Nhiều cổ phiếu bất động sản tiếp tục giảm sàn sau vụ bỏ cọc đất Thủ Thiêm

GD&TĐ - Ảnh hưởng vụ việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất sau khi trúng đấu giá cao kỷ lục tại Thủ Thiêm đối với nhóm cổ phiếu BĐS vẫn rất nặng nề.

Nhà đầu tư cần tự học hỏi, trang bị kiến thức trước khi tham gia thị trường chứng khoán. Ảnh: Internet
Nhà đầu tư cần tự học hỏi, trang bị kiến thức trước khi tham gia thị trường chứng khoán. Ảnh: Internet

Nhiều cổ phiếu mất trên 50% giá trị và chưa có dấu hiệu dừng lại, nhiều cổ đông “bay” gần hết tài khoản.

Ảnh hưởng vụ Thủ Thiêm kéo dài

Thông tin về tâm thư bỏ cọc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh sau khi trúng đấu giá lô đất tại Thủ Thiêm với giá cao kỷ lục được đăng tải trên báo chí và các diễn đàn tài chính từ chiều tối ngày 11/1. Một ngày sau, giá cổ phiếu bất động sản (BĐS) như CII, CEO, DIG, LDG... lập tức giảm hết biên độ.

Trong hơn nửa tháng, các mã vừa nêu trắng bên mua và gần như mất thanh khoản. Các mã BĐS khác như ITA, KBC, BCG, HDG, DXG... cũng giảm sâu hoặc gần đạp sàn.

Ngoài ra, sự cố liên quan tỷ phú Trịnh Văn Quyết bị xử phạt vì bán chui cổ phiếu cũng trở thành yếu tố cộng hưởng khiến cho Vnindex bị nhấn chìm trong sắc đỏ, nhóm cổ phiếu BĐS tiếp tục giảm mạnh.

Đến ngày 20/1 mới xuất hiện thanh khoản trở lại với giá trị cao kỷ lục, như CII đạt trên 1.300 tỷ, CEO đạt 500 tỷ, DIG, LDG cũng có thanh khoản trở lại. Sắc xanh bao phủ, nhưng đường giá vẫn tiếp tục đà giảm.

Sau kỳ nghỉ Tết, tâm lý nhà đầu tư nhóm BĐS vẫn chưa qua cơn “hoảng loạn” khi những mã cổ phiếu từng là “ngôi sao” trước Tết tiếp tục đạp sàn.

Tính đến hết phiên giao dịch ngày 8/2, nhiều mã cổ phiếu BĐS tiếp tục giảm hết biên độ, trong khi dòng tiền được bơm bào nhóm cổ phiếu thép, ngân hàng, bán lẻ.

Thiệt hại của nhà đầu tư do ảnh hưởng từ vụ đấu giá đất Thủ Thiêm là đáng kể. Cụ thể, từ ngày 6/1 đến 8/2, cổ phiếu CII mất giá 58%. Từ 10/1 đến 8/2, CEO mất giá 49,86%, LDG mất giá 51,96%. Từ 12/1 đến 8/2 DIG mất giá trên 49%...

Các mã cổ phiếu khác cũng giảm liên tục và mất giá hàng chục phần trăm.

Sau Tết, nhóm cổ phiếu BĐS có sự phân hóa, nhóm BĐS khu công nghiệp và nhóm ít ảnh hưởng từ vụ Thủ Thiêm bắt đầu hồi phục trở lại với 2 phiên tăng điểm. Nhóm ảnh hưởng lớn từ vụ Thủ Thiêm như CII, CEO, DIG... vẫn tiếp tục đạp sàn.

Anh Nguyễn Xuân Thắng, một F0 tham gia thị trường chứng khóan cuối năm 2021 cho biết: Anh thường mua full margin với mức vay 30%. Sau sự kiện Thủ Thiêm, cổ phiếu CII, CE0 sàn 7 phiên liên tiếp. Anh nhìn số tiền mỗi ngày bốc hơi hàng trăm triệu đồng nhưng không thể bán được (vì trắng bên mua), trong khi số lượng cổ phiếu chất sàn lên đến trên 20 triệu đơn vị...

Ngày 21/1 anh bán được CII, CEO với mức lỗ lần lượt 44% và 52%. Đến đây anh mới nếm trải sự lợi hại của việc dùng căng margin và “bốc hơi” số tiền lớn.

Cổ phiếu BĐS có sự phân hóa

Tổng quan thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 8/2 đạt mốc 1.500 điểm, tăng 0,22%. Trong đó, có 282 mã tăng điểm, 52 mã cổ phiếu tham chiếu (bằng với mức giá đóng cửa phiên trước đó), và 169 mã giảm giá. Giá trị thanh khoản đạt trên 22.556 tỷ đồng.

Riêng nhóm trụ VN30 ghi nhận 15 mã tăng giá, 2 mã tham chiếu và 13 mã giảm giá. Thanh khoản đạt gần 10.000 tỷ đồng.

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ vụ Thủ Thiêm, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, cổ phiếu BĐS vẫn có tiềm năng tăng trưởng và phân hóa rõ nét vào những doanh nghiệp có tiềm năng lớn và cơ bản.

Ông Hà Tiến Hoàng, Công ty Chứng khoán Rồng Việt dự báo, nhóm cổ phiếu BĐS khu công có thể dẫn sóng trong năm 2022 dựa trên một số yếu tố như: Tốc độ giải ngân đầu tư công năm 2022. Quỹ đất BĐS khu công nghiệp ở nhiều địa phương gần như đầy, điều này sẽ khiến những doanh nghiệp có quỹ đất lớn, sẵn sàng cho thuê hưởng lợi thế. Và cuối cùng là lợi thế từ việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI gia tăng.

Đúng như dự báo của nhiều chuyên gia, nhóm cổ phiếu BĐS khu công nghiệp tăng liên tiếp 2 phiên là ngày 7 và 8/2. Cụ thể, KBC, SCR, ITA, BCG, LHG... tăng mạnh, thậm chí có mã như ITA có thời điểm trong phiên tăng gần hết biên độ.

Trên một số diễn đàn chứng khoán, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán ngày càng khốc liệt, nhà đầu tư cần phải tự trau dồi kiến thức, đầu tư vào những công ty có triển vọng, sạch và đặc biệt không nên tham gia nhiều room tư vấn, hô hào trên mạng, tránh đu đỉnh mà CII, CEO hay nhiều cổ phiếu BĐS khác là bài học đáng để cho F0 “khắc cốt ghi tâm”.

Một chuyên gia của Công ty Chứng khoán VPS đưa ra lời khuyên, nhà đầu tư F0 có thể tự học cách đầu tư thông qua đọc sách, học tập kinh nghiệm của những người đi trước, rút ra bài học cho chính mình sau mỗi lúc thành công và thất bại.

Thị trường luôn vận động và có những thời điểm không thể lường trước được. Vì vậy, để hạn chế rủi ro, nhà đầu tư cần phải  tự trả lời câu hỏi rằng, vì sao lại mua cổ phiếu a, b, c nào đó hoặc cổ phiếu a, b, c đó có gì đáng để đầu tư...

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Đu đủ là vừa!

GD&TĐ - Trước khi trời đổ mưa rào giao mùa Xuân sang Hạ, chị liền hối đứa nhỏ bắc ghế hái những quả đu đu đã lớn hết cỡ, vỏ ngả ương ương.
Đau đầu hay nhức đầu là tình trạng rất phổ biến, có thể gặp phải ở bất cứ nhóm tuổi nào. Ảnh minh họa: INT

Đi tìm nguyên nhân gây bệnh đau đầu

GD&TĐ - Có hai nhóm nguyên nhân chính gây đau đầu là nguyên phát và thứ phát, trong đó, đau đầu nguyên phát chiếm 90% và là cơn đau do bệnh lý cụ thể gây ra.