Nhiều đại biểu quan tâm đến những vấn đề nóng của giáo dục Thủ đô

GD&TĐ - Chiều 6/7, trong phiên chất vấn kì họp thứ sáu hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV, nhiều đại biểu đã nêu những vấn đề nóng của giáo dục Thủ đô đến lãnh đạo Sở GD&ĐT.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc- Chủ tịch HĐND TP Hà Nội chủ trì phiên chất vấn.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc- Chủ tịch HĐND TP Hà Nội chủ trì phiên chất vấn.

Đóng góp không nhỏ của hệ thống trường tư thục

Mở đầu phiên chất vấn, ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã trình bày báo cáo tóm tắt về công tác quản lý các cơ sở giáo dục tư thục.

Theo đó, hiện, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 477 trường tư thục với 234.399 học sinh (chiếm tỷ lệ 12,4% tổng số học sinh các cấp học toàn Thành phố). Trong đó có 34 trường đạt chuẩn Quốc gia (chiếm tỷ lệ 7,12% số trường tư thục).

Theo ông Ngô Văn Quý, mạng lưới các trường tư thục trên địa bàn thành phố đã được phủ khắp các bậc học từ mầm non đến phổ thông, đây là sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng trong việc tạo dựng một xã hội học tập, giúp giảm tải gánh nặng cho ngân sách thành phố.

Nhiều trường đã thể hiện rõ nét tính hội nhập quốc tế, với những mô hình đa dạng, tăng sự lựa chọn đối với học sinh và cha mẹ học sinh.

So với năm học 2008-2009 (năm đầu tiên hợp nhất Hà Nội với Hà Tây) quy mô trường tư thục tăng 265 trường, trong đó, tăng 30 trường đạt chuẩn Quốc gia, tăng 8.461 nhóm lớp, tăng 138.472 học sinh, tăng 6.377 cán bộ, giáo viên.

Bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ, công tác quản lý các trường tư thục của Hà Nội vẫn còn một số tồn tại hạn chế. Một số trường tư thục cơ sở vật chất vẫn còn phải thuê mượn địa điểm để thực hiện công tác giáo dục nên còn nhiều khó khăn.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của các nhà trường không ổn định, công tác bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý, giáo viên còn nhiều hạn chế. Chất lượng giáo dục tại một số trường tư thục còn hạn chế, chưa thu hút được sự quan tâm của phụ huynh và học sinh...

Toàn cảnh phiên chất vấn
Toàn cảnh phiên chất vấn

Giải đáp băn khoăn

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đã thẳng thắn bày tỏ những băn khoăn đối với lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội.

Trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết:

Về vấn đề một số nhóm trẻ mầm non tư thục bị chuyển nhượng sang tên mà không có khai báo, theo phân cấp quản l‎ý, UBND cấp quận huyện, thị xã sẽ tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình, ngăn chặn tình trạng nêu trên.

Sở GD&ĐT cũng đề nghị các đơn vị theo phân cấp quản lý cần công khai tên các nhóm trẻ, công tác quản lý, chủ các nhóm trẻ và danh tính nhóm trưởng trên website, phương tiện thông tin đại chúng để người dân tham gia giám sát. Đặc biệt, hiện đã có chế tài xử phạt nghiêm minh, chặt chẽ, quyết liệt với những trường hợp sai phạm.

Ông Chử Xuân Dũng- Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội
Ông Chử Xuân Dũng- Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội

Về vấn đề trên một số địa bàn, một số nhóm mầm non, nhóm trẻ, có xảy ra việc không đóng bảo hiểm xã hội - y tế và sử dụng đội ngũ giáo viên trẻ chưa ổn định, ông Dũng cho hay: Hiện 100% các trường, nhóm lớp mầm non tư thục được cấp phép khi có đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên theo quy định. Về cơ bản, các trường mầm non có đội ngũ giáo viên ổn định, được đóng bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, tại một số khu đông dân cư, các trường công lập chưa đáp ứng hết nhu cầu học tập của trẻ em. Các chủ đầu tư, các khu xây dựng cao tầng chưa xây dựng các trường như cam kết ban đầu.

Do đó các nhóm lớp tư thục phát triển để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh với phần nhiều là con em công nhân, điều này ảnh hưởng đến việc duy trì đội ngũ giáo viên.

Để khắc phục tình trạng trên, Sở GD&ĐT đã tổ chức nhiều hội thảo tăng cường quản lý nhóm lớp tư thục, qua đó giúp các xã phường, chủ nhóm lớp trao đổi, khắc phục khó khăn. Tiếp đó, khi phê duyệt xây dựng khu công nghiệp, chế xuất, nhà cao tầng cần đồng bộ với việc xây dựng khu nhà trẻ.

Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, triển khai các văn bản do UBND TP Hà Nội và Bộ GD&ĐT đưa ra, điều chỉnh hệ thống trường lớp, qua đó các nhà đầu tư có căn cứ tham gia đầu tư triển khai.

Về nội dung giảng dạy liên kết ngoại ngữ, ông Chử Xuân Dũng cho biết: Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản số 6083 về hướng dẫn qui trình thẩm định chương trình làm quen ngoại ngữ và dạy bổ trợ ngoại ngữ trong các trường phổ thông tại Hà Nội, qua đó Sở chịu trách nhiệm về thẩm định chương trình, căn cứ về tài liệu Bộ Giáo dục ban hành sách giáo khoa.

Bổ trợ ngoại ngữ là nâng cao năng lực nghe và nói cho học sinh với giáo viên là người nước ngoài. Sở GD&ĐT Hà Nội chịu trách nhiệm thẩm định, căn cứ vào đó, nhà trường lựa chọn bộ giáo trình và các đơn vị cung ứng dịch vụ, theo quy trình của văn bản 6083 mà Sở đã đưa ra.

Còn về việc công khai kiểm định chất lượng 71 trường ngoài công lập đang được triển khai. Hiện đã đánh giá ngoài đánh giá được 35 trường ở mức độ 1,2,3. Theo đó đã đạt được một số tiêu chí cứng. Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tiếp thu và triển khai tốt hơn công tác kiểm định và công khai nội dung này trên website của Sở.

Xem toàn cảnh phiên chất vấn:

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.