Kinh nghiệm từ đời sống
6h sáng, không cần bố mẹ đánh thức Nguyễn Thu Hà – lớp 4A Trường Tiểu học Lùng Vai (Mường Khương, Lào Cai) đã tỉnh giấc. Thay bộ quần áo đồng phục của nhà trường và đi thêm đôi giầy được cô giáo tặng hồi trước Tết, Hà bắt đầu cùng chúng bạn đến trường trong niềm vui hân hoan của những ngày đầu năm mới. Em cho biết: “Tuần đầu tiên đến trường sau kỳ nghỉ Tết, chúng em chưa phải học ngay mà vẫn được cùng với các thầy, cô giáo tham gia các trò chơi truyền thống. Vì thế mà sau Tết, chúng em không có ai bỏ học”.
Đem câu chuyện của em Hà đến gặp Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lùng Vai Nguyễn Thị Hòa chúng tôi mới hay đó chính là giải pháp để kéo học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Cô Hòa giải thích: Trước đây, sau mỗi dịp nghỉ Tết, tình trạng học sinh đến trường rất thưa thớt. Vận động học sinh trở lại trường đã khó nhưng giữ chân các em ở lại trường còn khó hơn. Vì vậy sau Tết, hầu hết các thầy, cô giáo của nhà trường đều phải lặn lội đến các thôn, bản để gõ cửa từng nhà để đón học sinh trở lại trường, thế nhưng sỹ số học sinh đi học theo đúng lịch cũng chỉ đạt đến 40%. Và phải một tháng sau Tết mới sỹ số trường, lớp mới thực sự ổn định. Nguyên nhân là do học sinh vùng cao vẫn còn mải mê với những hoạt động hoạt động vui chơi, lễ hội truyền thống của thôn, bản.
Biết được nguyên nhân này, Ban giám hiệu nhà trường đã bàn bạc và thống nhất chỉ đạo với các khối, lớp đó là: Ngay sau ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết sẽ tổ chức các trò chơi dân gian, truyền thống mà các em đã được tham gia ở thôn, bản như: Múa sạp, nhảy dây, kéo co, ném còn… nhằm thu hút học sinh đến trường. Sau khi nhà trường áp dụng giải pháp này đã mang lại kết quả thật bất ngờ, đó là tỷ lệ học sinh đi học sau Tết rất cao, chỉ sau tuần học đầu tiên sỹ số đã đảm bảo 100%, không có trường hợp học sinh bỏ học.
“Hiện chúng tôi đã áp dụng giải pháp này từ nhiều năm nay. Giờ đây giáo viên của nhà trường không còn phải gõ cửa từng nhà để “lôi, kéo” học sinh trở lại trường, lớp sau Tết” – cô Hòa hồ hởi cho biết.
Cũng giống như Trường Tiểu học Lùng Vai, thầy Hà Tiễn Dũng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tả Phìn (Sapa, Lào Cai) cho biết, khoảng tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, nhà trường không đặt nặng vấn đề học tập mà chú trọng tổ chức các hoạt động giáo dục thông qua các trò chơi dân gian nhằm thu hút học sinh đến trường. Từ những hoạt động này, các thầy, cô giáo đã giáo dục cho các em về văn hóa lễ hội và các trò chơi dân gian truyền thống của địa phương.
Ngoài ra, để đảm bảo tỷ lệ chuyên cần của học sinh, trước khi nghỉ Tết, nhà trường cũng đã tổ chức họp phụ huynh và yêu cầu mỗi phụ huynh làm bản cam kết đưa con đi học đúng thời gian quy định. “Bằng những giải pháp trên, những năm gần đây, giáo viên không phải vất vả đi vận động học sinh trở lại trường. Hầu hết phụ huynh đều tự giác đưa con đến lớp đúng thời gian quy định và học sinh có ý thức chăm chỉ học tập” - thầy Dũng cho biết.
Nhân rộng kinh nghiệm hay
Qua tìm hiểu được biết, hiện nay hầu hết các trường học của tỉnh Lào Cai đều áp dụng một cách linh hoạt, sáng tạo những kinh nghiệm trên và gắn với điều kiện thực tiễn của địa phương. Nhiều trường đã tổ chức thành ngày hội đến trường cho các em sau kỳ nghỉ Tết.
Ông Nguyễn Anh Ninh – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai trải lòng: Đúng là kinh nghiệm được xây dựng từ trong thực tiễn. Nếu như những năm trước việc ổn định sỹ số học sinh đến trường, lớp sau kỳ nghỉ Tết luôn là bài toán nan giải cho các trường vùng cao, nay bài toán đó đã có được lời giải. Giờ đây, chúng tôi hoàn toàn yên tâm về tỷ lệ chuyên cần của học sinh. Tính đến thời điểm này tỷ lệ học sinh đến trường của tỉnh Lào Cai đạt từ 97% - 100%”.
Ông Ninh cũng cho biết: Ngoài việc tổ chức vui xuân cho các em ngay tại trường, Sở cũng khuyến khích các Phòng GD&ĐT, các trường trên địa bàn tổ chức tặng quà cho các em học sinh từ trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Trong đó đặc biệt quan tâm đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhằm kịp thời động viên khích lệ các em trong học tập. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc các chế độ chính sách của Nhà nước đối với học sinh vùng khó.
“Với những phần quà từ thiện của các tổ chức, cá nhân ủng hộ học sinh nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, chúng tôi yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng và trúng các đối tượng. Bên cạnh đó, khuyến khích các trường thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục để các em học sinh bán trú có được bữa ăn sau ngày nghỉ Tết tươm tất hơn ngày thường. Đây chính là những giải pháp hữu hiệu tạo hứng thú cho học sinh đến trường sau kỳ nghỉ Tết” – ông Ninh chia sẻ.