Nhập nhèm xuất xứ hoa quả, người tiêu dùng nhận “trái đắng”

Nhập nhèm xuất xứ hoa quả, người tiêu dùng nhận “trái đắng”

Vài năm trở lại đây, người tiêu dùng Việt bắt đầu e ngại khi mua hoa quả có xuất xứ từ Trung Quốc. Thế nhưng hiện giờ loại hoa quả này hằng ngày vẫn được nhập về chợ đầu mối và bày bán ở các chợ dân sinh dưới mác hàng Việt Nam.

Do đâu mà hoa quả Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt?

Khi xuất hiện thông tin rằng táo, quýt, cam, lựu… của Trung Quốc bị phát hiện có dư lượng hóa chất không phép vượt ngưỡng thì người Việt đã bắt đầu có tâm lý e dè.

Đi vòng quanh các chợ dân sinh như chợ Đồng Xa (Mai Dịch, Hà Nội), chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) có thể thấy hoa quả Trung Quốc vẫn được bày bán chủ yếu là táo, đào, dâu tây, nho… được gắn mác hàng Việt với các tên gọi như táo đường, đào Mộc Châu, dâu tây Đà Lạt, nho Ninh Thuận,... với giá thành rất rẻ. Đơn cử táo đường, giá bán buôn ở chợ đầu mối chỉ khoảng 18.000 đồng/kg; trái đào trung bình có giá từ 20.000-30.000 đồng/kg.

Chị Bùi Thị Bình (khu đô thị Ngoại giao đoàn, Hà Nội) chia sẻ, từ hai năm nay chị đã tuyệt đối không mua các loại hoa quả Trung Quốc như táo, nho, quýt, đào. Mặc dù có giá rẻ hơn, quả đẹp hơn nhưng nghe nói hoa quả Trung Quốc tẩm ướp hóa chất độc hại để cả tháng cũng không hỏng nên chị không dám mua về cho gia đình ăn. 

Dâu tây Trung Quốc đang ngập tràn chợ dân sinh cũng như chợ mạng với quả to, đều, màu đỏ tươi được đóng trong từng khay, hộp nhỏ được giới thiệu là dâu nhà kính VIP với giá 45.000 đồng/hộp 24 quả khoảng 500gr. Chị Linh (Trung Hòa, Cầu Giấy) cho biết, chị bán trên mạng xã hội trung bình mỗi ngày được khoảng 10kg dâu tây loại này.

Dâu tây có nguồn gốc không rõ ràng được bán tràn lan trên mạng xã hội với lời giới thiệu giòn, ngon, ngọt, dùng để ăn với sữa chua hoặc xay sinh tố

Một người bán hàng ở chợ Đồng Xa (Mai Dịch, Hà Nội) cho rằng, người tiêu dùng tẩy chay hoa quả Trung Quốc vì lo sợ có chứa nhiều chất bảo quản nên buộc họ phải tránh nói hoặc không nói đến hàng Trung Quốc, nếu không sẽ không bán được hàng.

“Hoa quả Trung Quốc giá thành rẻ, mẫu mã đẹp nên tôi vẫn ưu tiên qua chợ đầu mối để lấy hàng và ngày nào cũng bán được gần hết. Một vài khách hàng biết rõ là hoa quả Trung Quốc nhưng họ vẫn mua về để thắp hương hoặc kinh doanh nước ép, trà đào, sinh tố dâu tây…”, người bán hàng nói.

Chị Trần Hương, một tiểu thương tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) cho biết, năm nay hoa quả từ bên kia biên giới được vận chuyển về đây ít hơn so với năm ngoái. Dân bán hoa quả vẫn hay đến chỗ chị để lấy sỉ táo đường, đào và dâu tây về bán ngoài chợ dân sinh. Chị Hương còn tiết lộ thêm rằng hiện giờ hoa quả Trung Quốc phần nhiều được chuyển tới các quán nước, nhà hàng, khách sạn để làm nước ép, sinh tố hay đồ tráng miệng,…

“Dân mình giờ họ tinh lắm, hoa quả Trung Quốc bán ở chợ là họ nhận ra luôn”, chị Hương cho hay.

Trái cây nội “đột lốt” hàng Thái

Do tâm lý sính ngoại của nhiều người tiêu dùng, nên nhiều loại trái cây trong nước lại phải “đóng giả” hàng ngoại để hấp dẫn người mua.

Mặc dù đang là chính vụ trái cây Việt Nam nhưng ở khắp các chợ truyền thống ở Hà Nội như chợ Đồng Xa, chợ Nghĩa Tân, chợ Nhân Chính đang ngập tràn trái cây Thái Lan như măng cụt, bòn bon, nhãn, xoài, me,…

Các sản phẩm từ Thái Lan cũng có giá cao hơn so với trái cây Việt. Cụ thể, măng cụt Thái có giá 50.000 - 70.000 đồng/kg, cao hơn hàng Việt 10.000 -15.000 đồng/kg. Bòn bon Thái loại 1 có giá tới 100.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với hàng trong nước. Xoài, chôm chôm, nhãn Thái Lan có giá dao động 30.000 - 60.000 đồng/kg tùy điểm bán và chất lượng.

Cô Ngân Đông, một tiểu thương ở chợ đầu mối Long Biên cho biết, năm nay cô chỉ nhập măng cụt và bòn bon Thái Lan chứ không có hàng Việt Nam vì hàng Thái Lan chất lượng đồng đều, vị ngọt nên đã được người tiêu dùng Việt ưa chuộng mấy năm gần đây.

Người không sành mua bán khó có thể phân biệt măng cụt Thái Lan và Việt Nam thông qua vẻ ngoài của loại quả này

Chị Nguyễn Thị Phương kinh doanh hoa quả tại chợ Đồng Xa (Mai Dịch, Hà Nội) cũng cho biết, mấy năm gần đây chị chỉ bán cho khách hàng măng cụt, bòn bon, xoài Thái chị lấy từ chợ Long Biên, còn trái cây nội thì không đủ để chuyển ra ngoài này. Mỗi ngày chị bán hết khoảng 40 - 50kg măng cụt Thái Lan còn bòn bon chỉ bán được khoảng 10kg do ở ngoài Bắc ít người biết ăn loại trái cây này.

Tuy nhiên, cô Thu ở chợ Nghĩa Tân (Hà Nội) lại khẳng định đang đầu mùa trái cây, măng cụt Việt Nam còn nhiều nên không có chuyện nhập nhiều hàng Thái Lan như vậy.

“Măng cụt Việt Nam chỉ có giá 40.000 - 50.000 đồng/kg còn măng cụt Thái Lan giá cao hơn những 10.000 - 15.000 đồng/kg, giờ mà lấy nhiều về thì bán không hết. Những quả nào to, đẹp thì họ quảng cáo là hàng Thái Lan để được giá còn quả nào xấu mã hơn chút họ nói là măng cụt Việt Nam”, cô Thu nói.

Việt Nam và Thái Lan có nhiều mặt hàng trái cây cùng chủng loại, ví dụ như măng cụt, bòn bon, sầu riêng… do đó, nhiều thương lái muốn bán được hàng giá cao và thu hút được nhiều người tiêu dùng nên đã “mượn” mác Thái Lan gắn vào trái cây Việt.

Các tiểu thương buôn bán lâu năm cho biết, bên cạnh trái cây Thái Lan vào Việt Nam theo đường chính ngạch thì có rất nhiều sản phẩm đi theo đường tiểu ngạch và chất lượng không đảm bảo.

Theo số liệu được cơ quan chức năng cung cấp, trong quý I/2020, trái cây Thái Lan xuất sang Việt Nam ít hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, ở chiều ngược lại, trái cây Việt sang Thái nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước.

Do đó, người tiêu dùng cần cảnh giác để tránh rơi vào cảnh" tiền mất tật mang”.

Theovov.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

GD&TĐ - Các nhóm quân Nga từ phía đông, phía nam và phía bắc đang thắt chặt vòng vây quanh nhóm quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở thành phố Kurakhove.