Nhiều cặp cho - ghép thận ở viện Việt Đức không cùng huyết thống

Bệnh viện Việt Đức phát hiện 5 đôi cho - nhận thận không cùng huyết thống và cách xa về địa lý, tuy nhiên hồ sơ pháp lý đúng luật.

Nhiều cặp cho - ghép thận ở viện Việt Đức không cùng huyết thống

Ngày 18/10, giáo sư Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết Công an Hà Nội đã đề nghị bệnh viện phối hợp điều tra đường dây mua bán thận. Tình trạng mua bán thận nghi ngờ diễn ra tại bệnh viện với giá hàng trăm triệu đồng mỗi quả thận.

Theo giáo sư Giang, luật pháp quy định mọi người dân trưởng thành đều có quyền hiến thận, không yêu cầu cùng huyết thống và tự nguyện. "Đây cũng là kẽ hở để nhiều trường hợp lợi dụng mua bán thận", ông Giang nói.

Bệnh viện đã rà soát phát hiện 5 cặp cho - nhận không cùng huyết thống, được phẫu thuật ghép tại Bệnh viện Việt Đức. Tuy nhiên khi kiểm tra kỹ cả 5 trường hợp đều đủ yêu cầu hiến và ghép thận.

Cặp đầu tiên, người nhận là nam bệnh nhân 36 tuổi ở Phú Thọ đã lọc máu chu kỳ 5 năm, người hiến là một phụ nữ 30 tuổi sống An Giang. Khi đăng ký hiến thận, bố và chồng của người phụ nữ này cùng đến Bệnh viện Việt Đức ký cam kết.

Cặp thứ hai, người nhận là nữ bệnh nhân 43 tuổi ở Hải Dương, đã lọc máu chu kỳ 10 năm. Người cho là một người đàn ông 30 tuổi tại Quảng Trị. Khi ký giấy cam kết, cả mẹ cùng vợ anh này đều có mặt để ký.

Cặp 3 là bệnh nhân 43 tuổi ở Hà Nội, nhận tạng từ người hiến là nam thanh niên 25 tuổi tại Lạng Sơn. Mẹ đẻ và vợ của thanh niên này cũng đến viện ký cam kết.

Cặp 4 là bệnh nhân 26 tuổi (Bắc Ninh), nhận tạng hiến từ người đàn ông 27 tuổi ở Lạng Sơn, có vợ và mẹ đẻ đến ký cam kết.

Cặp thứ 5, người nhận thận là nam giới 40 tuổi ở Hà Nội bị suy thận mãn và đã cắt cả 2 thận, lọc máu chu kỳ 4 năm. Người hiến thận sống tại Lạng Sơn, có vợ và mẹ đẻ đến viện ký cam kết.

"Bệnh viện đã tiến hành các thủ tục cho nhận thận theo quy trình rất chặt chẽ, tuyệt đối không có chuyện nhân viên y tế móc nối để làm giả hồ sơ. Nếu phát hiện cán bộ y tế có liên quan, bệnh viện chắc chắn sẽ đuổi việc", bác sĩ Giang cho biết.

Những người đang phải chạy thận nhân tạo và mong chờ được ghép thận, trọ tại Hà Nội. Ảnh: Đỗ Mạnh Cường.

Những người đang phải chạy thận nhân tạo và mong chờ được ghép thận, trọ tại Hà Nội.

Phó giáo sư Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức chia sẻ, bản thân ông đã từ chối nhiều ca ghép thận ngay trước giờ phẫu thuật do nghi ngờ có khuất tất. Trong đó nhiều trường hợp “khất” 1-2 loại giấy tờ còn thiếu đến sát ngày phẫu thuật mới nộp, có trường hợp không có người thân đi cùng.

Bác sĩ Nghĩa cho biết hiện mỗi tuần Bệnh viện Việt Đức thực hiện 4-6 ca ghép thận. Người hiến phải làm hàng loạt xét nghiệm sàng lọc như viêm gan B, C, HIV... với chi phí khoảng 20 triệu đồng. Chi phí này bảo hiểm y tế không chi trả. Sau đó bác sĩ sẽ tư vấn, giải thích về nguy cơ của việc hiến tạng cho người hiến và gia đình. Nếu cả người hiến và gia đình đều đồng ý, bệnh viện sẽ tiến hành xác minh pháp lý.

Để chặt chẽ, bệnh viện yêu cầu người hiến khi đăng ký phải có ít nhất 2 người ruột thịt trong gia đình (bố, mẹ hoặc vợ, chồng) cùng có mặt và cùng đồng ý ký vào giấy cam kết. Các mối quan hệ này phải được địa phương chứng nhận. Sau khi hoàn tất các thủ tục hành chính, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ hòa hợp miễn dịch của người cho và người nhận trước khi hội chẩn ghép tạng.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.