Nhật ký tiết học Văn: Ước mơ

GD&TĐ - Chúng không còn là học trò mà đã là bạn, hay cũng có thể là thầy, cô của tôi. Có lẽ, mọi thứ đã thay đổi nếu ta lắng nghe các em nhiều hơn.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Và rồi từ cuộc nói chuyện giữa viên đại tá và viên trung sĩ Hô-lit trong truyện ngắn “Chất làm gỉ” của Rây Bret-bơ-ry (Ngữ Văn 7 - Cánh Diều, NXB Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh) các trò đã nhận ra được ước mơ cao cả, đẹp đẽ, giàu tính nhân văn của anh trung sĩ khi anh tạo ra chất làm gỉ để phá hủy hàng loạt phương tiện, vũ khí chiến tranh.

Anh có dự định đi khắp châu Mỹ, châu Âu, mang chất làm gỉ để chấm dứt chiến tranh.

Cuối tiết tôi bảo các em lấy giấy, làm bài kiểm tra khoảng 15 phút. Một phút im lặng. Không gian yên ắng. Tiếng hỏi nhau râm ran, cả những ánh mắt dò xét khi tôi viết đề bài lên bảng: “Ước mơ của em”.

Thưa cô: “Chúng em sẽ được viết mọi thứ chứ ạ!”

Thực ra học trò không chờ câu trả lời. Cả cô và trò đang cắm đầu vào giấy.

- Em mơ sau này mình sẽ trở thành một cô giáo dạy văn, được thướt tha trong tà áo dài và nói lời “Cô chào tất cả các con” giống như cô vào mỗi buổi lên lớp.

- Em mơ ước sau này em được làm bác sĩ cứu giúp mọi người như bố của em. Bố cũng đã hứa cho em đôi kính đó khi em lớn.

- Em mong sau này mình là luật sư, em sẽ bảo vệ quyền lợi cho những người lương thiện, vô tội.

- Em muốn mình trở thành nhà ngoại giao giỏi. Nếu mọi thứ được giải quyết bằng con đường thương thuyết thế giới sẽ không còn cảnh đổ máu vô ích và Biển Đông mãi là chủ quyền thiêng liêng của chúng ta.

- Em sẽ trở thành một phi hành gia. Bố em thường nói: “Con trai là phải nuôi khát vọng khám phá, chinh phục những vùng trời mới”.

- Khi em nhìn thấy hình ảnh giáo sư Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fieli – giải thưởng Toán học danh giá nhất thế giới, cả Tổ quốc như được vinh danh, Em mơ ước mình cũng làm được như thế.

- Em ước mình trở thành một cầu thủ bóng đá nổi tiếng, tham gia thi đấu ở khu vực và thế giới, được hát vang bài Quốc ca Việt Nam trước khi bóng lăn.

Tôi đọc từng mẩu giấy một. Có những câu trả lời ngắn gọn hơn, tôi xếp một bên. Thỉnh thoảng lại có vài câu dài dòng, văn vẻ hơn của mấy cây chuyên văn tôi xếp sang một bên.

- Sao mỗi lần em bị tắc đường muộn học, cô thầy cứ nghĩ em kiếm cớ? Sao thầy cô không tin chúng em như chúng em luôn tin vào thầy, cô? Sau này, em mơ ước mình trở thành một kiến trúc sư đô thị để quy hoạch giao thông, để không còn cảnh tắc đường nữa.

- Mẹ ơi! Xin mẹ đừng so sánh con với Nam, Hưng hay bất cứ ai khác. Nam có thể trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng; Hưng có thể là một lập trình viên giỏi và con ước gì mình sẽ là cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp.

Mẹ đừng buồn, đừng thất vọng mỗi khi con lần lừa hoặc thi thoảng vắng mặt trong các lớp học thêm để đứng ngoài sân bóng. Ước gì một lần thôi mẹ đọc được những dòng này và mua cho con một đôi giày thể thao con ưng ý.

- Bóng tối lấp đầy dần trong mắt. “Ngày đông ngắn như một cái tặc lưỡi”. Bà vẫn nói như vậy mỗi ngày. Nếu bà nhìn thấy ánh đèn sáng rực của thành phố về đêm, bà có còn nói như vậy không? Em ước gì mình có thật nhiều tiền để không chỉ thắp ánh sáng trong mắt bà mà còn thắp sáng các con đường quê để cho mùa đông bớt lạnh lẽo và côi cút hơn.

- Em sẽ lắp một chiếc pin thu năng lượng Mặt trời để ngày nắng gắt không còn nỗi lo cúp điện - Nếu em được trở thành người có quyền lực.

- Có thể một ngày, nơi chúng ta đang sống, nơi cha mẹ, ông bà, tổ tiên ta vất vả đấu tranh, gây dựng, xây đắp sẽ chìm vào lòng đại dương, không một ai còn biết đến chúng ta nữa. Đã biết trước điều đó tại sao mỗi chúng ta không làm gì thiết thực để mẹ Trái đất thôi giận dữ.

Hãy làm tất cả những gì có thể từ những việc nhỏ nhất ngay từ lúc này. Em ước mong mọi người ý thức được điều đó để bớt những nỗi đau như những cơn bão đã tràn qua Phi - líp – pin, như những quả núi đã đổ xuống tại các công trình thủy điện của đất nước ta.

- Mẹ đặt lá đơn li dị lên bàn. Quay mặt lặng lẽ. Mẹ có trăm ngàn lý do chính đáng để làm điều đó. Làm sao con có quyền ngăn mẹ. Nhưng mẹ ơi! Còn có một lý do nữa: Bố đang rưng rưng nước mắt, nói lời xin lỗi mẹ từ tận đáy lòng. Bố đã thay đổi. Bố + Mẹ = Con, phương trình đó có nghiệm là hạnh phúc. Con đang chứng minh và khao khát điều đó. Cùng cố gắng lên bố mẹ nhé.

Những dòng chữ vẽ vào không gian, vọng vào thinh không. Vậy là ngày mai tôi có thể phải lỗi hẹn với các con. Tôi có thể trả bài mà không thể cho điểm. Chúng không còn là học trò mà đã là bạn, hay cũng có thể là thầy, cô của tôi. Có lẽ, mọi thứ đã thay đổi nếu chúng ta lắng nghe các em nhiều hơn nữa.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Người lái đò thầm lặng

Cô đến lớp dạy bao điều ý nghĩa

Nét chữ nghiêng, mái tóc dịu dàng

Bàn tay nhỏ gấp từng trang giáo án

Bụi phấn bay trong tà áo thu sang.

Rồi cứ thế! Bao con đò cập bến

Trò cứ lớn lên và cô lại già đi

Trong lớp học có bao điều muốn nói

Cứ bâng khuâng hứa hẹn vào mùa sau .

Cô không hỏi rằng ai từng biết nhớ

Biết hàm ơn sâu nặng nghĩa tình

Cô chỉ đứng lặng thầm sân trường vắng

Nhìn trò ngoan chắp cánh ước mơ xanh

Và mãi mãi người lái đò thầm lặng

Gieo niềm thương, nỗi nhớ đến mai sau…

(Phạm Lê Nhã Kỳ - lớp 7/3 Trường THCS Lê Văn – TP Hà Tĩnh)

Cây lộc vừng

Cây lộc vừng trước ngõ

Thu về tỏa sắc hương

Một màu hoa rực rỡ

Tựa như ngọn nến hồng.

Gió nhè nhẹ qua thềm

Cánh hoa bay trong nắng

Lá vàng hòa sắc thắm

Thu qua tự bao giờ.

Cây lộc vừng vẫn nở

Âm thầm và yêu thương

Cây có nghe trong gió

Lời thì thầm mùa sang?

Lấp lánh trên cành xanh

Những mầm non hé nụ

Sức sống cây ấp ủ

Để nhuộm đỏ sắc trời.

(Phan Thủy Tiên, Lớp 7A6 – Trường THCS Lê Văn Thiêm - TP Hà Tĩnh)

Tác giả Dương Thị Huyên hiện công tác tại Trường THCS Lê Văn Thiêm, TP Hà Tĩnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ