Có được sự chuyển biến tích cực này, nhà trường, GV đã làm tốt công tác huy động HS trở lại trường lớp cũng như việc phòng, chống dịch Covid-19 luôn sẵn sàng, kĩ lưỡng.
Niềm vui đầu xuân mới
Thầy Phạm Công Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hóa - Quảng Trị) vui mừng cho biết: Ngày thứ 2, tỉ lệ chuyên cần đạt trên 90%. Số HS chưa trở lại trường hoặc đến muộn thường rơi vào HS ham chơi, nhà xa hoặc nghỉ để tham gia lao động hỗ trợ gia đình.
Theo thầy Hiền, hơn 90% HS trở lại học tập ngay sau Tết Nguyên đán là tỉ lệ vượt trội, một sự khích lệ, niềm vui lớn với ban giám hiệu (BGH), GV bởi hàng năm tỉ lệ này chỉ đạt 60 - 70%. Ngay cả khi BGH, GV làm mọi cách để duy trì sĩ số, việc nghỉ học, ra lớp chậm sau Tết không mấy cải tiến và trở thành đặc tính của HS vùng khó Hướng Hóa – Quảng Trị.
Thầy Lê Quang Tùng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát - Thanh Hóa) hồ hởi chia sẻ: Ngày đầu tiên tại điểm trường chính và 9 điểm trường lẻ HS trở lại đạt hơn 90%. Số HS chưa trở lại trường đều được GV chủ nhiệm tìm hiểu nguyên nhân và đốc thúc phụ huynh. Vì vậy không quá lo lắng. Trong 1 - 2 ngày nữa HS sẽ quay lại trường đầy đủ.
“Trường vùng cao biên giới, 100% HS người dân tộc… tuy nhiên công tác duy trì sĩ số trong vài năm gần đây không quá căng thẳng bởi ý thức học tập của người dân nâng lên đáng kể. Mặt khác, số ngày nghỉ sau Tết dài, HS có kỳ nghỉ trọn vẹn nên không còn muốn trốn học đi chơi. Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được nhà trường chủ động thực hiện, phụ huynh, HS không lấy đó làm lý do để nghỉ học…” – thầy Lê Quang Tùng khẳng định.
Thầy Hà Trần Hồng – Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Khao Mang (Mù Cang Chải – Yên Bái) cho biết: Toàn trường có 544/549 HS ra lớp sau nghỉ Tết (đạt gần 99%). 5 HS vắng nhưng đều có lý do (2 HS nghỉ ốm, 3 HS xin phép nghỉ 2 - 3 hôm để hỗ trợ gia đình vụ mùa). Về phía GV đều trả phép sớm 2 ngày để xuống từng thôn bản chúc Tết gia đình kiêm huy động HS đến lớp. Một số làm công tác khử khuẩn, vệ sinh trường lớp để đón HS trở lại an toàn.
Còn theo thầy Trần Đình Hòa – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Bát Đại Sơn (Quản Bạ - Hà Giang), ngày đầu tiên trở lại trường có 475/485 HS (đạt gần 98%). Ngày thứ 2, trong số 10 HS nghỉ đã có thêm 3 HS tới trường. Số HS còn lại vắng có lý do nghỉ ốm và theo bố mẹ đi nương rẫy. Tỉ lệ này so với năm ngoái rất đáng mừng bởi ý thức và những giải pháp quyết liệt huy động HS trở lại học tập đã đạt hiệu quả. Tới hết tuần,việc bảo đảm sĩ số 100% là điều chắc chắn nhà trường sẽ
đạt được.
Nỗ lực không ngừng
Theo chia sẻ của thầy Phạm Công Hiền, tỉ lệ HS ra lớp cao bởi nhà trường đã quyết liệt triển khai công tác đưa HS trở lại trường lớp trước khi nghỉ Tết. Ngoài tuyên truyền đến HS, phụ huynh, nhà trường còn yêu cầu HS viết cam kết trở lại trường học đúng ngày; kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc huy động HS trở lại trường lớp.
Đặc biệt, năm nay do Tết Nguyên đán chậm hơn 1 tháng so với vụ thu hoạch cây đót tại địa phương nên HS không bỏ học vào rừng kiếm đót bán. Mặt khác, ngày nhập học vào đầu tuần nên HS dù nhà xa cũng trở lại trường đầy đủ. Nếu nhập học vào giữa hoặc cuối tuần, HS thường có tâm lý nghỉ cố hết tuần mới quay lại.
Theo thầy Lê Quang Tùng, ngoài kết hợp chính quyền tuyên truyền, nhắc nhở HS đi học trở lại, BGH, GV chủ nhiệm còn phát huy các kênh thông tin Zalo, Facebook để nhắc phụ huynh ngày đi học. HS nào nhà xa, không thể liên lạc, GV chịu trách nhiệm tới tận nơi nhắc, thậm chí đón tới lớp.
“Năm nay HS lớp 1 được nhà trường đặc biệt chú trọng duy trì sĩ số sau Tết bởi với đặc tính nhanh quên, tiếp thu chậm của HS dân tộc thì nghỉ càng dài ngày các em càng quên nhiều kiến thức. Trong khi đó dạy học trực tuyến (nếu nghỉ dịch) lại chưa thể triển khai. Ngày đầu tiên, 100% HS lớp 1 đã trở lại trường và GV tiến hành dạy ngay để vừa ôn lại kiến thức cũ vừa triển khai kiến thức mới đúng tiến độ…” – thầy Tùng cho biết.
Chia sẻ kinh nghiệm về việc duy trì và nâng cao tỉ lệ HS vùng khó trở lại trường sau Tết Nguyên đán từ thầy Trần Đình Hòa cho thấy không chỉ đòi hỏi GV chủ nhiệm phải quyết liệt, hết mình trong tuyên truyền và kéo HS trở lại trường lớp mà hơn thế công tác bán trú cho HS phải chu đáo, đầy đủ.
“Với HS dân tộc, vùng cao, điều kiện sống và sinh hoạt khó khăn… nếu nhà trường bảo đảm chế độ ăn uống, học tập tốt hơn ở nhà, HS đến trường được gặp bạn bè, thầy cô vui vẻ… sẽ chủ động quay lại trường lớp. Làm tốt công tác bán trú cũng đồng nghĩa GV giảm được vất vả trong vận động HS tới trường. Chương trình dạy học đúng tiến độ, nâng cao chất lượng giáo dục…” – thầy Hòa bộc bạch.