Xem nhẹ hình thức
Đến thời điểm này, các nhà làm phim Việt dường như vẫn chưa chịu đầu tư cho khâu hóa trang. Họ cũng không mấy quan tâm đến tạo hình của nhân vật trên phim ra sao.
Vì thế mới có chuyện khán giả ôm bụng cười khi được xem một nữ nhân vật khóc lóc thảm thiết trên phim với những giọt nước mắt... chảy ngang nhưng khuôn mặt "cứng đơ", không có cảm xúc.
Có lẽ trước khi đóng cảnh khóc lóc, nữ diễn viên dùng nước nhỏ mắt hơi nhiều nên “nước mắt” cũng chảy đủ chiều ngang, dọc...
Nhân vật ông già sửa xe đạp thì nhất định phải có chiếc điếu cày kè kè bên cạnh. Nếu bộ phim với chủ đề thôn quê bây giờ thì nhất định nhân vật phải “diện” áo bà ba màu nâu, quần lụa màu đen, “khá” hơn thì cũng là những chiếc áo hoa vạt đuôi tôm...
Tóm lại, tạo hình phải thật cổ điển, đậm chất thôn quê thì mới ra chất... gái quê.
Ảnh minh họa, nguồn Internet. |
Buồn cười hơn, nhân vật B bị đau chân bên phải nhưng chỉ một lúc sau lại thấy anh ta tập tễnh chân bên trái.
Chưa hết, tạo hình chung dành cho nhân vật phản diện thì lúc nào cũng phải đầy đủ những yếu tố: râu quai nón, đeo kính đen, mặc áo đen, mặt mũi góc cạnh và phải tỏ ra... nguy hiểm.
Trong nhiều bộ phim, rất ít khi diễn viên được tự lồng tiếng. Cách làm phổ biến này có mặt tốt là “chuyên nghiệp hóa”, khắc phục được tình trạng nhiều diễn viên diễn xuất được nhưng giọng nói không đạt yêu cầu như đã nói, song, lại để lộ nhiều hạn chế, thậm chí phản nghệ thuật.
Đôi khi khán giả xem phim nhiều nên những họ “quen tai” với những đội lồng tiếng chuyên nghiệp, thậm chí có người lồng tiếng cho đủ các loại nhân vật: già, trẻ, chính diện, phản diện, tích cực, tiêu cực…
Nhiều khi người xem bắt gặp không ít chuyện khôi hài: vừa ở kênh A, giọng diễn viên X vào vai một nhân vật chính diện, đáng kính thì ngay sau đó ở kênh B, cũng giọng ấy lại lồng cho 1 vai phản diện.
Do số lượng diễn viên lồng tiếng thạo nghề có hạn, dường như quanh đi quẩn lại ước chừng chỉ vài chục người cả nam lẫn nữ mà họ phải lồng cho rất nhiều nhân vật, ở rất nhiều bộ phim.
Nói một cách khách quan, hiện nay phim Việt không thiếu kịch bản hay, lại càng không thiếu diễn viên giỏi, nhưng chỉ vì lối mòn trong cách lồng tiếng và hóa trang mà nhận được nhiều điểm trừ không đáng có. Nếu cứ duy trì cách làm việc như trên, phim Việt khó mà đạt đến độ chân thực chứ chưa nói đến mức độ tinh tế.
Hiện nay, nhiều bộ phim truyền hình Việt không gây được thiện cảm với khán giả bằng “tiếng” thì về phần “hình” cũng không khá hơn. Vấn đề ở chỗ các nhà làm phim không chịu va chạm thực tế mà chỉ đi theo một lối mòn có sẵn, khó mà phù hợp với hoàn cảnh thực tại.
Thiếu cầu nối cảm xúc
Hầu hết các nhà làm phim thích đổ lỗi cho hoàn cảnh, do những khó khăn, hạn chế về điều kiện kỹ thuật mà phim truyền hình của ta hiện nay chưa thể đáp ứng những mong mỏi của khán giả.
Nhưng vì yêu phim Việt Nam và cũng vì tinh thần ủng hộ sản phẩm nội nên nhiều khán giả nhất định không chuyển kênh ngay cả khi có những bộ phim ngoại hấp dẫn được phát sóng cùng thời điểm.
Lợi thế đồng ngôn ngữ với khán giả nên phim truyền hình Việt có thể cạnh tranh với phim ngoại. Nhưng có vẻ như sự tự tin này lại mang đến hiệu ứng ngược vì phần lớn khán giả đều có cảm nhận lời thoại trong phim truyền hình Việt đều có “vấn đề”, nói cách khác, những cuộc đối thoại trên phim khó tránh khỏi cảm giác gượng gạo, giống như đang diễn kịch.
Thế mới thấy vì sao phim ngoại khi được phát trên màn ảnh nhỏ của Việt Nam, người ta vẫn phải giữ nguyên tiếng nói của diễn viên cho dù đã có thuyết minh tiếng Việt. Ngôn ngữ tạo nên chiếc cầu nối cảm xúc giữa nhân vật với khán giả, yếu tố này vô cùng quan trọng. Và cho dù bất đồng ngôn ngữ nhưng khán giả vẫn có thể đồng cảm với nhân vật thông qua việc nhận biết biểu cảm của nhân vật qua lời thoại.