Đẩy mạnh công khai, tăng hiệu lực quản lý chuyển đổi số trong trường học

GD&TĐ - Năm học này, TP Hà Nội xác định đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số là mục tiêu, giải pháp để tăng hiệu lực quản lý, nâng chất lượng GD.

Hà Nội khánh thành Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh. Ảnh: Vân Anh
Hà Nội khánh thành Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh. Ảnh: Vân Anh

Hiệu quả trong giảng dạy

Với tinh thần tự học, sẵn có khả năng công nghệ thông tin (CNTT), cô Ðào Thị Nhung - Trường Mầm non Ánh Sao (quận Cầu Giấy) đã tạo ra 20 bài giảng E-learning. Trong đó, một số bài tiêu biểu như: Biến đổi khí hậu, bàn tay robot, kỹ năng thoát hiểm khi có hỏa hoạn và bài tập củng cố về kỹ năng bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại.

Ngoài ra, cô thiết kế kho dữ liệu với 500 bài giảng điện tử, các bài giảng trực tuyến, bộ 53 kỹ năng sống cho trẻ với mục đích đa dạng các loại vật liệu, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phù hợp từng chủ đề để trẻ vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào xây dựng môi trường, kích thích phát triển toàn diện.

Còn tại Trường Tiểu học Thạch Xá (huyện Thạch Thất), cô Đỗ Thị Bích Hòa áp dụng thành công các kiến thức CNTT trong đổi mới, sáng tạo dạy học Lịch sử với mô hình lớp học đảo ngược. Sau khi áp dụng, mỗi tiết học Lịch sử không còn là giờ học khô khan mà trở nên hấp dẫn, lý thú với học sinh.

Cùng đó, cô Hòa triển khai mô hình “Lớp học không biên giới”. Học sinh khi tham quan, giao lưu với bạn bè cùng trang lứa ở trong nước hay quốc gia khác sẽ có điều kiện để tìm hiểu, mở mang hiểu biết văn hóa nước bạn, hình thành động lực mạnh mẽ trau dồi ngoại ngữ.

Ngoài ra, cô Hòa xây dựng thư viện trực tuyến với hàng trăm cuốn sách, truyện tham khảo, thu hút học trò đến với sách trong các tiết học Văn hóa đọc. Trang web được triển khai đến 100% lớp học của Trường Tiểu học Thạch Xá và các trường trong huyện Thạch Thất; nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao của đông đảo phụ huynh, giáo viên và học sinh.

Tại Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa), thầy Nguyễn Văn Vĩ có nhiều sáng kiến đổi mới trong dạy học môn Vật lý, đặc biệt là ứng dụng CNTT vào giảng dạy. Thầy luôn chủ động học hỏi, tiếp cận nền giáo dục phát triển trên thế giới và áp dụng sáng tạo, hiệu quả vào bài dạy, giúp học sinh không bị lạc hậu với công nghệ trong thời đại 4.0.

Qua kênh Trung tâm giáo dục của Microsoft, thầy Vĩ tự học hỏi kiến thức về công nghệ với nội dung: Tự động hóa, Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT). Những công nghệ này khi áp dụng vào giảng dạy giúp học sinh hứng thú hơn với bài học, tập trung nghe giảng, hăng hái phát biểu xây dựng bài.

Áp dụng CNTT trong quản lý giáo dục cũng đem lại nhiều kết quả tích cực. Theo bà Phạm Đàm Thục Hạnh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai, những năm qua, phòng triển khai xây dựng và quản lý hệ thống báo cáo bằng phần mềm chuyển - nhận văn bản; chuyển đổi hình thức gửi, nhận báo cáo số liệu sang hình thức trực tuyến.

Thực hiện quản lý trường học tới 100% cơ sở giáo dục trên nền tảng cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, 100% trường tiểu học, THCS thuộc quận sử dụng sổ điểm học bạ điện tử; triển khai ứng dụng CNTT kết nối, tương tác, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với nhà trường bằng nền tảng miễn phí như: Email, ứng dụng trên thiết bị di động và website giáo dục.

Giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ kiến thức về áp dụng CNTT trong giảng dạy. Ảnh: Vân Anh

Giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ kiến thức về áp dụng CNTT trong giảng dạy. Ảnh: Vân Anh

Tiên phong chuyển đổi số

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Giáo dục Hà Nội có quy mô lớn nhất cả nước với hơn 2.800 trường học, gần 2,3 triệu học sinh. Ngành Giáo dục Thủ đô xác định đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm và quyết tâm tiên phong. Theo đó, sở đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT, nhà trường ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng; tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để nâng cao nhận thức, kỹ năng và phương pháp.

Đến nay, điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành Giáo dục Thủ đô được bảo đảm. 100% trường học có hệ thống mạng LAN, kết nối Internet; sử dụng đồng thời nhiều đường truyền Internet của nhà cung cấp khác nhau để bảo đảm kết nối không gián đoạn; kết hợp đa dạng, linh hoạt phần mềm dạy học trực tuyến.

Ngành Giáo dục Hà Nội đã xây dựng bài giảng truyền hình, kho bài giảng điện tử dùng chung trên hệ thống học và thi trực tuyến. Thông qua hệ thống này, thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hơn 96 nghìn học sinh lớp 12 và 104 nghìn học sinh lớp 9 có đợt khảo sát chất lượng hiệu quả, giúp các em đạt kết quả tốt khi tham gia kỳ thi chuyển cấp.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chương trình chuyển đổi số, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số vào quản lý, giảng dạy và học tập. Một trong những giải pháp trọng tâm là xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Sau khi thẩm định, các học liệu được tích hợp vào kho của ngành (http://study.hanoi.edu.vn). Có khoảng 300 nghìn học liệu (gồm ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, bài giảng điện tử, video...) đóng góp vào kho học liệu và còn tăng lên. Kho học liệu này có ý nghĩa lớn đối với thầy, cô giáo, học sinh và cả phụ huynh trong việc tự học, đánh giá.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ phát triển mạng giáo dục trên cơ sở mở rộng và nâng cấp hệ thống quản lý ngành Giáo dục điện tử hiện có, cho phép kết nối giữa học sinh - giáo viên - phụ huynh - nhà trường - nhà quản lý giáo dục; kết nối các thành phần xã hội có khả năng cung cấp dịch vụ giáo dục với người có nhu cầu; kết nối học sinh thành các tổ, nhóm học tập, phụ huynh cùng lớp, trường.

Một trong những giải pháp quan trọng của ngành GD-ĐT Hà Nội năm học mới là tăng cường hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số và chuẩn bị các điều kiện cần thiết, quyết tâm tổ chức tuyển sinh trực tuyến từ năm học 2024 - 2025. Giải pháp này nhằm tăng tính minh bạch, công khai và công bằng, từ đó chấm dứt việc phụ huynh xếp hàng nộp hồ sơ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.