Nhiều cơ hội với mô hình đào tạo 9+

Nhiều cơ hội với mô hình đào tạo 9+

Đây được xem là giải pháp phân luồng học sinh hiệu quả, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Sớm học nghề - nhanh lập nghiệp

Luật Giáo dục Nghề nghiệp đã xác định rõ các đối tượng đầu vào để học giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 chính thức có hiệu lực từ 1/7/2020 sẽ tạo ra lối mở rõ hơn cho người học tốt nghiệp THCS tham gia học trung cấp nghề, học liên thông lên trình độ cao đẳng. Đây là chương trình đào tạo 9+ đang được triển khai tại nhiều cơ sở đào tạo.

Bà Phạm Thị Lan Phương – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp cho biết, hàng năm nhà trường tuyển sinh 9+ từ 500 - 650 em tốt nghiệp THCS để vào học nghề. Thực tế, nhiều học sinh không muốn học văn hóa theo kiểu hàn lâm. Các em yêu thích các môn hoặc nghề như tin học, điện, mỹ thuật, bán hàng trong siêu thị, kế toán… Qua mô hình 9+, các em có thể tìm hiểu để sớm tiếp cận nghề nghiệp. Có rất nhiều ngành nghề phù hợp với lứa tuổi tốt nghiệp THCS. Nhà trường đang đào tạo hơn 20 ngành nghề đều có học sinh đăng ký và năm nào cũng đủ chỉ tiêu đào tạo.

Theo bà Phạm Thị Lan Phương, học sinh tốt nghiệp THCS học theo mô hình 9+ sau thời gian 3 năm các em sẽ được chứng nhận hoàn thành chương trình văn hóa THPT và bằng trung cấp nghề để có thể tham gia ngay vào thị trường lao động với mức thu nhập từ 8 – 9 triệu đồng/tháng. Học sinh tốt nghiệp THCS sẽ mất từ 4 – 4,5 năm tùy theo ngành nghề đào tạo để học liên thông trình độ cao đẳng. So với học sinh tốt nghiệp THPT mới vào học nghề, các em học theo mô hình 9+ rút ngắn được quá trình học tập được từ 1 – 1,5 năm để có trình độ cao đẳng.

Đây là đối tượng học sinh chính quy, nên các em được hưởng tất cả các chính sách ưu đãi về học phí, học bổng và các chính sách khác của nhà trường, cũng như các gói hỗ trợ đào tạo từ doanh nghiệp. Trong quá trình học tập các em được thực tập, thực hành tại doanh nghiệp, tiếp cận với thị trường lao động, vì vậy hầu hết các em đều có việc làm ngay sau tốt nghiệp.

Tháo gỡ điểm nghẽn

Hiện nay, hiểu biết của xã hội về giáo dục nghề nghiệp đã thay đổi rất nhiều khi Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tăng cường công tác tuyên truyền. Nhiều học sinh THCS cũng đã nhận thức tốt hơn và ưu tiên học nghề. Ông Đỗ Văn Giang – Phó Vụ trưởng Vụ đào tạo Chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, các bậc phụ huynh đều mong muốn con trưởng thành theo cách nghĩ của mình. 

Tuy nhiên nên để các em được tự lựa chọn theo con đường riêng trong các lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Bản chất của mô hình 9+ là vừa học vừa làm tại doanh nghiệp, nhà trường có trách nhiệm xây dựng chương trình đào tạo phù hợp. Vấn đề cần chú ý là vào học trung cấp ở trình độ THCS là học song song văn hóa và học nghề. Để được cấp bằng trung cấp phải bảo đảm khối lượng kiến thức văn hóa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điểm nghẽn cần được tháo gỡ hiện nay là quy định học sinh tốt nghiệp lớp 9 có thể theo học trung cấp nghề với thời gian không quá 2 năm, học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên thì phải mất 3 năm. Như vậy, các em học theo mô hình 9+ sẽ hoàn thành chương trình trung cấp nghề trước chương trình THPT 1 năm. Trong khi đó, quy định để học liên thông là phải có bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, hoặc có bằng tốt nghiệp trung cấp và đã hoàn thành chương trình THPT theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy, trường nghề không thể dạy chương trình cao đẳng trước 1 năm, khi học sinh chưa hoàn thành chương trình THPT.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Văn Giang cho biết, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc, trao đổi về dự thảo quy định khối lượng, công nhận kiến thức văn hóa theo Luật Giáo dục mới. Trong thời gian gần nhất, sẽ có được bản dự thảo đó và sửa bản thống nhất để kịp thời đưa ra trong thời điểm tuyển sinh năm nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.