(GD&TĐ) - "Nhà trường và gia đình làm gì để phát huy lòng nhân ái - Hạn chế hành vi bạo lực trong thanh thiếu niên hiện nay" là chủ đề hội thảo do Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam và Hà Nội tổ chức chiều 8/4 với sự diễn giải của Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa (Bhutan).
Bạo lực học đường thường bắt nguồn từ những gia đình không hạnh phúc |
"Trong thế giới hiện đại, phụ huynh vất vả làm việc kiếm tiền để cho con được học các trường tốt nhất, được đi du học Anh, Mỹ. Song chừng đó là chưa đủ, chúng ta quên mất rằng mình chưa dành thời gian cho con, để bày tỏ sự yêu thương, chia sẻ".
Trao đổi với GS Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) Nhiếp Chính Vương nhấn mạnh, phải nhìn thấy thực tế rằng xã hội càng phát triển thì người ta dường như càng bạo lực hơn. Bạo lực, trong đó có bạo lực học đường bắt nguồn từ sự tức giận và sự tức giận đó bắt nguồn từ sự sợ hãi, thiếu tự tin, thiếu hiểu biết. Các hành vi bạo lực thường xảy ra ở các gia đình thiếu hạnh phúc khiến tâm hồn các em bị đóng chặt, không mở ra được để có sự yêu thương, tha thứ và cảm thông. Mặt khác, cách giáo dục ép buộc trẻ nghe lời, in sâu vào trong tâm cũng sẽ bột phát thành hành vi bạo lực khi ra ngoài xã hội.
Trong cuộc sống hiện đại, con người ngày càng no đủ về vật chất song cũng ngày càng thờ ơ, vô cảm mới môi trường, đồng loại. Theo Ngài, cần phải làm gì để đánh thức lại những giá trị tốt đẹp như tình yêu thương, sự cảm thông?
- Cách nghĩ hạnh phúc không đến từ người khác mà đến từ chính mình là cách nghĩ hết sức vị kỷ, không quan tâm đến người khác. Cách nghĩ mình muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm, không quan tâm đến người khác ban đầu có thể mang đến cho người ta cảm giác tự do, nhưng sau đó, cùng với thời gian, bạn sẽ hiểu, nếu ta không quan tâm đến ai thì cũng không ai quan tâm đến mình. Tiếp theo đó sẽ là những cảm giác tiêu cực: cô đơn, buồn chán, hậm hực, không biết phải làm sao. Đối với những quốc gia châu Á, đặc biệt là quốc gia giàu truyền thống văn hóa như ở Việt Nam, việc thực hành Phật pháp sẽ giúp ta nhận ra rằng khi ta sẻ chia hạnh phúc với mọi người thì ta sẽ hạnh phúc hơn nữa. Khi ta quan tâm đến mọi người, ta sẽ không vướng vào những stress, cô đơn, khủng hoảng, sẽ có một cuộc sống an lạc.
Trong thế giới hiện đại, phụ huynh vất vả làm việc kiếm tiền để cho con được học các trường tốt nhất, được đi du học Anh, Mỹ. Song chừng đó là chưa đủ, chúng ta quên mất rằng mình chưa dành thời gian cho con, để bày tỏ sự yêu thương, chia sẻ. |
Ngài nhìn nhận thế nào về Internet và mạng xã hội Facebook?
- Cái nhìn của Phật giáo đối với Internet và Facebook cũng giống như đời thường, nghĩa là có cả mặt tốt và mặt xấu. Tốt hay xấu còn tùy thuộc vào động cơ của người sử dụng nó.
Nếu có một lời khuyên dành cho giới trẻ Việt Nam, Ngài sẽ nói điều gì?
- Giới trẻ hiện nay đang nhận, hoặc bị truyền một thông điệp sai lệch. Nhiều bạn trẻ đưa ra những lý tưởng sống không thực tiễn, họ hướng đến hình ảnh các ngôi sao trong những cuốn phim, có những cách sống như thần tượng điện ảnh của mình, hoàn toàn khác biệt với thực tại chúng ta đang sống.
Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa |
Vật chất rất cần thiết, nhưng cuộc sống này không chỉ vật chất mà còn nhiều giá trị khác nữa. Không phải ai trong chúng ta cũng là những triệu phú, những ngôi sao điện ảnh, nhưng việc không đạt được những điều ấy cũng không phải là không hạnh phúc. Tạo ra những giấc mơ không tưởng sẽ khiến nảy sinh nhiều vấn đề, như stress, bạo lực. Thông điệp tôi muốn gửi là học hành hành nghiêm túc, hướng tới trở thành những công dân tốt, đóng góp cho xã hội cũng như trở thành những người thành công. Nhưng chúng ta cũng nên đặt cho họ những áp lực trở thành hình mẫu mà xã hội đang đặt ra. Không đạt được những điều ấy không phải là chúng ta là những người thất bại, những người không hạnh phúc. Các bạn trẻ không chỉ là tương lai của đất nước mà là hiện tại của đất nước, mỗi hành động của các bạn ngay lập tức tác động đến cuộc sống.
Yến Anh (ghi)