Tăng tốc chuyển đổi số
Trường học đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng, tăng cường ứng dụng công nghệ trong giảng dạy; học sinh, phụ huynh tiếp cận dịch vụ giáo dục qua nền tảng số… là những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Đến nay, chuyển đổi số không chỉ phục vụ việc dạy, học mà mở rộng trong công tác điều hành; là kênh thông tin kết nối hiệu quả giữa nhà trường - gia đình - xã hội.
Tại TP Trà Vinh (Trà Vinh), chuyển đổi số ngành Giáo dục là điểm sáng. Phòng GD&ĐT TP Trà Vinh đã chủ động triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong dạy, học; giúp giáo viên, học sinh, phụ huynh tiếp cận dịch vụ giáo dục qua nền tảng số. Trang thông tin điện tử của phòng GD&ĐT và các trường là kênh truyền thông, giao tiếp giữa ngành và phụ huynh, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên, học sinh áp dụng giáo dục số vào giảng dạy, học tập và giải quyết các vấn đề liên quan.
Các trường học trên địa bàn TP Trà Vinh còn thực hiện chuyển văn bản trên hệ thống iOffice với 100% văn bản đi - đến được xử lý qua môi trường mạng, sử dụng chữ ký số đảm bảo thuận tiện và thực hiện tốt mục tiêu số hoá, liên thông trao đổi văn bản điện tử giữa phòng - trường và các cơ quan, đơn vị tại địa phương. Các văn bản điện tử của đơn vị được phát hành, lưu trữ (quản lý văn bản đi và đến) trên hệ thống.
Theo ông Trịnh Thanh Phong - Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Trà Vinh, các trường sử dụng phần mềm quản lý trường học làm nền tảng dữ liệu cho ngành, đáp ứng yêu cầu liên thông với cơ sở các cấp. Bên cạnh đó, nhà trường cung cấp dịch vụ giáo dục cho học sinh, phụ huynh như: Học bạ, sổ điểm, sổ liên lạc điện tử… Phòng đã triển khai sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành tích hợp chữ ký số, học bạ, thư viện điện tử, quản lý hồ sơ chuyên môn trên môi trường, chữ ký số.
Theo đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh, hiện 100% trường THPT của tỉnh triển khai phần mềm thư viện điện tử; phần mềm quản lý trường học vnEdu. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy học đã đem lại hiệu quả khả thi. Điển hình như công nghệ dịch vụ lưu trữ đám mây trong thực hiện ký duyệt hồ sơ, sổ sách, kế hoạch bài dạy trực tuyến. Đây là cuộc cách mạng công nghệ trong giáo dục; giúp nhà trường tiết kiệm chi phí in ấn hồ sơ, hoạt động quản lý, xét duyệt giáo án thuận tiện mọi lúc, mọi nơi thông qua thiết bị thông minh.
Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi số trong các trường học ở tỉnh Trà Vinh chưa mang tính tổng thể, đồng bộ. Nhiều trường học còn lúng túng trong chuyển đổi chữ ký số, sử dụng học bạ điện tử… Do đó, năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục tỉnh tăng cường chỉ đạo các trường đẩy mạnh ứng dụng công cụ, phần mềm chuyển đổi số, phát huy hiệu quả giáo án điện tử, xây dựng bài tập tương tác trực tiếp với học sinh nhằm cải thiện chất lượng nội dung truyền đạt, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin giúp nâng cao chất lượng giáo dục.
Học sinh Trường THCS Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Ảnh: Q. Ngữ |
Linh động triển khai
Ngành Giáo dục tỉnh Cà Mau chú trọng ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong thực hiện các nhiệm vụ giảng dạy, vận hành, quản lý… giúp người dạy và người học phát huy khả năng tư duy, sáng tạo, sự chủ động và đạt hiệu quả. Chuyển đổi số không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục còn giúp giáo viên có thêm thời gian cho chuyên môn, sát sao hơn với học sinh...
Trường THPT Thới Bình (Thới Bình, Cà Mau) thuộc địa bàn vùng khó nhưng chuyển đổi số lại là điểm sáng. Trong quản lý, điều hành, trường sử dụng phần mềm vnEdu SMAS, cơ sở dữ liệu ngành; phần mềm tập huấn bồi dưỡng thường xuyên của Bộ GD&ĐT, công cụ đánh giá ETEP, TEMIS; phần mềm kế toán tài chính MISA, quản lý tài sản, hỗ trợ kê khai thuế; giao dịch kho bạc, phần mềm quản lý thư viện, soạn thời khóa biểu bằng phần mềm TKB, phần mềm quản lý công văn đi, đến; Sử dụng Zalo, Facebook, SMS để chuyển tải, truyền đạt nội dung thông tin đến cán bộ giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh...
Theo thầy Hoàng Văn Sum - Hiệu trưởng nhà trường, chuyển đổi số trong giáo dục hướng đến nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và quản lý. Chuyển đổi số đã, đang và sẽ là yêu cầu bắt buộc để các cơ sở giáo dục thực hiện đúng kế hoạch tiến độ, chất lượng đào tạo… góp phần đào tạo nhân lực chất lượng, bảo đảm cho phát triển kinh tế.
Bước đầu triển khai chuyển đổi số còn khó khăn, Trường THPT Ðầm Dơi (huyện Đầm Dơi, Cà Mau) linh động thực hiện phù hợp với điều kiện nhà trường. Ðể chuẩn bị cho cán bộ, giáo viên tiếp xúc và sử dụng phần mềm chuyển đổi số, nhà trường mở nhiều lớp đào tạo để hỗ trợ kỹ năng, hướng dẫn từng bước sử dụng phần mềm.
Thời gian đầu, một số ít cán bộ, giáo viên phản ứng, không đồng tình thực hiện, đặt ra nhiều khúc mắc. Nhưng rồi từng vấn đề được giải quyết thoả đáng, thấy được hiệu quả, lợi ích mang lại nên 100% cán bộ, giáo viên nhà trường đang tích cực thực hiện.
Ông Lê Hoàng Dự - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau cho biết: Nhận thức về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số của một số cán bộ, giáo viên trong ngành Giáo dục chưa đầy đủ nên khi triển khai còn lúng túng, vướng mắc. Nguồn nhân lực công nghệ thông tin ở nhiều cơ sở giáo dục hạn chế; cộng thêm khó khăn về kinh phí đã làm tiến độ thực hiện một số mục tiêu chậm…