Nhiều cơ hội du học nghề tại Đức cho học sinh Việt

GD&TĐ - Trong những năm gần đây, số lượng học sinh tốt nghiệp THPT lựa chọn học nghề tại Cộng hòa Liên bang Đức (Đức) đang trở thành một xu hướng mới.

Vương Phạm Anh Dương (bên trái), cựu học sinh Trường THPT Liên Hà (Hà Nội), hiện đang học chứng chỉ A1. Ảnh: MH
Vương Phạm Anh Dương (bên trái), cựu học sinh Trường THPT Liên Hà (Hà Nội), hiện đang học chứng chỉ A1. Ảnh: MH

Với những ưu điểm của chính sách miễn học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí, cơ hội việc làm cao và chất lượng đào tạo tốt, du học nghề Đức đã mở ra những cơ hội trong tương lai cho học sinh Việt Nam.

Hấp dẫn du học nghề

Có nhiều lý do khiến chương trình du học nghề Đức thu hút học sinh Việt Nam, trong đó phải kể đến các chính sách hấp dẫn. Vương Phạm Anh Dương, cựu học sinh Trường THPT Liên Hà (Hà Nội), hiện đang học chứng chỉ A1 chia sẻ:

“Em thích học ngành điều dưỡng nên khi nghiên cứu về nhu cầu nguồn nhân lực ở Đức khá lớn, đồng thời khi học ngành này em được bên đó hỗ trợ tiền học, chi phí sinh hoạt cũng như nhà ở… Đây chính là những lợi thế giúp em giảm bớt được kinh phí mà gia đình đầu tư cho việc học tập của em”. Đó chính là lý do vì sao cô gái dù đã đỗ vào Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội này lại quyết định lựa chọn đi du học nghề ở Đức.

Để xác định quốc gia mình sẽ đi du học sau những năm THPT, Dương và gia đình đã nghiên cứu các nước có hình thức du học nghề để tham khảo các chính sách, đãi ngộ cũng như yêu cầu họ đặt ra nhằm giúp em xây dựng kế hoạch, lộ trình học tập.

Du học nghề Đức không yêu cầu học sinh phải đóng học phí, mà học sinh còn được hỗ trợ sinh hoạt phí, nhà ở và có thể đi làm thêm để tăng thu nhập. Đặc biệt, sau khi tốt nghiệp, du học sinh Đức có cơ hội được các doanh nghiệp tại Đức tiếp nhận làm việc với mức lương cao.

Với hệ thống giáo dục nghề tại Đức được đánh giá cao về chất lượng và tính thực tiễn, nam sinh Trần Quang Huy (Hà Nội) đã lựa chọn và đang hoàn thành các thủ tục cuối cùng để tháng 10 sang Đức học ngành Quản lý nhà hàng - khách sạn. Huy chia sẻ: “Trước khi lựa chọn du học nghề ở Đức, gia đình em định hướng cho em đi Nhật Bản. Tuy nhiên sau khi tìm hiểu, nghiên cứu thông tin, em nhận thấy chính sách, cơ hội việc làm cũng như môi trường phát triển bản thân thì học ở Đức “rộng cửa” hơn vì vậy em đã thay đổi quyết định”.

Với kinh nghiệm thu lượm được, Huy biết khi lựa chọn học nghề ở Đức điều đầu tiên em cần đạt được là phải có chứng chỉ B1 tiếng Đức, bởi đây là ngôn ngữ chính thức của Đức, vì vậy học sinh cần có trình độ tiếng Đức tốt thì mới có thể theo học và sinh sống tại Đức… Tuy nhiên, để lấy chứng chỉ này cũng không hề dễ dàng bởi tiếng Đức là một trong mười ngôn ngữ khó trên thế giới. Do đó, quá trình chinh phục ngôn ngữ này dễ khiến người học nản chí.

Để bản thân không bị động và gặp nhiều áp lực trong quá trình học, người học cần xây dựng kế hoạch học cụ thể. Điều các bạn cần lưu ý nữa là nghiên cứu kỹ ngành học mà mình muốn theo đuổi để có thể lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực và sở thích, sức khỏe của bản thân. Sau đó là chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo yêu cầu của trường đại học hoặc cơ sở đào tạo nghề ở Đức. Các bạn cũng nên nghiên cứu thêm văn hoá của đất nước mình đến du học để không bị sốc văn hoá và nhanh hoà nhập được với môi trường nước sở tại.

Hiện tại, du học nghề ở Đức có hơn 400 mã ngành, trong đó các ngành cần nguồn nhân lực lớn, phù hợp với học sinh Việt Nam như điều dưỡng, chăm sóc sắc đẹp, quản lý khách sạn, nhà hàng, sản xuất bánh ngọt, xây dựng, công nghệ ô tô, lắp ráp ô tô, hàng không…

Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục nghề nghiệp IVES.
Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục nghề nghiệp IVES.

Du học Đức: Cơ hội lớn

Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục nghề nghiệp IVES chia sẻ: “Hiện nay, phụ huynh và học sinh đang chuyển hướng lựa chọn học nghề thay vì chạy đua vào đại học. Du học nghề là một trong những lựa chọn khá thuận lợi và được học sinh khá quan tâm”.

Lý giải về những chuyển dịch tích cực này, bà Minh Hạnh cho rằng: “Trước thực trạng nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường khó xin việc, nhiều người buộc phải làm trái nghề. Để đáp ứng được yêu cầu công việc, họ bắt buộc phải đi học các khoá đào tạo ngắn hạn hoặc đào tạo lại từ đầu. Điều đó rất bất cập, mất thời gian cũng như tốn kém chi phí, trong khi đó chuyên ngành 4 năm đại học không thể sử dụng được, vô cùng lãng phí. Do đó, phụ huynh, học sinh dần thay đổi tư duy trong việc định hướng cũng như lựa chọn ngành nghề tương lai cho con em mình là điều tất yếu”.

Đối với những gia đình có điều kiện kinh tế vừa phải, nếu con muốn đi du học đại học tự túc sẽ không dễ dàng, vì vậy lựa chọn du học nghề luôn được nhiều phụ huynh đặc biệt quan tâm.

Bà Hạnh cho biết thêm: “Người Việt Nam đã thực tế hơn, nhiều người đã hướng cho con em đi học nghề trong nước cũng như ra nước ngoài. Xu hướng này dần tăng và du học nghề tại nước Đức, là một trong những lựa chọn hấp dẫn cho người học hiện nay bởi nhiều ưu điểm”.

Với kinh nghiệm của mình, bà Minh Hạnh gợi ý, học sinh ngay khi bước vào THPT nên xây dựng kế hoạch học tập cụ thể cho mình theo từng giai đoạn. Những học sinh năng lực vừa phải nên rẽ hướng học nghề thay vì chạy đua bằng mọi giá để giành suất vào đại học. Điều đó không chỉ giảm áp lực cho bản thân, mà còn tránh lãng phí tiền bạc, tâm sức, thời gian.

Song song với đó, nếu các em xác định du học nghề từ sớm thì ngay trong thời gian học THPT nên dành quỹ thời gian để học tiếng nước sở tại, nghiên cứu về các ngành nghề mình dự định theo học, xu thế phát triển, cơ hội việc làm, các chính sách đãi ngộ của quốc gia đó cho du học sinh để sau khi tốt nghiệp THPT các bạn đã có đủ các chứng chỉ để nộp hồ sơ xin đi học.

“Theo nghiên cứu của Tổ chức Giáo dục quốc tế Study.EU, năm 2018 Cộng hòa Liên bang Đức là quốc gia hấp dẫn nhất đối với sinh viên nước ngoài. Bảng xếp hạng dựa trên ba tiêu chí: Chất lượng giáo dục, học phí và điều kiện sống, bao gồm định hướng nghề nghiệp. Hiện nay, nước Đức cung cấp ngày càng nhiều chương trình học bằng tiếng Anh và có thể cạnh tranh về chất lượng giáo dục với Hà Lan và Vương quốc Anh. Trong đó, việc miễn học phí đại học là lợi thế đặc biệt của quốc gia này”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ