Nhật Bản nổi giận vì Nga tập trận trên đảo tranh chấp

Nhật Bản tuyên bố cuộc tập trận quân sự của Nga trên quần đảo tranh chấp ở Thái Bình Dương là "không thể chấp nhận được", sau khi Moscow điều 1.000 binh sĩ cùng nhiều vũ khí hiện đại đến đây.

Nhật Bản nổi giận vì Nga tập trận trên đảo tranh chấp
nga1-7529-1407918844.jpg

Quân đội Nga trong một cuộc tập trận trên biển. Ảnh minh họa: RIA Novosti

Theo Reuters, quần đảo trên được Nga gọi là Nam Kuril và Nhật Bản gọi là Lãnh thổ Phía bắc. Nga chiếm quần đảo này vào những ngày cuối cùng của Thế chiến II.

"Việc tiến hành kiểu tập trận này ở Lãnh thổ Phía bắc là hoàn toàn không thể chấp nhận được", Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói. "Chúng tôi sẽ phản đối mạnh mẽ thông qua Bộ Ngoại giao".

Trước đó, đại tá Alexander Gordeyev, phát ngôn viên Quân khu phía Đông của Nga, hôm qua cho hay các đơn vị quân sự trong khu vực này đã được triển khai đến quần đảo Kuril để bắt đầu cuộc tập trận tại đây. Sự kiện có sự tham gia của hơn 1.000 binh sĩ, 5 trực thăng tấn công Mi-8AMTSh cùng 100 loại vũ khí quân sự khác.

Tokyo từng phản đối trước khi cuộc tập trận của Nga bắt đầu, nhưng sẽ lặp lại quan điểm này, một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết.

Tranh chấp quần đảo Nam Kuril đã khiến quan hệ giữa Tokyo và Moscow xấu đi kể từ khi Thế chiến II kết thúc và khiến hai nước không thể ký kết một hiệp ước hòa bình chính thức. Nó cũng làm suy yếu nỗ lực của Thủ tướng Abe nhằm cải thiện quan hệ với nước Nga giàu tài nguyên khoáng sản, một khía cạnh quan trọng trong chính sách ngoại giao của ông.

Nhật Bản vẫn áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, những biện pháp này nằm ở mức nhẹ hơn so với yêu cầu của đồng minh Washington.

Trong năm đầu tiên tại nhiệm, ông Abe đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin 5 lần, trong khi từ chối các cuộc gặp với lãnh đạo các nước láng giềng Trung Quốc hay Hàn Quốc.

Mối quan hệ giữa Tokyo và Moscow đang bị điều phối bởi những nguồn lợi chung về năng lượng. Nga dự kiến gấp đôi lượng dầu khí xuất sang châu Á trong 20 năm tới, trong khi Nhật Bản buộc phải viện đến các nguồn nhập khẩu dầu mỏ lớn để thay thế năng lượng hạt nhân khi các lò phản ứng đã bị đóng cửa.

map-5366-1407918844.jpg

Bản đồ vị trí quần đảo tranh chấp Kuril giữa Nga và Nhật Bản. Đồ họa: Foreign policy blogs

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ