Nhật Bản: Các trường chú trọng tổ chức dã ngoại trong khu vực

GD&TĐ - Trong bối cảnh Covid-19 lan rộng, các trường học tại Nhật Bản quyết định cho phép học sinh dã ngoại tới những địa điểm an toàn và gần khu vực, với thời gian lưu trú ngắn ngày.

Học sinh đến từ tỉnh Iwate tham quan tại Bảo tàng Tưởng niệm Sóng thần Iwate ở Rikuzentakata.
Học sinh đến từ tỉnh Iwate tham quan tại Bảo tàng Tưởng niệm Sóng thần Iwate ở Rikuzentakata.

Hầu như tất cả chuyến dã ngoại được lên kế hoạch cho mùa xuân năm nay đều bị các trường hủy bỏ. Nhiều chuyến đi dự kiến diễn ra vào​ mùa thu cũng bị hoãn. Trong khi đó, một số trường tại Nhật Bản bắt đầu xem xét lại việc hủy bỏ. Bởi, ngày càng có nhiều lời kêu gọi từ chính phủ và những người khác về việc giúp học sinh có những kỷ niệm đẹp thông qua dã ngoại.

Để giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19, các trường học quyết định tổ chức chuyến đi một hoặc hai ngày - ngắn hơn so với trước khi đại dịch bùng phát. Các trường chủ yếu có xu hướng tránh cho trẻ đến các khu vực đô thị. Thay vào đó, họ chọn di tích lịch sử hoặc danh lam thắng cảnh gần trường. 

Được coi là một phần trong nỗ lực ngăn ngừa dịch bệnh, một số trường học chọn thuê thêm xe buýt và phòng tại các cơ sở lưu trú, bằng cách sử dụng trợ cấp từ chính quyền địa phương và quỹ tiết kiệm Go To Travel của chính phủ.

Trường tiểu học Sanno ở Morioka, tỉnh Iwate, đã thay đổi điểm đến dã ngoại sang các địa điểm trong khu vực, như Chusonji - một ngôi chùa Phật giáo là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận. Trường cũng chọn các khu vực bị tàn phá bởi trận động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011.

Học sinh của trường cũng đã đến thăm Bảo tàng Tưởng niệm Sóng thần Iwate ở Rikuzentakata. Mina Nakamura (11 tuổi) - học sinh lớp 6 tại trường, chia sẻ: “Mặc dù khá bất ngờ khi trường thay đổi điểm đến, nhưng em rất vui vì được ở đây”.

Chia sẻ về chuyến dã ngoại này, Toshinobu Goto - lãnh đạo Trường Tiểu học Sanno cho biết: “Đối với trẻ em lớp 6, chuyến đi là cột mốc trong cuộc đời học sinh tiểu học của các em, và tôi rất vui vì tất cả học sinh đều tham gia”.

Bảo tàng sẽ chào đón khoảng 200 trường học vào tháng 3 năm sau, tăng gấp 5 lần so với năm 2019. Trong khi đó, Hokkaido’s Upopoy - một trung tâm mở cửa vào tháng 7 năm nay ở thị trấn Shiraoi để giới thiệu văn hóa của người bản địa Ainu, cũng là một điểm đến nổi tiếng trong bối cảnh đại dịch.

Học sinh từ hơn 350 trường đã đến thăm trung tâm, hầu hết đến từ Hokkaido. Một quan chức cho biết: “Đó là cơ hội để mọi người chú ý tới các điểm địa phương.

Bảo tàng Hòa bình Chiran ở thành phố Minamikyushu, tỉnh Kagoshima cũng đang thu hút rất nhiều du khách từ trong tỉnh. Bảo tàng trưng bày các vật phẩm của quân đội Nhật Bản trong Thế chiến II.

Ngược lại, số lượng các chuyến dã ngoại đến thủ đô Tokyo đã giảm mạnh. Theo thống kê, có khoảng 50.000 học sinh và giáo viên đã huỷ phòng tại các khách sạn lớn ở Tokyo.

“Tôi nghĩ rằng, thủ đô Tokyo sẽ không ghi nhận những chuyến dã ngoại của các trường vào lúc này” - một nhân viên khách sạn nhận định.

Kyoto - khu vực cũng là một điểm đến nổi tiếng, đã ghi nhận các chuyến dã ngoại giảm 2/3 so với những năm trước. Bên cạnh đó, Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima ở thành phố Hiroshima - nơi bị ném bom nguyên tử, cũng có sự sụt giảm về số lượng chuyến dã ngoại. Số lượng bài giảng của “hibakusha” - những người sống sót sau trận ném bom nguyên tử, cũng giảm xuống chưa đến 10 bài so với năm ngoái.

Junko Yokoya - một nhân viên của bảo tàng, bày tỏ sự tiếc nuối trước tình huống này. Người này đồng thời lưu ý rằng, bảo tàng sẽ cho học sinh “cơ hội quý giá” để tìm hiểu về hòa bình. Trước bối cảnh đại dịch, bảo tàng hiện bắt đầu phát trực tuyến và cử giảng viên đến các trường. Động thái này là nỗ lực tiếp cận với mọi người trong bối cảnh khủng hoảng.

Trong khi đó, chính quyền tỉnh Nara đang gửi quà lưu niệm địa phương cho những học sinh không thể đến khu vực này dã ngoại do đại dịch. Một quan chức tỉnh cho biết: “Chúng tôi hy vọng có thể duy trì mối quan hệ để Nara sẽ là một trong những ứng cử viên cho các điểm đến dã ngoại, sau khi đại dịch được kiểm soát”.

Theo Japan Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ