Nhiều bến phà ở miền Tây ngưng hoạt động

Nhiều bến phà ở miền Tây ngưng hoạt động

Tại TP Cần Thơ hiện có gần 100 bến khách ngang sông với hàng trăm phương tiện. Sở Giao thông Vận tải thành phố đã thông báo ngừng hoạt động các bến đò ngang, bến du lịch, bến tàu, các tuyến vận tải hành khách cố định trong 15 ngày, áp dụng từ 1/4.

Sau lệnh cấm, nhiều người dân xã Tân Quới, Tân Lược (bờ Vĩnh Long) làm việc tại Khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ) phản ánh, do bến đò Rạch Xúc ngưng hoạt động nên buộc họ phải chạy vòng đường cầu Cần Thơ.

"Bình thường tôi đi đò vượt sông Hậu chỉ mất 15-20 phút là tới chỗ làm, giờ phải chạy vòng khoảng 30 km, mất hơn một tiếng", anh Nguyễn Văn Hùng, làm việc tại nhà máy chế biến gạo trong Khu công nghiệp Trà Nóc nói.

Còn ông Nguyễn Anh Mến, kinh doanh vận tải ở Cần Thơ, có hai xe tải 6-8 tấn, hàng ngày lấy hàng nông sản tại Nông trường sông Hậu rồi qua phà Thới An - Phong Hòa, nối quận Ô Môn (TP Cần Thơ) với huyện Lai Vung (Đồng Tháp) với giá vé 35.000 đồng. Xe sau đó tiếp tục đến TP Sa Đéc, vòng theo quốc lộ 80 ra cầu Mỹ Thuận (quốc lộ 1A) để lên TP HCM.

Từ khi phà bị cấm, xe ông phải chạy vòng qua trạm thu phí trên quốc lộ 91 tốn 75.000 đồng, rồi qua cầu Cần Thơ mới tiếp tục đi lên TP HCM, xa hơn 30 km, tốn thêm gần bốn lít dầu mỗi lượt. "Tôi nghĩ việc cấm này không cần thiết, chỉ cần hạn chế xe, người qua phà, buộc người dân đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt tại hai đầu bến là hợp lý", ông Mến nói.

Cồn Sơn nằm giữa sông Hậu (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) có hơn 70 hộ dân, 200 nhân khẩu. Sau khi toàn bộ đò ngang qua cồn dừng hoạt động, việc đi lại của người dân đến trung tâm TP Cần Thơ gặp nhiều khó khăn. Để vào thành phố mua lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm, dân ở đây phải đi xuồng máy hoặc chèo tay. "Nó rất bất tiện và không an toàn bằng đi đò ngang", bà Lê Thị Tám (60 tuổi), có ba đời sinh sống trên Cồn Sơn, nói.

Ông Nguyễn Quang Thoại, chủ bến phà Ninh Kiều (TP Cần Thơ) - Bình Minh (Vĩnh Long) có hai chiếc phà, tải trọng 70-80 tấn, mỗi ngày hoạt động 64 chuyến qua lại sông Hậu, mỗi chuyến chở khoảng 35- 40 xe máy, 50 - 60 người.

Gần đây, do tình hình dịch bệnh, ông Thoại chủ động giảm lượng phương tiện và hành khách 50%, phát tiền và hỗ trợ lương thực cho 12 nhân viên tạm nghỉ. "Ngưng hoạt động thì người dân phải vòng lên cầu Cần Thơ, hơn 15 km. Hiện nhu cầu người dân qua lại vẫn còn nhiều nhưng vì quy định phòng chống dịch bệnh thì mình phải chấp hành", ông Thoại nói.

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc sở GTVT TP Cần Thơ cho rằng nếu cho đò ngang hoạt động thì rất khó thực hiện tốt việc cách ly phòng chống Covid-19. "Tuy nhiên, những trường hợp công vụ, chở lương thực, hàng hóa nhu yếu phẩm thiết yếu, cấp cứu người bệnh thì đò ngang được phép phục vụ", ông Dũng nói.

Tỉnh Tiền Giang có 174 bến phà, trong đó 15 bến phà liên tỉnh: 4 bến phà nối tỉnh Bến Tre, 4 đi Long An, 5 đi Vĩnh Long và 2 đi Đồng Tháp.

Ông Trần Văn Bon Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tiền Giang cho biết, hiện các bến phà đi các địa phương trong tỉnh vẫn hoạt động bình thường, nhưng đảm bảo theo các khuyến cáo của ngành y tế như mang khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn và chở khách không quá 50%.

"Riêng các bến phà đi các tỉnh lân cận đã tạm ngưng hoạt động để hạn chế khả năng lây lan dịch bệnh, có thể chở hàng hóa, nông sản nhưng không thể chở người, địa phương nào vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm", ông Bon nói.

Tại bến phà Thới Lộc qua sông Tiền, nối xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) và xã Sơn Định (Chợ Lách, Bến Tre), dù đã có biển thông báo ngưng hoạt động 15 ngày, bắt đầu từ hai hôm trước, một phà vẫn hoạt động. Nhiều người từ phía Chợ Lách chở các loại trái cây như xoài, mít, cây giống qua phà.

Nhân viên thu phí cho hay, bình thường bến có hai phà, mỗi ngày chạy khoảng 24 chuyến. Sau khi nhận thông báo dừng hoạt động, bến đã ngừng được hai hôm, đến sáng 4/3 thì hoạt động trở lại nhưng chỉ chạy một chuyến, số lượt chạy giảm phân nửa, do được UBND huyện Chợ Lách phê duyệt.

Theo ông Trần Văn Đém, Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách (Bến Tre), do phà Thới Lộc là đường độc đạo từ Chợ Lách đi Cai Lậy, người dân cần phải qua lại phà để mua nhu yếu phẩm và vận chuyển trái cây, nông sản nên huyện linh động cho phà hoạt động trở lại. Tuy nhiên, huyện đã chỉ đạo xã thực hiện nghiêm việc kiểm tra, nhắc nhở về y tế đối với người dân và các xe qua phà, ngừa bệnh dịch.

Ông Hồ Hữu Đợi (55 tuổi, người dân phía Tiền Giang) cũng cho biết, nếu phà Thới Lộc bị ngừng, người dân hai bên bờ sông Tiền ở hai tỉnh sẽ phải đi đường vòng theo hướng cầu Mỹ Thuận qua Vĩnh Long, qua phà Đình Khao đi Bến Tre, hoặc đi theo hướng cầu Rạch Miễu, hai đường này đều xa hơn ít nhất 40 km.

Phà Thới Lộc (nối Tiền Giang và Bến Tre) được huyện Chợ Lách cho hoạt động, trong khi tỉnh Tiền Giang thông báo ngưng. Ảnh: Hoàng Nam.
Phà Thới Lộc (nối Tiền Giang và Bến Tre) được huyện Chợ Lách cho hoạt động, trong khi tỉnh Tiền Giang thông báo ngưng. Ảnh: Hoàng Nam.

Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bến Tre cho biết, tỉnh có ba bến phà liên tỉnh, trong đó một bến phà Tân Phú (Chợ Lách) do nhà nước quản lý và hai bến phà Tam Hiệp (Bình Đại), Hưng Phong (Giồng Trôm) do tư nhân khai thác. Hiện các bến phà này hạn chế hoạt động để phòng chống dịch.

"Tuy nhiên, đối với các trường hợp nhu cầu đi lại của người dân cao như công nhân các khu công nghiệp, cán bộ nhà nước làm việc khẩn cấp, chuyển bệnh, vận chuyển nông sản thì các phà vẫn hoạt động bình thường", ông Hoàng nói.

Hôm 31/3, Thủ tướng ban hành chỉ thị yêu cầu cách ly xã hội, từ ngày 1/4 đến và kéo dài 15 ngày. Tại phiên họp Chính phủ sáng 1/4, Thủ tướng giải thích cách ly xã hội mang ý nghĩa giữ khoảng cách trong xã hội, nhưng vẫn duy trì lưu thông hàng hóa và xuất khẩu.

Trong hướng dẫn thực hiện chỉ thị tối 3/4, Thủ tướng yêu cầu các địa phương bãi bỏ ngay các biện pháp dừng, ngăn cấm người và phương tiện qua lại địa phương mình không đúng với chỉ thị.

Theo vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ