Nhiều bệnh 'tấn công' trẻ do thời tiết nồm ẩm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận nhiều trẻ tới khám và nhập viện do nhiễm các mầm bệnh khác nhau.

Bệnh nhi nhiễm RSV được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Bệnh nhi nhiễm RSV được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận nhiều trẻ tới khám và nhập viện do nhiễm các mầm bệnh khác nhau: Cúm A, cúm B, Covid-19, Adenoirus. Trẻ bị nhiễm RSV nhập viện nhiều 2 - 3 tháng nay, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, TS.BS Đặng Thi Thuý, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, độ ẩm không khí tăng cao, lại là thời điểm giao mùa từ xuân sang hè là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển.

“Trong cùng thời điểm, có rất nhiều tác nhân gây bệnh lưu hành. Tuy nhiên, bệnh cảnh lâm sàng ở trẻ biểu hiện chủ yếu là nhiễm trùng đường hô hấp. Đặc điểm thời tiết ẩm nồm cũng là yếu tố thuận lợi khiến trẻ nhỏ phát triển bệnh hen. Bệnh hen khởi phát do các đợt nhiễm virus cấp và hen khởi phát do dị ứng với các tác nhân môi trường, như ô nhiễm không khí, phấn hoa, bụi nhà…”, TS Thuý cho biết.

Cũng theo chuyên gia này, trong thời điểm giao mùa, trẻ rất dễ mắc bệnh. Do đó, để phòng chống các bệnh về đường hô hấp, cha mẹ nên lưu ý vệ sinh cá nhân và tăng sức đề kháng cho trẻ. Lưu ý cho con vệ sinh bàn tay thường xuyên, bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất, ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch.

Trong bối cảnh bệnh hô hấp phát triển, phụ huynh cũng cần hạn chế đưa trẻ tới nơi đông người. Nếu cần phải đến nơi đông người, cần để trẻ đeo khẩu trang để bảo vệ. Biện pháp này cũng giúp hạn chế lây virus, vi khuẩn từ người bệnh sang người lành. Trường hợp trẻ mắc bệnh, phụ huynh cần cho con ở nhà để được chăm sóc, tránh lây sang các bạn.

Không ít phụ huynh tự mua thuốc về điều trị cho trẻ tại nhà. Tuy nhiên, TS Thuý cảnh báo, một trong những hệ quả của việc tự chẩn đoán và điều trị tại nhà là cha mẹ không đánh giá được đúng mức bệnh của của trẻ.

Do đó, khi đưa trẻ đến viện, bệnh thường ở giai đoạn nặng hoặc đã có biến chứng. Điều đó khiến quá trình điều trị khó khăn hơn, thời gian nằm viện dài hơn, nguy hiểm đến tính mạng trẻ.

Một hệ quả nữa là tình trạng lạm dụng kháng sinh. Không cần biết con nhiễm bệnh với căn nguyên gì, cứ thấy con ho sốt là cha mẹ mua kháng sinh cho trẻ uống. Điều này về lâu dài dẫn tới tình trạng kháng kháng sinh ở trẻ.

Thực tế, nhiễm trùng đường hô hấp có thể do nhiều loại virus, vi khuẩn khác nhau gây ra, kháng sinh không có tác dụng đối với những tác nhân gây bệnh là virus.

“Mũi họng là ‘cửa ngõ’ nên hầu hết trẻ nhiễm virus, vi khuẩn sẽ có biểu hiện ho, hắt hơi, sổ mũi. Khi nhận thấy con mình có vấn đề, cha mẹ hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và chữa bệnh, tránh trường hợp dùng không đúng thuốc, gây kháng thuốc, hoặc khiến bệnh chuyển nặng.

Từ đó, ảnh hưởng đến sức khoẻ, khả năng hồi phục. Việc điều trị không đúng có thể kéo dài thời gian nằm bệnh của trẻ cũng như gây tốn kém về mặt kinh tế”, TS Thuý cho biết.

Thông thường, điều trị đợt sốt virus có thể kéo dài xung quanh 3 - 5 ngày. Tuy nhiên, việc điều trị không đúng bệnh có thể kéo dài thời gian nằm viện, gây bội nhiễm, biến chứng. Từ đó, không chỉ gây tốn kém về kinh tế, mà còn để lại hậu quả nghiêm trọng về sức khoẻ, dẫn đến kháng kháng sinh.

Theo TS Thuý, cha mẹ và thầy cô cần phối hợp, theo dõi sức khoẻ con em mình trong điều kiện nhiều bệnh xuất hiện. Ở lớp, khi trẻ ốm, thầy cô cần phát hiện sớm, đưa trẻ xuống phòng y tế, báo với phụ huynh. Trong trường hợp trẻ mắc tác nhân gây bệnh có khả năng lây nhiễm, cần cho các con thăm khám, điều trị hợp lý và cách ly kịp thời.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ