc biệt là các ca nhiễm nặng, tử vong; có giải pháp xử lý kịp thời nếu xuất hiện ca nhiễm trong trường học.

Tại Quảng Ngãi, theo ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, địa phương dự kiến cho học sinh từ 12 tuổi trở lên học trực tiếp sau Tết Nguyên đán. Với học sinh 5 - 11 tuổi, Quảng Ngãi đề xuất cho học trực tiếp tại các vùng xanh, vàng; vùng cam và vùng đỏ vẫn học trực tuyến.

Từ ngày 7/2/2022 học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 toàn tỉnh Tiền Giang sẽ đến trường học tập trực tiếp; học sinh lớp 6 và bậc tiểu học tiếp tục học trực tuyến. Thông tin từ Phó Giám đốc sở GD&ĐT Nguyễn Phương Toàn: Học sinh lớp 6 sẽ tổ chức tiêm vắc - xin sau đó cho các em tới trường; riêng học sinh tiểu học và mầm non, chờ rút kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh, sở GD&ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh về việc cho các em học trực tiếp trở lại.

Sở GD&ĐT Vĩnh Long đang phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh lộ trình tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp (dựa trên ý kiến chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và kết quả điều tra xã hội học do Sở GD&ĐT và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long phối hợp thực hiện). Thông tin ban đầu về việc này, ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc sở GD&ĐT cho hay: Dự kiến sau nghỉ Tết Nguyên đán địa phương sẽ cho học sinh khối 9 và12 học trực tiếp trước; sau đó đến các khối còn lại.

Khử khuẩn trường lớp trước khi đón học sinh trở lại học trực tiếp tại TPHCM.
Khử khuẩn trường lớp trước khi đón học sinh trở lại học trực tiếp tại TPHCM.

Bài học thích ứng an toàn, linh hoạt

Thống kê đến 18/1/2022, Hải Phòng có 303 trường phổ thông (61,2% tổng số trường) phải tổ chức kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến; 2.001 cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh dương tính với Covid-19; có 2/15 quận, huyện có thời điểm phải dừng dạy học trực tiếp, chuyển trạng thái dạy học trực tuyến.

Chia sẻ kinh nghiệm trong “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng trao đổi: Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Y tế tổ chức tập huấn về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục trong tình hình mới.

Công tác kiểm tra phòng chống dịch được chú trọng. Phân quyền cho hiệu trưởng các nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương xử lý linh hoạt ứng phó với tình huống, diễn biến của dịch bệnh (lớp học có F0 thì cho lớp đó nghỉ học, khai báo y tế và thực hiện các hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương, chuyển trạng thái học trực tuyến; lớp học có F1 thì triển khai khoanh vùng, cách ly y tế…).

Địa phương luôn chú trọng công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch khi tổ chức dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục; đồng thời bảo đảm chất lượng giáo dục trong bối cảnh phải thực hiện dạy học trực tuyến; bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin.

“Hải Phòng thúc đẩy việc đi học trực tiếp trở lại theo Nghị quyết 128/NQ-CP trên cơ sở bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch Covid-19 còn ảnh hưởng lâu dài, bảo đảm an toàn trường học và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2021-2022. Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Y tế cập nhật, bổ sung hướng dẫn/quy định/sổ tay công tác phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục; kiện toàn hệ thống y tế trường học đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi trong trường học.

Từ kinh nghiệm và kết quả đạt được, ngành GD-ĐT thành phố Hải Phòng kiến nghị tổ chức cho trẻ từ 12 - 17 tuổi đến trường học trực tiếp từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ngành GD-ĐT phối hợp với ngành Y tế triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 7 - 11 tuổi; ban hành bộ hướng dẫn đối với cơ sở giáo dục đủ điều kiển triển khai học trực tiếp. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19” - ông Lê Khắc Nam cho hay.

Với TP Hồ Chí Minh, bài học được đại diện ngành GD-ĐT chia sẻ tại Hội thảo về tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong cơ sở giáo dục là sự phối hợp nhịp nhàng của các cấp chính quyền, 2 ngành GD-ĐT và Y tế; biện pháp xử trí khi có ca nhiễm. Để tổ chức dạy học trực tiếp trên địa bàn, các đơn vị phải bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch, cũng như ưu tiên điều kiện từ đội ngũ đến cơ sở vật chất khi trường học mở cửa trở lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.