Nhưng sau một tuần đóng cửa, đến ngày 23/8, nước này vẫn ghi nhận số ca nhiễm tăng lên do sự lây lan nhanh của biến chủng Delta.
Nhờ lợi thế là biển đảo không có biên giới trực tiếp với nước khác, New Zealand đã thực thi chiến lược kiểm soát dịch cực kỳ nghiêm ngặt và phong tỏa diện rộng ngay khi phát hiện có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Kể từ đầu dịch, đất nước 5 triệu dân này đã thành công và là hình mẫu của thế giới khi mới ghi nhận tổng cộng hơn 3.000 ca nhiễm.
New Zealand duy trì được điều kiện đáng mơ ước không có Covid liên tục trong suốt 6 tháng cho đến khi phát hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng tại Auckland, hôm 17/8 vừa qua. Thủ tướng Jacinda Ardern lập tức cho kích hoạt lệnh tái phong tỏa toàn quốc và nhấn mạnh sự mạnh tay sớm là “cơ hội duy nhất” để ngăn sự lây lan của virus biến chủng.
Tuy nhiên, sau hơn một tuần thì đợt lây lan mới tại New Zealand vẫn chưa có dấu hiệu được khống chế, bất chấp các biện pháp cứng rắn. Bộ trưởng Y tế Chris Hipkins thừa nhận rằng, biến chủng Delta đang thách thức chiến lược kiểm soát dịch của họ. Thực tế này buộc New Zealand phải tính toán lại cách thức chống dịch theo hướng “không Covid” mà họ theo đuổi.
Diễn biến khó lường của đợt lây nhiễm mới cũng khiến chính phủ của Thủ tướng Ardern bị phe đối lập chỉ trích. Họ cho rằng, nội các của bà là tự mãn với những thành công chống dịch ban đầu nên chậm chạp trong việc tiêm vắc-xin. Hiện, New Zealand mới tiêm phòng đầy đủ cho 19% dân số, tỷ lệ thấp nhất trong số các quốc gia phát triển trên thế giới.
Quốc gia láng giềng trong khu vực của New Zealand là Australia cũng từng khiến thế giới thán phục khi duy trì việc gần như không có Covid lây lan trong suốt nhiều tháng. Nhưng tình hình đã thay đổi hoàn toàn kể từ ngày 11/7 vừa qua, khi họ phát hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng tại Sydney và làn sóng dịch bắt đầu bùng phát dữ dội.
Chỉ riêng trong ngày 22/8, Australia đã ghi nhận gần 700 ca nhiễm mới, chủ yếu tại ổ dịch Sydney. Biến thể Delta lây lan nhanh và dễ dàng đang thực sự khiến hiệu quả của chiến lược chống dịch bằng cách siết phong tỏa sớm của Australia bị lung lay. Trong khi đó, thủ hiến bang New South Wales dự báo vào tuần cuối của tháng 8 sẽ còn chứng kiến số ca nhiễm tăng cao hơn nữa.
Một trong những nguyên nhân khiến Australia gần như thất bại trong việc khống chế ổ dịch Sydney là do chiến dịch tiêm chủng cũng đang gặp tình trạng bị chậm như nước láng giềng New Zealand. Tính đến ngày 21/8 mới chỉ có 28% dân số trên 16 tuổi được tiêm đầy đủ vắc-xin tại Australia, tỷ lệ cũng được coi là khá thấp trong số các quốc gia phát triển.
Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết sẽ tiếp tục chiến lược phòng dịch bằng phong tỏa nghiêm ngặt và cân nhắc thay đổi khi tỷ lệ tiêm chủng đại trà đạt ít nhất 70% dân số. Tuy nhiên, để đạt được tỷ lệ này sẽ cần một khoảng thời gian không ngắn, trong khi biến chủng Delta đã ngấm sâu trong cộng đồng tại Australia.
Theo các chuyên gia, với tốc độ lây lan của biến chủng Delta thì việc đưa Australia trở lại điều kiện sạch bóng Covid như trước đây dường như là một “nhiệm vụ bất khả thi”.
Trong khi đó, một số hình mẫu chống dịch khác như Singapore và Đài Loan từng theo đuổi cách tiếp cận “sạch bóng Covid” cũng đã thay đổi sang sống chung với virus bằng đẩy mạnh tiêm chủng.