(GD&TĐ) – Nhật Bản còn 48 giờ để kiểm soát cuộc khủng hoảng hạt nhân đang leo thang mau chóng trước khi đối mặt với thảm họa “tồi tệ hơn Chernobyl” như người ta nói vào đêm qua (16.3).
Các quan chức về an toàn hạt nhân ở Pháp cho biết họ “bi quan” về việc các kỹ sư có thể ngăn chặn một sự tan chảy tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima sau khi bể chứa các cần nhiên liệu quá nóng và khô cạn.
Đêm qua, mức phóng xạ đã ở mức “cực kỳ cao” trong tòa nhà, nơi đã bị thủng bởi một vụ nổ trước đó, điều này có nghĩa là phóng xạ có thể thoát ra ngoài khí quyển. Công ty Điện Tokyo, chủ sở hữu nhà máy điện hạt nhân, cho biết có 5 công nhân đã bị thiệt mạng tại hiện trường, 2 người mất tích và 21 người bị thương.
Lò phản ứng hạt nhân số 4 tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima bị hỏng |
Đêm qua, một lãnh đạo về an toàn hạt nhân Mỹ nói rằng chính phủ Nhật Bản đã không biết hết sự nghiêm trọng tại nhà máy Fukushima và những lời cảnh báo tới công dân của mình là chưa đủ và đã giảm bớt sự nghiêm trọng.
Ông Gregory Jaczko, chủ tịch Ủy ban luật lệ hạt nhân Mỹ, cảnh báo rằng nếu mức phóng xạ “rất cao” mà tăng lên thì công nhân không thể nào tiếp tục tiến hành “các biện pháp sửa chữa” tại nhà máy vì họ buộc phải bỏ chạy.
Hành khách đông đúc tại sân bay quốc tế Mar Haneda để rời Nhật Bản giữa nỗi lo phóng xạ |
Văn phòng ngoại giao Anh đã phản ứng trước tình hình này bằng cách khuyến cáo tất cả công dân Anh rời khỏi Tokyo và phía bắc Nhật Bản. Cộng đồng châu Âu đã thúc giục các nước thành viên kiểm tra phóng xạ đối với thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản. Nhật hoàng Akihito đã có một bài phát biểu hiếm hoi trước toàn dân, thúc giục người Nhật đoàn kết, và nói rằng “Tôi hy vọng mọi thứ không trở nên tồi tệ hơn”.
Một phụ nữ cố gắng nắm bàn tay của người mẹ quá cố trong đống đổ nát ở nơi từng là nhà của bà tại Rikuzentakata |
Hôm qua, các nhà chức trách đã tính số người thiệt mạng từ trận động đất và sóng thần hôm thứ 6 tuần trước là 4.314 người, trong đó 8.606 người vẫn đang mất tích.
Không nhà ở và chịu sự giá lạnh, những người dân tụ tập lại ở Otsuchi |
Trong khi đó, hàng ngàn người chờ được hỗ trợ thực phẩm tại các vùng xa xôi nhất của thảm họa, nơi đây tuyết bắt đầu rơi xuống khiến tình cảnh càng trở nên bi đát. Tuy nhiên, mọi con mắt đều hướng về nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi khi các nhà chức trách Nhật thừa nhận những lo lắng về nhiệt độ trong 3 bể chứa cần nhiên liệu đang tăng lên.
Ông Thierry Charles, một quan chức tại Viện an toàn hạt nhân và bảo vệ phóng xạ (IRSN) của Pháp cho biết: “48 giờ tiếp theo sẽ quyết định. Tôi thấy bi quan vì kể từ hôm chủ nhật, tôi thấy hầu như không có biện pháp nào hiệu quả” – Ông mô tả tình hình này là “một mối nguy lớn” và khả năng lớn nhất có thể xảy ra khi phóng xạ thoát ra sẽ ngang với vụ Chernobyl – một thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraina ngày 26.4.1986 khiến 57 người chết tại chỗ và 4.000 người khác chết vì ung thư.
Máy bay trực thăng Nhật Bản tiến hành tưới nước vào lò phản ứng ở Fukushima |
Lầu năm góc đã ra lệnh cho các lực lượng vũ trang đến Nhật Bản để giúp các nỗ lực cứu trợ, phải rút khỏi nhà máy hạt nhân 80km, xa gấp 4 lần so với mức giới hạn mà chính phủ Nhật đưa ra.
Giám đốc Cơ quan năng lượng hạt nhân quốc tế IAEA, ông Yukiya cho biết tình hình “rất nghiêm trọng” và tuyên bố sẽ bay đến Nhật để xem xét tình hình.
Phương Hà (Theo Telegraph)