Báo cáo của Bộ GD&ĐT tại Hội nghị Tổng kết kế hoạch năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 có nêu: Hiện nay, tại một số địa phương vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, nhiều tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non, phổ thông theo định biên quy định.
Một số địa phương thực hiện tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục khá cứng nhắc, chưa gắn với quy mô phát triển dân số (hằng năm cắt giảm theo lộ trình để đến năm 2021 giảm 10%), do vậy không có biên chế để tuyển mới, dẫn đến thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non.
Về phía địa phương, ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho hay, tỉnh đã giao cho Sở Nội vụ xây dựng đề án tinh giản biên chế với các sở ngành trên toàn tỉnh. Trong đó, đặc biệt chú ý đến ngành giáo dục vì đây là ngành đặc thù, có những đặc điểm riêng nên phải chú ý để vừa tinh giản nhưng đảm bảo chất lượng giao dục vẫn được duy trì.
Ông Bình cho rằng, hiện nay ngành sư phạm đang đào tạo thừa giáo viên. Khi chưa giải quyết được vấn đề này thì chưa sắp xếp tinh giản 10% theo lộ trình như hướng dẫn của Bộ GD&ĐT vì nếu không sẽ gây hoang mang cho đội ngũ giáo viên. Do vậy, ông Bình đề xuất có thể năm đầu giảm 2-3% rồi mới tính đến giảm biên chế tiếp theo.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng, hiện nay vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ đang xảy ra tại một số địa phương. Điều này cho thấy công tác dự báo về nhu cầu nhân lực ngành giáo dục chưa được chuẩn xác. Các ngành, các địa phương cần nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để, đặc biệt là giáo viên mầm non. Nguyên nhân là do từ năm 2015 đến nay, số lượng trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non tăng nhanh (tăng trên 1,2 triệu trẻ; tương ứng tăng thêm trên 41 nghìn nhóm/lớp; nhu cầu cần thêm khoảng trên 80 nghìn giáo viên).
Tuy nhiên, số lượng giáo viên được tuyển dụng hằng năm chưa tương xứng với số lượng trẻ tăng thêm, trong khi mỗi năm toàn ngành có khoảng 3000 giáo viên nghỉ hưu.
Công tác tuyển dụng tại một số địa phương còn chậm, chưa kịp thời đáp ứng được quy mô trường, lớp tăng hằng năm. Một số địa phương chưa đáp ứng kịp do thiếu biên chế, thiếu kinh phí, vướng mắc về tính pháp lý khi ký hợp đồng lao động.
Cơ chế phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý giáo dục còn chưa hợp lý, thiếu sự đồng bộ, có nhiều cơ quan tham gia vào quá trình tuyển dụng, bố trí, sử dụng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục làm cho ngành Giáo dục khó chủ động trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết: Hiện nay nhiều địa phương tuyển dụng GV không tốt. Vừa qua nhiều ý kiến nên Thủ tướng và Phó Thủ tướng đã kịp thời chỉ đạo ưu tiên tuyển đặc biệt đối với các giáo viên làm việc lâu năm theo chỉ tiêu biên chế, đóng bảo hiểm xã hội, đề nghị các địa phương xem xét cụ thể giải quyết thật tốt.
Ngoài ra, các trường hợp khác cần thực hiện đúng theo Nghị định 161 năm 2018 của Chính phủ đã ban hành, tuyển dụng công khai minh bạch để chọn được GV có chất lượng cao.