Mẹ đơn thân nghèo khó mở đầu cho vòng xoáy trẻ nghèo ít học - một hình thức bất bình đẳng xã hội…
Gánh nặng nuôi con
Trong những cuộc li hôn, phụ nữ Nhật đặc biệt thiệt thòi. Họ thường phải làm những công việc bán thời gian hoặc lương thấp bởi trước đó đã nghỉ làm để nuôi con và vì thế rất khó tìm những công việc toàn thời gian và lương cao. Hiện tại, Nhật Bản có tỉ lệ mẹ đơn thân tham gia lực lượng lao động cao nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) - ở mức 85%.
Việc làm với lương thấp dẫn tới tình trạng nghèo khó. Tỉ lệ nghèo ở gia đình có bố hoặc mẹ đơn thân dù đang làm việc vẫn lên tới 56% - tỉ lệ cũng ở mức cao nhất trong OECD (tỉ lệ này ở Mỹ là 33,5%).
Số mẹ đơn thân tại Nhật Bản đang tăng và nước này sẽ cần có những thay đổi lớn giúp họ vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Số mẹ đơn thân tăng 72% trong giai đoạn từ 1983 - 2011 khi tình trạng li hôn diễn ra phổ biến. Có 1,2 triệu mẹ đơn thân trong năm 2011, theo một khảo sát của chính phủ.
Shinobu Miwa, mẹ đơn thân 45 tuổi, tìm được một công việc thư kí bán thời gian trong một chương trình chính phủ được gọi là Hello Work - chương trình giúp những người gặp trở ngại tham gia lực lượng lao động. Hiện tại Miwa làm 5 tiếng/ ngày nhưng vẫn có thể trang trải đủ tiền thuê nhà, lương thực, học phẩm và các khoản chi khác mà cậu con trai 13 tuổi cần.
“Chính sách của nước Nhật thay đổi theo hướng cần xoá bỏ mặc định rằng một gia đình có 2 người nuôi nấng con cái” - Miwa trò chuyện trong khi cậu con trai mắc hội chứng tự kỉ làm bài tập toán trong căn phòng bên cạnh.
Bày tỏ của Miwa và những mẹ đơn thân khác tại Nhật minh họa cho thực tế là tỉ lệ li hôn tăng nhưng khả năng kinh tế của phụ nữ vẫn ở mức tối thiểu. Li hôn tăng vọt tại Nhật khi phụ nữ không còn dễ cam chịu hành vi lừa dối, lạm dụng của chồng cũng như đòi hỏi vô lí là vợ phải hy sinh sự nghiệp vì chồng con - theo Jeff Kingston, giảng viên Đại học Temple.
Vòng xoáy của học sinh nghèo
Sau li hôn, phụ nữ muốn trở lại làm việc chỉ có thể nhận được những công việc thu nhập thấp hơn 30% so với nam giới. Thu nhập thấp cũng một phần bởi phụ nữ phải dành thời gian nhiều hơn nuôi dạy con. Điều này dẫn tới vòng xoáy nghèo - ít học - nghèo sang thế hệ con cái.
Trẻ có mẹ đơn thân chiếm một phần lớn trong số trẻ nhà nghèo tới mức thiếu ăn. Theo khảo sát của báo Asahi, hiện có 319 căng tin trẻ em phục vụ bữa tối miễn phí hoặc giá thấp tại Nhật Bản - tăng từ 21 căng tin năm 2013.
Nghèo đói tại Nhật thường bị giấu nhẹm bởi có thể dẫn đến xấu hổ hoặc bị phân biệt đối xử. Các gia đình thường cắt bớt thực phẩm và nhu cầu thiết yếu khác để dành tiền cho đứa trẻ ăn mặc tươm tất bằng bạn bằng bè, tránh bị nhìn nhận có gia cảnh nghèo hèn.
Những đứa trẻ như vậy có thể có điện thoại thông minh nhưng không có tiền để mua một hộp nước hoa quả 100 yên (1 USD) hay tham gia một chuyến dã ngoại trường học - theo Setsuko Ito, người đứng đầu một nhóm hỗ trợ trẻ nghèo tại quận có đa số người lao động sinh sống, Arakawa (Tokyo).