7 năm liền đi “xin” học bổng cho học trò nghèo
“Dù đã được biết trường tiểu học An Phong thuộc diện “nghèo” của quận 8, nhưng khi mới về, tận mắt chứng kiến hoàn cảnh của thầy trò ở đây, tôi cảm thấy rất xót xa.
Trường có xấp xỉ 50% HS thuộc diện tạm trú, là con em của các gia đình từ các vùng quê lên mưu sinh ở địa bàn quận 8. Có nhiều em nghèo đến nỗi không dám mang dép ra ngoài lớp vì sợ mòn đứt, cứ đi chân đất đến trường rồi mới xỏ chân vào.
Có những em không có cặp táp, phải dùng bao nilon đựng sách vở đến trường” - thầy Phong kể lại thời điểm năm 2011, khi thầy vừa được bổ nhiệm về làm hiệu trưởng Trường An Phong.
Thương học trò nghèo, thầy Phong đã nghĩ ngay đến việc “vận động” các nguồn lực xã hội để tiếp sức cho các em đến trường. Trước lễ khai giảng năm học 2011 - 2012, được sự giới thiệu của chính quyền địa phương, thầy cùng anh Nguyễn Hòa Hiệp (trưởng ban đại diện Hội cha mẹ HS trường) thử tìm đến một vài cơ sở kinh doanh đóng trên địa bàn quận 8 để vận động quà cho các em HS nhân ngày khai trường.
Vừa mới về trường, còn “lạ nước lạ cái”, thầy Phong chỉ dám đến 2 cơ sở. Cảm phục trước tấm lòng của thầy hiệu trưởng mới, 2 chủ doanh nghiệp này đã vui vẻ đồng ý giúp sức.
Trong năm đầu tiên, HS nghèo Trường TH An Phong đã nhận được 50 phần quà, mỗi phần gồm một chiếc cặp mới từ Công ty Phú Minh Quang và một chiếc áo mưa của Cơ sở may áo mưa Quang Vinh.
Năm tiếp theo, thầy Phong tiếp tục thực hiện việc vận động để có thêm những phần quà ý nghĩa và thiết thực hơn cho các em. Chủ doanh nghiệp Phú Minh Quang không chỉ tiếp tục giúp đỡ mà còn giới thiệu thầy Phong với Xí nghiệp sản xuất tập Thành Công.
Một sự tình cờ, giám đốc đơn vị này là phụ huynh HS của thầy tại Trường Âu Dương Lân trước đây. Gặp lại “cố nhân”, vị này vui vẻ hỗ trợ trường thêm 50 phần quà, gồm 10 quyển tập mới/ phần. Anh Dương Văn Ghi, chủ vựa ốc chợ Bình Điền cũng tham gia quyên góp các tiểu thương trong chợ được 50 suất học bổng trị giá 200 nghìn đồng.
Như vậy, từ đầu năm học 2012, mỗi HS nghèo của Trường TH An Phong đã có được một phần quà tươm tất bao gồm: 200 nghìn đồng, 1 chiếc cặp, 1 bình đựng nước cùng 10 quyển vở mới.
Năm 2011, trường chỉ có 700 HS, hiện tại, con số này đã lên đến 1.300 em, số lượng HS thuộc diện đặc biệt khó khăn theo đó cũng lên đến 100 trường hợp. Thầy Phong vì thế lại phải tìm thêm những sự giúp đỡ.
Một nhà hảo tâm nói: “Thường thì các hoạt động này đều do phụ huynh HS thực hiện. Hiếm ai như thầy Phong, là hiệu trưởng mà đi đến tận nơi trình bày và vận động từng phần học bổng cho học trò”.
Thấy thầy hiệu trưởng thương học trò như vậy nên suốt 7 năm qua, các mạnh thường quân đều vui vẻ chia sẻ với nhà trường.
Không dừng lại ở đó, từ tết năm 2014, thầy Phong cùng các GV của trường bắt đầu tổ chức đêm văn nghệ mừng Xuân tại trường với sự hỗ trợ của Phòng Giáo dục, Phòng Văn hóa quận và ban đại diện hội cha mẹ HS. Chương trình thành công, mang về 100 phần học bổng (trị giá 200 nghìn đồng/phần) cho các em HS nghèo của trường có điều kiện ăn Tết.
Hết lòng với ngôi trường vùng ven
Không chỉ HS, một số GV của Trường An Phong cũng có đời sống rất khó khăn. Các thầy cô vì yêu trường, yêu trò mà bám trụ với nghề, ngày ngày đi xe đạp, đi bộ đến trường, chiều chiều dạy phụ đạo miễn phí cho các em.
Tết năm 2011-2012, trong khi mức tăng thu nhập bình quân của GV tại các trường nội thành TPHCM khoảng trên dưới 5 triệu đồng thì các GV của trường chỉ được có 500 nghìn đồng. “Họp GV trước Tết mà tui rớt nước mắt”, Thầy Phong bùi ngùi kể lại.
Nghĩ thương các GV trường mình, thầy liền tìm đến Công ty thực phẩm Kim Hà, vốn là đơn vị từng hợp tác với thầy trong thời gian thầy công tác ở Trường Âu Dương Lân. Cảm kích trước tấm lòng của vị hiệu trưởng đầy tâm huyết, chủ doanh nghiệp này đã hỗ trợ cho mỗi GV 500 nghìn đồng.
Đầu năm học 2012, doanh nghiệp này lại tiếp tục giúp đỡ mỗi GV một bộ đồng phục để thầy cô vui hơn trong ngày khai giảng. Công ty thực phẩm Kim Hà từ đó về sau là nhà hảo tâm luôn theo sát và hỗ trợ nhiều mặt cho HS cũng như các cán bộ, GV khó khăn của trường. Đây cũng là đơn vị cung cấp nguồn thực phẩm tươi sạch, chất lượng cao cho bếp ăn của nhà trường những năm gần đây.
Có thể nói, sự phối hợp của Trường TH An Phong cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong khu vực cũng như ban đại diện Hội cha mẹ HS là một điển hình cho thấy tính hiệu quả của mô hình xã hội hóa giáo dục.
Với những người lãnh đạo hết lòng với giáo dục như thầy hiệu trưởng Nguyễn Hoàng Phong, sẽ phát huy tối đa sự đóng góp thiết thực của các nguồn lực xã hội đối với giáo dục, góp phần mang đến môi trường học tập ngày một tốt hơn cho học sinh.
Đội bóng đá Trường TH An Phong |
HS nghèo của trường nhận quà đầu năm học mới |