Trước đó, Nhật Bản đặt mục tiêu vào năm 2020 tiếng Anh sẽ trở thành môn bắt buộc cho học sinh lớp 5 và 6 thay cho tiết “hoạt động ngoại ngữ” hiện nay chỉ dạy trẻ kĩ năng nói và nghe. Tuy nhiên “cơ sở hạ tầng” hiện có rất hạn chế để hiện thực hóa những kỳ vọng trên…
“Hạ tầng” đáng lo
Hồi tháng 10 năm nay, chia sẻ của một giáo viên cho thấy khả năng Anh ngữ của học sinh yếu ở mức khó tin. Vị giáo viên này đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy vở của một học sinh trường công ở phía Tây Nhật Bản viết sai chính tả những từ quá đơn giản, ví dụ “read” (đọc) thành “reed”, hay “write” (viết) thành “werit” – những lỗi mà học sinh lớp đầu tiểu học cũng khó mắc.
Điều đáng lưu ý là ngôi trường này nằm trong nhóm “trường điểm” mà Bộ Giáo dục đầu tư để nhân rộng trong chương trình GD Anh ngữ mới. Ngoài dạy nghe và nói trong tiết “hoạt động ngoại ngữ” dành cho học sinh lớp 5 và 6 hiện tại, trường đã bắt đầu dạy đọc và viết để chuẩn bị cho “kịch bản” đưa tiếng Anh thành môn chính khoá. Giáo viên đứng lớp ở trường này đã có khoảng 20 năm kinh nghiệm dạy tiếng Anh ở tiểu học và THCS.
Hầu hết giáo viên tiểu học, những người được giao nhiệm vụ dạy Anh ngữ đều không được học cách dạy Anh ngữ trong chương trình học sư phạm ở trường đại học. Kể từ năm 2014, việc đào tạo giáo viên quốc gia mới bắt đầu với khoảng 1.000 giáo viên “hạt nhân” được đào tạo đến năm 2018.
Số giáo viên này sẽ trở thành giảng viên dạy lại cho giáo viên “hạt giống” từ khoảng 20.000 trường tiểu học trên cả nước trong các khoá học ngắn hạn 14 tiếng tiết. Những giáo viên “hạt giống” trở về trường và sẽ truyền đạt kiến thức ít ỏi mà họ thu nạp được cho khoảng 400.000 giáo viên tiểu học.
Khó thực hiện
Với nhiều chuyên gia giáo dục thì đào tạo kiểu “lan tỏa” này là phi thực tế bởi nhiều giáo viên “hạt giống” vẫn đang phải gánh trách nhiệm công việc giảng dạy và không thể gánh thêm trách nhiệm “đứng lớp” dạy đồng nghiệp, chưa tính tới việc họ có đủ năng lực giảng dạy hay không.
Quyết định cải cách dạy Anh ngữ được đưa ra bởi hệ thống dạy Anh ngữ hiện tại không đạt được mục tiêu của chính phủ là giúp học sinh đủ kĩ năng đàm thoại và tranh luận bằng tiếng Anh.
Trước sự toàn cầu hoá kinh tế nhanh chóng, Bộ Giáo dục đứng trước áp lực nâng cao kĩ năng Anh ngữ quốc gia. Nhưng tranh luận về vấn đề này trong những năm 1990 cho thấy nhiều người phản đối dạy Anh ngữ ở tiểu học bởi họ cho rằng trẻ sẽ bị lẫn lộn khi mà tiếng mẹ đẻ còn chưa thành thạo.
Năm 2002, Bộ Giáo dục đưa tiết Anh ngữ vào trường tiểu học nhưng không phải là môn bắt buộc mà là môn lựa chọn. Năm 2011, tiết học này chuyển thành tiết “hoạt động ngoại ngữ” với mục tiêu chính là mang tới cho học sinh lớp 5 và 6 cơ hội cho học tiếng Anh trong một môi trường “đời thường hơn”, như hát hoặc chơi trò chơi.