Triển lãm ảnh nude đầu tiên ở Hà Nội khiến Nhiếp ảnh gia Dũng Art và cả những người mẫu của anh đều mong đợi.
Nhiếp ảnh gia cũng chia sẻ về loại hình nghệ thuật này, anh cho rằng hiện nay triển lãm nude có hội đồng nghệ thuật quốc gia thẩm định thì chắc chắn sẽ rất an toàn về nội dung. Ảnh nude nghệ thuật khác với ảnh dung tục, khỏa thân bảo vệ môi trường hay cởi truồng cưỡi ngựa phản cảm nên giới trẻ cũng sẽ tiếp cận nó dễ dàng hơn.
Dũng Art có nguyên tắc chụp ảnh riêng của mình, đặc biệt là với ảnh nude. Nhân vật trong tác phẩm của anh thường giấu mặt hoặc quay lưng. Dũng Art không chụp những người mẫu đã có chồng, người yêu. "Nhiều cô bảo tôi là họ tự nguyện, không để gia đình biết nhưng tôi nhất quyết không chụp. Tôi sợ lỡ sau này xảy ra chuyện, họ đổ vỡ hạnh phúc" - anh chia sẻ.
Gần đây, anh không thích chụp những cô gái trẻ mà chuyển sang single mum (mẹ đơn thân), tuổi tầm 30 đến 40 bởi anh không phải nghĩ về chuyện chồng họ phàn nàn. Nhiếp ảnh gia cũng cho rằng những bà mẹ đơn thân sau khi sinh nở, thân hình họ nhìn phồn thực, dung dị và rất đời.
Chia sẻ về cách nhìn nhận của vợ về việc chụp ảnh nude, Dũng Art cho biết: "Vợ tôi thuộc mẫu phụ nữ truyền thống, lại làm việc trong cơ quan nhà nước nên khó chấp nhận nghề tôi làm, thậm chí còn hình dung đủ mọi chuyện tiêu cực đằng sau. Ban đầu cô ấy phản đối, không thoải mái và thiếu tin tưởng khi thấy tôi trò chuyện với nhiều cô mẫu xinh". Và sau này, khi hiểu được công việc của chồng và thấy mọi người đón nhận những tác phẩm một cách nghiêm túc, vợ anh mới yên tâm.
Nhiếp ảnh gia Dũng Art cũng chia sẻ thêm: "Nude là loại hình nghệ thuật không thể chối bỏ. Nó cần sự bình đẳng như các thể loại khác. Cho nên, vấn đề này cần được minh bạch, công khai để công chúng tiếp nhận, đánh giá.
Một vấn đề khác là sự cám dỗ trong môi trường chụp ảnh, vẽ khỏa thân. Không thể phủ nhận một tác phẩm nude đẹp phải có nghệ thuật và sự lẳng lơ sắc dục. Tuy nhiên, yếu tố bản năng phải tiết chế, kiểm soát".