Hầu hết những người bị nhiễm HP không có triệu chứng, kể cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người nhiễm HP có những biểu hiện do viêm loét dạ dày gây ra.
Nguyên nhân trẻ nhiễm HP
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, vừa tiếp nhận trường hợp bé trai 14 tuổi (Tân Phú, TPHCM) ói ra máu do viêm loét hành tá tràng, nhiễm vi khuẩn HP, phải nhập viện cấp cứu.
Kết quả siêu âm ổ bụng, chụp X-quang phát hiện đoạn cuối dạ dày viêm loét, thủng 1cm, hơi tự do nhiều trong ổ bụng, kèm có dịch dạ dày đã thoát vào ổ bụng dẫn đến biến chứng viêm phúc mạc (lớp màng bên trong thành bụng bao phủ các cơ quan trong bụng).
Các bác sĩ đánh giá, tình trạng của bé rất nghiêm trọng. Nếu không can thiệp sớm, viêm phúc mạc có thể dẫn đến nhiễm độc, nhiễm trùng toàn thân đe dọa tính mạng. BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng - Khoa Ngoại nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cùng ekip đã phẫu thuật nội soi cấp cứu hút dịch, rửa sạch ổ bụng, sinh thiết bờ ổ loét, khâu kín lỗ thủng và đắp mạc nối lớn tăng cường, đặt dẫn lưu.
Sau 5 ngày, bé tập ăn lại bình thường, sức khỏe hồi phục tốt, được xuất viện. Bệnh nhi tiếp tục điều trị kháng tiết axit dạ dày phòng ngừa tái phát viêm loét dạ dày tá tràng, test vi khuẩn HP theo chỉ định.
Theo bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ - Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, trẻ dưới 10 tuổi dễ nhiễm khuẩn HP do chất lượng vệ sinh môi trường sống, thói quen ăn uống, đặc biệt là tiếp xúc, nụ hôn của người lớn.
Theo thống kê, khoảng 70% dân số Việt Nam bị nhiễm khuẩn HP. Trong đó, trẻ em dưới 10 tuổi dễ nhiễm nhất. Trẻ nhỏ do hệ miễn dịch chưa thực sự hoàn chỉnh nên nguy cơ lây nhiễm cao.
“Trẻ em nhiễm HP có thể bị các biến chứng khó tiêu, viêm dạ dày cấp và mạn, loét dạ dày tá tràng, lâu dài dẫn đến ung thư. Trẻ mang khuẩn sẽ chán ăn, buồn nôn, chậm lớn, nặng nôn ra máu hoặc đi tiêu phân đen hôi”, bác sĩ Phương Vũ cho biết.
Đường lây bệnh ở trẻ nhỏ chủ yếu là miệng - miệng và phân - miệng. Trẻ được người lớn hôn, thơm vào miệng để thể hiện cử chỉ yêu thương. Tuy nhiên, mọi người thường không biết rằng, hành động đã vô tình lây nhiễm virus HP nếu người lớn có khuẩn trong cơ thể.
Trẻ nhỏ cũng thường được người lớn mớm, đút thức ăn, dùng chung đũa, uống chung ly nên khả năng lây lan bệnh rất cao.
Bên cạnh đó, trẻ còn nhỏ nên chưa có ý thức tự bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Trẻ thường quên rửa tay sau khi đi vệ sinh hay tiếp xúc với những khu vực không sạch sẽ, chơi đùa với vật nuôi bẩn,... Đó là nguy cơ khiến trẻ nhiễm vi khuẩn HP.
“Mỗi nước có khuyến cáo khác nhau về việc điều trị vi khuẩn HP. Ở Việt Nam, nếu chưa có triệu chứng thì trước mắt chưa cần phải điều trị.
Độ tuổi phù hợp để điều trị HP là 30 - 40. Trẻ nhỏ nếu như không có biểu hiện nặng vẫn có thể sống hoàn toàn bình thường. Ngoài tác hại, HP vẫn có lợi như giảm nhiễm trùng đường tiêu hóa, giảm dị ứng ở trẻ”, bác sĩ Phương Vũ chia sẻ.
Dấu hiệu trẻ cần tầm soát vi khuẩn HP
“Theo các chuyên gia, hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa HP. Để tránh lây nhiễm vi khuẩn HP, BSCKII Nguyễn Đỗ Trọng khuyến cáo, các gia đình nên từ bỏ thói quen chấm chung nước chấm, dùng chung chén đũa.
Người lớn cũng không nên nhai thức ăn để bón cho trẻ. Trường hợp trong gia đình đã có một người bị viêm loét dạ dày thì cả gia đình nên tầm soát nhằm phát hiện và điều trị sớm.
Vi khuẩn HP có tốc độ lây lan rất cao, ngoài niêm mạc dạ dày, vi khuẩn HP còn tồn tại trong nước bọt, mảng bám trên răng và khoang miệng của người bệnh”.
Bác sĩ Trần Mai Phương - Khoa Nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Vinmec cho biết, HP là vi khuẩn có tên Helicobacter pylori. Vi khuẩn này gây ra là tình trạng viêm dạ dày. Nhiễm khuẩn HP tương đối phổ biến và ở các nước Đông Nam Á. Trong đó, tỷ lệ trẻ em mắc viêm dạ dày HP dương tính tương đối cao, đặc biệt là trẻ trong giai đoạn ăn dặm và đi nhà trẻ (khoảng từ 2 đến 6 tuổi).
Hầu hết những người bị nhiễm HP không có triệu chứng, kể cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người nhiễm HP có những biểu hiện do viêm loét dạ dày gây ra như: Đau hoặc khó chịu ở bụng trên; đầy bụng khó tiêu; chán ăn, sụt cân; buồn nôn hoặc nôn. Ngoài ra, một số triệu chứng khác bao gồm đại tiện phân màu đen, chóng mặt, mệt do thiếu máu.
Theo bác sĩ Phương, một số trường hợp trẻ cần được tầm soát HP. Trong đó, trẻ bị loét dạ dày tá tràng hoặc bị MALT lymphoma, hoặc sinh ra trong gia đình có cha mẹ bị ung thư dạ dày, bị thiếu máu do thiếu sắt kháng trị, xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch mạn cần được tầm soát.
“HP là loại vi khuẩn dễ lây lan. Ngoài việc có mặt ở niêm mạc dạ dày, vi khuẩn HP còn tồn tại trong nước bọt, mảng bám trên răng và khoang miệng của người bệnh. Vi khuẩn HP có thể lây truyền từ người sang người bằng việc dùng chung bát đũa, ăn uống chung”, chuyên gia chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Phương, trẻ em là nhóm có nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn HP. Lý do là vì mẹ thường có thói quen mớm thức ăn cho con. Ngoài ra, thói quen ăn uống chung ở trường lớp có thể sẽ mang vi khuẩn HP vào cơ thể trẻ.
Bên cạnh đó, vi khuẩn HP còn tồn tại trong phân người bệnh nên có thể lây truyền qua tay (nếu sau khi đi vệ sinh không rửa tay sạch sẽ), hoặc qua vật trung gian như chuột, gián, ruồi... nếu chúng tiếp xúc với nguồn bệnh sau đó lại bám vào thức ăn.
Vi khuẩn HP ở dạ dày cũng có thể lây nhiễm trong quá trình thực hiện thao tác nội soi dạ dày tại các cơ sở y tế, nếu dụng cụ nội soi không được vệ sinh sạch sẽ.
Chuyên gia khuyến cáo, bố mẹ cần thường xuyên theo dõi con, đặc biệt khi thấy ở trẻ xuất hiện một số triệu chứng, thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám. Các triệu chứng bao gồm: Đau bụng nhiều; ói ra máu; đi tiêu ra máu, hoặc tiêu phân đen sệt. Ngoài ra, trẻ cũng có thể có cơn đau ở vùng bên dưới xương sườn, đau giảm sau ăn.