Nhen nhóm hạnh phúc tới trường bằng tình yêu thương và sẻ chia

GD&TĐ - Chương trình GDPT 2018 mang đến luồng sinh khí mới cho giáo dục Đắk Lắk.

Một tiết học của học sinh cấp THCS huyện Krông Bông, Đắk Lắk. Ảnh: TT
Một tiết học của học sinh cấp THCS huyện Krông Bông, Đắk Lắk. Ảnh: TT

Niềm vui, niềm hạnh phúc mỗi ngày đến trường của học sinh được đội ngũ nhà giáo ở các trường học nhen nhóm bằng tình yêu thương và sự sẻ chia.

Phát huy vai trò chủ động của giáo viên

Trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2015 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025, địa phương này coi việc đổi mới GD&ĐT là một trong những nhân tố quan trọng. Theo ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, đến nay, sự nghiệp đổi mới giáo dục đã đạt được những tín hiệu tích cực. Trong đó, đội ngũ nhà giáo đã được bồi dưỡng chuyên môn đầy đủ, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Cô Nguyễn Thị Ngân Hà, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Hùng Vương (huyện Krông Ana) tâm sự, khi thực hiện Chương trình mới, giáo viên được trao quyền chủ động hơn. Từ đó, mỗi người sẽ phát huy được những năng lực, nghệ thuật sư phạm đặc trưng, giúp học sinh tìm thấy niềm vui và đam mê học tập.

“Bên cạnh chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, giáo viên cần sử dụng kinh nghiệm thực tiễn vào từng bài dạy, tiết dạy, hoạt động giáo dục. Đặc biệt, đối với công tác chủ nhiệm lớp, luôn kiên trì, nhẫn nại và dành tình yêu thương lớn cho các em”, cô Hà chia sẻ.

Cũng theo cô Hà, nghiên cứu kỹ hồ sơ, hoàn cảnh từng học sinh sẽ là giải pháp hữu hiệu trong ứng xử ở môi trường sư phạm. “Thực tiễn cho thấy, đôi khi chỉ vì không hiểu hoàn cảnh, thầy cô vô tình đụng chạm đến nỗi buồn của các em. Với những em có hoàn cảnh đặc biệt như bố mẹ ly hôn, mồ côi bố hoặc mẹ… tôi luôn dành sự quan tâm nhiều hơn. Bởi, các em chịu thiệt thòi so với bạn cùng lớp”, cô Hà chia sẻ.

Chung quan điểm, thầy Hồ Quang Đạo, Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Krông Bông) tâm sự, khi được trao quyền chủ động, thầy cô sẽ tự gắn trách nhiệm cá nhân với trách nhiệm của tập thể.

“Những học sinh có hoàn cảnh éo le, thường nhút nhát, thu mình trong cả sinh hoạt hàng ngày lẫn học tập, ít giơ tay phát biểu. Do đó, nếu giáo viên không quan tâm, động viên thường xuyên, các em sẽ càng xa cách thầy cô, bạn bè và ngại học, kết quả học không tốt. Đây là lúc các em cần thầy cô nhất. Đôi khi chỉ cần lời động viên, sự sẻ chia kịp thời, các em sẽ tìm thấy niềm vui, động lực đến trường”, thầy Đạo nói.

Lý giải thêm về điều này, cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên môn Ngữ văn (Trường THPT Hùng Vương) cho rằng, mỗi giáo viên nói chung, giáo viên chủ nhiệm nói riêng cần phát huy hơn nữa vai trò “cầu nối” giữa gia đình, nhà trường và xã hội. “Trước hết, xây dựng môi trường học tập thân thiện, lớp học hạnh phúc. Thường xuyên tổ chức các hoạt động vui tươi, bổ ích. Chủ động phối hợp nắm bắt tư tưởng, tình cảm học sinh từ nhiều nguồn, nhiều phía. Giải quyết các vấn đề nảy sinh đối với từng em một cách tế nhị, khách quan”, cô Huyền nói.

Học sinh THCS tại TP Buôn Ma Thuột tham gia hoạt động ngoại khóa. Ảnh: TT

Học sinh THCS tại TP Buôn Ma Thuột tham gia hoạt động ngoại khóa. Ảnh: TT

Không còn là “khẩu hiệu”

Cô Phan Thị Bích Mười, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh (TP Buôn Ma Thuột) cho biết, sau 3 năm triển khai Chương trình GDPT 2018, môi trường giáo dục trong nhà trường đã có sự thay đổi toàn diện, tích cực.

Đến nay, Trường THCS Lương Thế Vinh có cảnh quan trường, lớp xanh, sạch, đẹp. Từ cổng trường, đến phòng học, phòng bộ môn, thư viện, nhà vệ sinh được trang trí gọn gàng, hiện đại. Tường rào bao quanh được giáo viên, học sinh chung tay tạo thành những bức họa mang đậm sắc màu văn hóa Tây Nguyên.

“Trong những năm qua nhà trường đã chú trọng xây dựng nhiều chương trình thực hành giáo dục kĩ năng sống, giá trị sống cho học sinh như phòng chống bạo lực học đường, nói không với ma túy và chất gây nghiện, an toàn trên không gian mạng. Cạnh đó, các chuyên đề hoạt động ngoại khóa, STEM… tạo hứng thú cho học sinh đến trường”, cô Mười chia sẻ.

Theo cô Mười, Chương trình GDPT 2018 đã thổi luồng sinh khí mới cho nhà trường. Học sinh đều có cơ hội phát triển phẩm chất, năng lực riêng biệt và được vinh danh ở từng lĩnh vực. Điều này tạo cho các các em sự hào hứng, không có cảm giác tự ti là mình chưa học giỏi môn này, yếu môn kia.

Tự hào khi được là học trò của Trường THCS Lương Thế Vinh, em Hoàng Xuân Khải (lớp 8) tâm sự: “Em mới chuyển đến đây từ đầu năm học 2023 - 2024. Ban đầu em đã xin ba mẹ chuyển đi trường khác. Nhưng sau khi được cô Hiệu trưởng và các thầy cô đến tận nhà tâm sự, chia sẻ những điều hay, em đã thay đổi. Nay em thấy rất tự hào vì được thầy cô dạy dỗ, được cùng các bạn và thầy cô tham gia nhiều hoạt động, trò chơi bổ ích”.

Theo cô Nguyễn Thị Xuân Hương, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Đắk Lắk), chương trình đã mở ra cơ hội để thầy và trò nhà trường xây dựng môi trường giáo dục hạnh phúc.

Em Trịnh Ngọc Thanh Tú - lớp 11A1 (Trường THPT Lê Quý Đôn) đại diện học sinh nhà trường tâm sự, thật sự may mắn và tự hào khi được học tập ở một ngôi trường mà mỗi thầy cô giáo như người mẹ hiền.

“Khuôn viên trường lớp xanh, sạch, đẹp. Mỗi góc cây, ghế đá đến lớp học đều gọn gàng, ngăn nắp. Nhà vệ sinh luôn thơm tho sạch sẽ. Đặc biệt, các hoạt động luôn có sự hòa đồng giữa thầy cô với học sinh. Những điều này khiến chúng em rất hào hứng mỗi khi đến trường”, Thanh Tú hồ hởi khoe.

Cô Lê Thị Thanh Vân - Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương khẳng định: “Chương trình GDPT 2018 đã thực sự giảm áp lực cho học sinh. Chúng tôi xây dựng kế hoạch giáo dục bám sát thực tiễn. Không đặt nặng thành tích đối với cả giáo viên và học sinh, khích lệ tình yêu nghề, yêu trò trong mỗi giáo viên.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng tăng cường các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm hướng nghiệp, văn hóa văn nghệ, giúp học sinh được rèn kỹ năng sống, được vui chơi. Tạo cho các em cảm nhận, đến trường không chỉ học tập tiếp thu kiến thức mà còn là nơi gặp gỡ vui chơi cùng bạn bè, thầy cô”.

Theo thống kê, Đắk Lắk có 1.009 trường học từ mầm non đến THPT, gồm: 328 trường mầm non, 382 trường tiểu học, 239 trường THCS, 60 trường THPT với 15.578 lớp, nhóm lớp. Tổng số trẻ mầm non, học sinh phổ thông là 484.185 em. Trong đó, học sinh dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khoảng 34%. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hiện đang làm việc trong toàn ngành là 36.154 người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...