Nhật Bản: Dùng truyện tranh dạy trẻ ứng phó với thảm họa

GD&TĐ - Sử dụng truyện tranh để dạy trẻ sẵn sàng đối phó với thảm họa - đang phổ biến tại Nhật Bản. Nội dung truyện tranh giải thích về cơ chế động đất, dạy cách thức sơ tán khi có động đất, nhấn mạnh tầm quan trọng chăm sóc tâm lí cho trẻ bị ảnh hưởng bởi thảm họa…  

Nhật Bản: Dùng truyện tranh dạy trẻ ứng phó với thảm họa

Truyện dưới dạng “Hỏi – Trả lời”

“Bạn sẽ làm gì nếu động đất xảy ra khi bạn đang ngủ?” - Câu hỏi đặt ra với trẻ tại một trường mẫu giáo tại khu vực Akatsuka, tỉnh Itabashi, Tokyo, trong một hoạt động đặc biệt - cô giáo đọc lớn cuốn truyện tranh về thảm họa. Hoạt động này có sự tham gia của khoảng 100 trẻ từ 1 đến 5 tuổi.

Cuốn sách dành cho trẻ mầm non do Zenrosai, Liên đoàn quốc gia bảo hiểm người lao động biên soạn và xuất bản. Cuốn sách minh họa những việc cần làm khi xảy ra động đất dưới dạng “hỏi và trả lời”.

Ví dụ, trả lời câu hỏi ứng phó thế nào nếu động đất xảy ra khi đang ngủ hoặc ăn, trẻ đua nhau thét to câu trả lời như “dùng gối che đầu” và “trốn dưới bàn và ôm lấy chân bàn” trong khi nhìn vào hình minh họa trong sách.

Theo Tổng biên tập Sonoko Isozaki của EhonNavi Corp., trang web thông tin về truyện tranh, nội dung các cuốn truyện tranh giáo dục ứng phó thảm họa mô tả cơ chế gây ra các thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần, núi lửa phun trào, bão, và cũng đề cập tới hậu quả khủng khiếp.

Nhiều truyện tranh có nội dung hậu quả thảm họa động đất sóng thần kinh hoàng năm 2011. “Những cuốn sách được viết dựa trên trải nghiệm và đúc rút kinh nghiệm của những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa” – Isozaki nói.

Một trong những cuốn truyện tranh mà Isozaki thích thú giới thiệu là “Bước đi bộ việt dã của Hanachan”. Câu chuyện kể về những đứa trẻ tại Trường Mẫu giáo Nodamura, làng Noda, quận Iwate – nơi chịu thiệt hại nặng bởi thảm họa 2011. Tác giả Kyoko Ube chính là một người dân làng. Ngôi trường này bị quét trôi sau sóng thần nhưng toàn bộ 90 em được đưa tới nơi an toàn. Cuộc sơ tán kịp thời tới vùng đất cao là nhờ các bài diễn tập sơ tán khỏi thảm họa được tổ chức hàng tháng.

Hàn gắn nỗi đau

Có cuốn truyện tranh mang thông điệp giúp hàn gắn nỗi đau tâm lí cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi thảm họa. Trung tâm giữ trẻ Kodomo Hattatsu, thành phố Kumamoto, biên soạn một cuốn truyện tranh có tiêu đề “Sau tất cả, nhà mình là số 1” hồi tháng 5/2016. Nội dung sách trả lời những câu hỏi nhận được sau trận động đất Kumamoto tháng 4/2016 và đưa ra lời khuyên về những vấn đề như “Con tôi sợ hãi và không chịu về nhà”, “Con tôi đêm tối lại sợ hãi và khóc thét”…

Cuốn truyện tranh kể câu chuyện cậu bé 5 tuổi sau thảm họa phải trú tạm 2 tuần trong một chiếc xe hơi và sau đó sợ phải trở về nhà.

Một cán bộ trung tâm cho biết: “Cuốn truyện tranh này có thể giúp phục hồi tâm lí cho nạn nhân thảm họa khi nêu ra một cách chân thật những trạng thái tâm lí mà con người muốn giấu kín như sợ hãi, lo lắng…”.

Cuốn sách có thể được tải miễn phí từ trang web của chính quyền Kumamoto.

Kei Suyama, giảng viên Đại học Bách khoa Tokyo và thành viên Hiệp hội Nghiên cứu Truyện tranh, nhận xét: Trẻ có thể thực hiện khả năng đối mặt với tình trạng khẩn cấp nhờ kiến thức và hình ảnh thu nhận được qua truyện tranh. “Phụ huynh cần hội thoại với con để mở rộng thêm kiến thức cho trẻ qua những cuốn sách truyện tranh GD thảm họa này” – cô nói.

Zenrosai đã tổ chức các buổi đọc to truyện tranh giáo dục thảm họa tại các cơ sở chăm sóc trẻ mầm non trên toàn quốc từ tháng 5/2015. Tính đến cuối năm ngoái, các buổi đọc được tổ chức tại 37 cơ sở với 5.197 trẻ tham gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ