Trước nguy cơ chiến tranh hạt nhân hiện hữu, trang web an ninh dân sự của Nhật Bản - Cổng thông tin Bảo vệ Dân sự Văn Phòng Nội các – đã cảnh báo rằng nếu bị tấn công, tên lửa Triều Tiên sẽ đánh trúng nước này “trong một khoảng thời gian rất ngắn”, đồng thời đưa ra những chỉ dẫn để người dân bảo toàn tính mạng.
Tờ Japan Times dẫn thông tin do trang web trên cung cấp cho biết, một quả tên lửa sẽ bay qua khoảng cách 1.600km giữa hai nước và đi vào lãnh thổ Nhật Bản trong vòng 10 phút.
Sau khi công bố các chỉ dẫn, số lượng người truy cập vào website này trong tháng 4 đã gia tăng kỷ lục, gấp 6 lần so với hồi tháng 3, đạt 2,6 triệu lượt. Đây chính là dấu hiệu cho thấy người dân Nhật Bản đang lo ngại về nguy cơ chiến tranh hạt nhân bùng phát.
Trong trường hợp bị Triều Tiên tấn công, chính phủ Nhật Bản khuyên người dân bình tĩnh di chuyển tới tòa nhà bê tông vững chãi nhất ở gần đó, nằm thấp xuống sàn nhà hoặc dưới một cái bàn.
Tại Oskava, chính quyền thành phố này thậm chí còn phát cảnh báo riêng tới cư dân. Thị trưởng Osaka Hirofumi Yoshimura nhắc nhở người dân thực tế chỉ có chưa đầy 10 phút để tìm nơi trú ẩn.
Ông Yoshimura lý giải: “Một quả tên lửa có thể không bị phát hiện ngay khi nó rời bệ phóng… điều này có thể mất vài phút. Tùy thuộc vào tình huống, các cảnh báo và chuông báo động có lẽ chỉ được phát đi 4 – 5 phút trước khi quả tên lửa đến”.
Nếu vụ tấn công xảy ra vào một ngày đi học, ông Yoshimura khuyên học sinh không nên rời khỏi lớp học mà hãy chui xuống gầm bàn.
Bên cạnh đó, tại Nhật Bản còn có một dịch vụ đặc biệt tên J-Alert, để chuyển thông điệp khẩn cấp tới các công dân. Nếu có nguy cơ bị không kích tên lửa, hệ thống này sẽ gửi tin nhắn cảnh báo tới giới chức địa phương thông qua vệ tinh, điện thoại và mạng máy tính.
Còn người dân sau đó sẽ nghe thấy thông báo trên loa phóng thanh, bản tin khẩn cấp trên TV và đài phát thành hoặc cảnh báo trên điện thoại di động.
Tháng 3 vừa qua, chính phủ Nhật Bản lần đầu tổ chức diễn tập dân sự tại quận Akita, mô phỏng tình huống sơ tán hơn 100 người trong một vụ tấn công tên lửa.
Không chỉ phòng vệ dân sự, cuối tuần qua hai tàu khu trục của Nhật Bản đã gia nhập nhóm tàu tấn công của Mỹ do siêu hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson dẫn đầu, hướng tới vùng biển ngoài khơi Bán đảo Triều Tiên để tập trận dò tìm và đánh chặn tên lửa và vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Trong những tuần gần đây, các nước Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản liên tục gia tăng nỗ lực ngăn chặn Triều Tiên thực hiện các hành động khiêu khích, trong đó có việc các nhà lãnh đạo của những nước này đã đưa ra nhiều thông điệp cảnh báo tới Triều Tiên.