Nhận xét và gợi ý giải đề Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội

Sáng nay, 12/6, hơn 93.000 thí sinh ở Hà Nội đã hoàn thành bài thi Ngữ văn Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Nhận xét và gợi ý giải đề Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội
Nhận xét và gợi ý giải đề Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội ảnh 1

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

report

Đề thi Ngữ văn tuyển sinh vào 10 Hà Nội: Không làm khó thí sinh

Cô Trần Thị Thanh Xuân, giáo viên Trường THCS - THPT Hà Thành. (Ảnh: NVCC)
Cô Trần Thị Thanh Xuân, giáo viên Trường THCS - THPT Hà Thành. (Ảnh: NVCC)

Cô Trần Thị Thanh Xuân, giáo viên Trường THCS - THPT Hà Thành (Hà Nội) nhận định, đề thi hoàn toàn phù hợp về độ khó, thời lượng, không làm khó thí sinh khi phải ôn thi trong thời dịch Covid-19.

Theo cô Xuân, cấu trúc đề thi phù hợp với phương án thay đổi thời lượng làm bài thi của học sinh. Đề thi không thay đổi nhiều khi giữ nguyên cấu trúc 2 phần: nghị luận văn học và nghị luận xã hội, cùng yêu cầu viết 2 đoạn văn.

Cùng với việc thời lượng làm bài rút ngắn, câu hỏi được rút xuống và chắc chắn sẽ tăng điểm ở những câu hỏi cơ bản. Đây là điểm thuận lợi, tạo điều kiện cho thí sinh thoải mái hơn, dễ “gỡ điểm” hơn.

Nội dung kiến thức nằm trọn trong chương trình sách giáo khoa. Cụ thể:

Phần nghị luận văn học là văn bản học kỳ I, bài thơ “Đồng chí” với  3 câu hỏi cơ bản về hoàn cảnh sáng tác, tên tập thơ, và phân tích một đoạn thơ của bài. Đây là một văn bản không hề gây khó dễ cho học sinh. Với tổng điểm cả phần I là 6 điểm cho 3 câu hỏi, các câu hỏi cơ bản chắc chắn sẽ được gia tăng điểm để tạo điều kiện cho học sinh.

Câu thứ 2 trong phần I phân tích đoạn thơ dựa trên phần văn bản cho sẵn của đề tạo điều kiện cho học sinh dễ dàng làm bài. Tuy nhiên, câu hỏi thứ 3 không hỏi về ngữ liệu của đề bài. Học sinh phải chắc chắn kiến thức cơ bản của cả tác phẩm sẽ dành  được điểm tối đa cho phần này.

Phần nghị luận văn học thông thường sau câu nghị luận viết đoạn văn sẽ là câu hỏi mở mang tính chất liên hệ với các tác phẩm khác trong chương trình. Trong đề thi này, thay vào đó là 1 câu hỏi nhỏ vẫn thuộc văn bản đọc hiểu đề ra nhưng nằm ở một đoạn khác.

Phần nghị luận xã hội đưa ra văn bản có tính cụ thể cao để học sinh dễ dàng tiếp cận vấn đề cần nghị luận. Nhìn chung, phần này ít câu hỏi, phù hợp với thời lượng và dễ dàng đưa ra quan điểm về việc đề cao vấn đề tri thức góp phần làm nên giá trị con người để học sinh nhận định, xác định tư tưởng và hành động.

“Nhìn chung, đề thi môn Ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội năm học 2021 – 2022 đáp ứng yêu cầu cơ bản, tạo điều kiện cho học sinh thoải mái về tâm lý, dễ dàng đạt điểm cao với môn thi đầu tiên trong một kỳ thi vô cùng đặc biệt” – cô Thanh Xuân nhận định.

Kim Thoa

report

Phát huy khả năng lập luận, tư duy phản biện của thí sinh

Cô Bùi Ngọc Lan – Giáo viên Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ tâm đắc với đề thi môn Ngữ văn – Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2021-2022.

Theo cô Lan, đề thi vừa sức, đảm bảo các cấp độ tư duy, có sự phân hóa năng lực và khơi gợi cảm xúc của học sinh, đồng thời phát huy khả năng lập luận, tư duy phản biện của thí sinh.

“Cách đặt câu hỏi và các yêu cầu trong đề rất rõ ràng, tường minh. Ngữ liệu khá hấp dẫn, quen thuộc. Theo đó, học sinh phát huy được khả năng vận dụng kiến thức để giải quyết các tình huống có trong thực tiễn” – cô Lan trao đổi, đồng thời nhấn mạnh:

Cái hay của đề thi là các tác giả ra đề đã giúp học sinh "kế thừa truyền thống, nhận thức hiện tại và khát vọng hướng tới tương lai". Nghĩa là, các em nhận thức được vẻ đẹp của người lính Cụ Hồ, của quá khứ vẻ vang, oai hùng và vai trò của tri thức làm nên giá trị của con người hiện tại, trách nhiệm với tương lai... Điều đó được thể hiện rõ nét ở câu 1 của đề thi.

Cô Bùi Ngọc Lan trong một giờ lên lớp thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: NVCC
Cô Bùi Ngọc Lan trong một giờ lên lớp thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: NVCC

“Tôi thích nhất câu 2 phần II (Nghị luận xã hội). Câu hỏi mở, có độ phân hóa cao; đặc biệt câu hỏi có tính thời sự, đề cập đến vấn đề thực tiễn hiện nay “tri thức làm nên giá trị con người”. Với câu hỏi này, thí sinh sẽ phát huy được kĩ năng và tư duy phản biện”- cô Lan chia sẻ.

Cô Lan dự đoán, với đề thi này, nhiều học học sinh sẽ đạt ở mức 6 đến 7 điểm; sẽ có nhiều bài xuất sắc đạt điểm giỏi 9, 10. Cô Lan phân tích, đề thi của Kỳ thi học sinh giỏi của TP Hà Nội vừa rồi được đánh giá khá khó nhưng có rất nhiều em học sinh đạt mức xuất sắc: 18, 19 điểm (thang điểm 20).

Minh Phong

report

Gợi ý giải Đề thi Ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội năm học 2021 - 2022

Gợi ý giải đề từ Cô Trần Thị Thanh Xuân, giáo viên Trường THCS - THPT Hà Thành (Hà Nội):

Phần I

  1. Năm 1948. Tập thơ “Đầu súng trăng treo”
  2. - Hình thức:

+ Đúng đoạn văn tổng – phân – hợp, khoảng 12 câu.

+ Diễn đạt lưu loát, trôi chảy, có cảm xúc.

+ Học sinh viết được câu ghép và phép lặp, gạch chân và chú thích rõ.

- Nội dung: Bám sát ngữ liệu và khai thác hiệu quả tín hiệu nghệ thuật ( từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ ..) làm sáng tỏ cơ sở hình thành tình đồng chí của những người lính cách mạng.

- Tình đồng chí bắt nguồn từ sự tương đồng về hoàn cảnh xuất thân của những người lính:

"Quê hương anh nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá".

"Anh" ra đi từ vùng "nước mặn đồng chua", "tôi" từ miền "đất cày lên sỏi đá". Hai miền đất xa nhau, "đôi người xa lạ" nhưng cùng giống nhau ở cái "nghèo". Hai câu thơ giới thiệu thật giản dị hoàn cảnh xuất thân của người lính: họ là những người nông dân nghèo.

- Tình đồng chí hình thành từ sự cùng chung nhiệm vụ, cùng chung lý tưởng, sát cánh bên nhau trong hàng ngũ chiến đấu:

"Súng bên súng, đầu sát bên đầu"

Họ vốn "chẳng hẹn quen nhau" nhưng lý tưởng chung của thời đại đã gắn kết họ lại với nhau trong hàng ngũ quân đội cách mạng. "Súng" biểu tượng cho nhiệm vụ chiến đấu, "đầu" biểu tượng cho lý tưởng, suy nghĩ. Phép điệp từ (súng, đầu, bên) tạo nên âm điệu khoẻ, chắc, nhấn mạnh sự gắn kết, cùng chung lý tưởng, cùng chung nhiệm vụ.

- Tình đồng chí nảy nở và bền chặt trong sự chan hoà và chia sẻ mọi gian lao cũng như niềm vui:

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ.

Cái khó khăn thiếu thốn hiện lên: đêm rét, chăn không đủ đắp nên phải "chung chăn". Nhưng chính sự chung chăn ấy, sự chia sẻ với nhau trong gian khổ ấy đã trở thành niềm vui, thắt chặt tình cảm của những người đồng đội để trở thành "đôi tri kỷ".

=> Sáu câu thơ đầu đã giải thích cội nguồn và sự hình thành của tình đồng chí giữa những người đồng đội. Câu thơ thứ bảy như một cái bản lề khép lại đoạn thơ một để mở ra đoạn hai.

  1. Hình ảnh “Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới” gợi vẻ đẹp của sự đồng cam cộng khổ, tinh thần đoàn kết, tinh thần sẵn sàng chiến đấu của những người lính cụ Hồ

Phần II:

  1. Xten-mét-xơ cho rằng “vạch một đường thẳng” có giá 1 đôla nhưng “tìm ra chỗ để vạch đúng đường ấy” lại có giá 9 999 đôla vì chỉ có những người có tri thức thâm hậu thì mới làm được những việc mà người khác không làm nổi.
  2. “Phải chăng tri thức làm nên giá trị con người”

* Khái niệm:

- Tri thức là những hiểu biết về khoa học, văn học, lịch sử , đời sống xã hội mà con người chiếm lĩnh được.

- Là những hiểu biết của nhân loại được đúc kết quả hàng trăm thế kỷ phát triển từ thời xa xưa đến ngày nay.

- Giá trị của con người chính là ý nghĩa của sự tồn tại của mỗi con người, là nội lực riêng trong mỗi con người. Đó là yếu tố để mỗi người khẳng định được vị trí trong cuộc đời.

=> Ý kiến “Phải chăng tri thức làm nên giá trị con người” đề cập đến mối quan hệ giữa tri thức với giá trị con người, tri thức của mỗi người sẽ khẳng định được vị trí của mỗi người trong cuộc đời.

* Bàn luận: khẳng định ý kiến trên đúng vì:

- Tri thức giúp con người có điều kiện thể hiện bản thân với những tiềm năng vốn có của mình

- Tri thức giúp con người tìm đến những điều chưa biết để là được những điều mà người khác không làm được

- Tri thức mang lại cuộc sống đủ đầy, nâng cao chất lượng đời sống và sống có ích.

- Tri thức mang đến những chân trời mới của cuộc sống, con người khẳng định được bản thân là nhờ có tri thức

- Tri thức giúp bản thân ngày càng hoàn thiện hơn, biết lựa chọn những tinh hoa để tiếp nhận, rời xa những xấu xa, ích kỉ, nhỏ nhen tầm thường trong cuộc sống, biết " gạn đục khơi trong", biết yêu thương nhiều hơn.

→ Tri thức là hành trang thiết yếu mà mỗi người cần có trên đường đời.

* Phản đề

-Trên thực tế, cứ không phải chỉ có tri thức mới làm nên giá trị của con người. Bởi giá trị của con người được tạo nên bởi trí tuệ, tâm hồn và lối sống.

*Liên hệ:

- Tập trung nâng cao tri thức bằng cách không ngừng học hỏi, tìm tòi…

- Bên cạnh việc nâng cao tri thức cần tu dưỡng đạo đức, lối sống, lời ăn tiếng nói để hoàn thiện bản thân…

Bảo Minh

report

Kiểm tra toàn diện kiến thức cơ bản, phù hợp với trình độ đại trà

Cô Ngô Thị Thanh Huyền, giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Ban Mai, Hà Nội nhận định đề Ngữ văn thi vào lớp 10 THPT của Hà Nội năm nayvừa sức học sinh, có sự điều chỉnh các ý hỏi và biểu điểm so với đề 2020 (6,5/3,5) sang biểu điểm (6/4).

Đề thi kiểm tra toàn diện kiến thức cơ bản, phù hợp với trình độ đại trà của thí sinh. Cấu trúc đề khá quen thuộc, giống năm 2019 và 2020 : gồm 2 phần (Đọc-hiểu nghị luận văn học và nghị luận xã hội). Điểm khác biệt so với đề 2020 phần I giảm từ 4 ý hỏi xuống 3 ý hỏi, giảm bớt 1 câu hỏi liên hệ với các văn bản cùng đề tài.

Nhận xét cụ thể về đề, cô Huyền cho biết:Trong phần I (6.0 điểm), đề thi hỏi về văn bản “Đồng chí” của tác giả Chính Hữu. Câu hỏi 1 kiểm tra kiến thức cơ bản dưới dạng nhận biết về thời điểm sáng tác và xuất xứ của bài thơ.

Câu hỏi 2 kiểm tra kĩ năng viết đoạn văn làm rõ cơ sở hình thành tình đồng chí qua đoạn ngữ liệu đã cho. Yêu cầu học sinh trình bày đảm bảo hình thức, kiểu đoạn, số câu, yếu tố tiếng Việt và có chú thích rõ ràng.

Để đạt điểm trọn vẹn ý hỏi này, học sinh cần nắm chắc kiến thức về nội dung đoạn thơ (các tín hiệu nghệ thuật, hình ảnh, chi tiết và ý nghĩa nội dung), trình bày đúng kiểu đoạn tổng-phân-hợp, đủ 12 câu, sử dụng và chú thích đúng các yếu tố tiéng Việt, trình bày mạch lạc, đoạn văn có tính liên kết chặt chẽ.

Câu hỏi 3 của phần I yêu cầu học sinh nêu được cái hay và ý nghĩa của một câu thơ cụ thể trong bài. Câu hỏi này dưới dạng thông hiểu kiến thức cơ bản.

Phần II (4.0 điểm) ngữ liệu được lấy từ văn bản trong SGK Ngữ văn 9 tập hai với 2 câu hỏi vừa sức với học sinh, kiểm tra được kĩ năng viết nghị luận xã hội, nhận diện các vấn đề từ một ngữ liệu văn bản. Câu hỏi yêu cầu học sinh có tư duy đọc hiểu và nhận diện đúng vấn đề.

Đoạn văn nghị luận xã hội đề cập tới vấn đề không lạ (“tri thức làm nên giá trị con người” ) nhưng luôn mới và phù hợp với mọi giai đoạn phát triển của xã hội. Để giải quyết được câu hỏi này, học sinh cần vận dụng những hiểu biết xã hội của bản thân, kết hợp với kĩ năng viết và tư duy lập luận vấn đề.

Cô Ngô Thị Thanh Huyền nhận định: Để đạt điểm 8.0 đối với đề thi này, học sinh cần nắm  chắc kiến thức cơ bản, và có cách trình bày bài mạch lạc, rõ ràng, tư duy lập luận chặt chẽ; sắc sảo, kĩ năng viết, diễn đạt trôi chảy, hiểu các vấn đề đặt ra một cách thấu đáo.

Nguyễn Nhung

report

Vấn đề nghị luận không xa lạ nhưng cách nêu vấn đề hay, khơi gợi suy nghĩ

Cô Hoàng Thị Lộc, giáo viên Trường THCS Ban Mai (Hà Nội) nhận định: Đề thi Ngữ văn vào lớp 10 Hà Nội năm 2021 có cấu trúc đề thi không thay đổi so với mọi năm, vẫn gồm 2 phần: Nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Đề thi có sự thay đổi thang điểm và số lượng câu hỏi phù hợp với thời gian 90 phút. Đề thi gồm kiến thức cơ bản nhưng vẫn phát huy được suy nghĩ cảm nhận và năng lực của học sinh. Các câu hỏi rõ ràng, có sự phân loại tốt.

Phần I là nội dung “Đồng chí là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Chính Hữu và thơ ca kháng chiến chống Pháp” và yêu cầu học sinh ghi lại năm sáng tác, in trong tập thơ nào; viết đoạn văn khoảng 12 theo phép lập luận tổng hợp - phân tích - tổng hợp làm rõ cơ sở hình thành tình đồng chí của người lính cách mạng và phân tích vẻ đẹp của những anh bộ đội cụ Hồ.

Các câu hỏi ra đúng thứ tự mức tư duy. Hai câu hỏi nhận biết kiến thức và câu hỏi vận dụng nhẹ nhàng, mang tính khuyến khích học sinh. Câu hỏi thông hiểu chính là một nội dung quan trọng để phân hoá. Chỉ tiếc đề thi không ghi rõ mức điểm của từng câu hỏi thành phần để dư luận có thể đánh giá chính xác hơn về mức độ phân hoá cũng như học sinh có cơ sở để phân bổ thời gian làm bài thuận tiện hơn.

Phần II đề bài cho đoạn trích và câu hỏi “Vì sao Xten-mét-xơ cho rằng “vạch một đường thẳng" có giá 1 đô la nhưng “tìm ra chỗ để vạch đúng đường ấy” lại có giá 9.999 đô la? Đặc biệt, ở câu cuối cùng được cho là khá thú vị với câu trình bày suy nghĩ của em về ý kiến: “Phải chăng tri thức làm nên giá trị con người”.

Vấn đề nghị luận không xa lạ nhưng cách nêu vấn đề khá hay, khơi gợi suy nghĩ, hiểu biết của bản thân về ý kiến : "Phải chăng tri thức làm nên giá trị cho con người". Với độ tuổi của học sinh lớp 9, vấn đề nghị luận đã tạo ra "đất diễn" khá tốt để các em nói lên suy nghĩ

Với đề thi này học sinh trung bình có thể làm được 6-7 điểm. Nhìn chung đề vừa sức với học sinh.

Nguyễn Nhung

report

Phổ điểm học sinh có thể đạt 6,5 – 7 điểm

Về đề thi Ngữ văn, các thầy cô Tổ Ngữ văn Hocmai nhận định: Đề thi vẫn giữ nguyên cấu trúc 2 phần như mọi năm với việc đọc hiểu 2 loại văn bản và tích hợp yêu cầu viết tương ứng. Số lượng câu hỏi giảm đi phù hợp với thời gian thi được rút ngắn là 90 phút. Điểm của các câu thành phần có thông tin rõ ràng, thuận tiện cho thí sinh có hướng phân bổ thời gian làm bài.

Về ngữ liệu: Như các năm gần đây, ngữ liệu vẫn sử dụng trong SGK Ngữ văn 9, trải đều cả hai học kì. Tuy ngữ liệu quen thuộc nhưng câu hỏi đã khai thác khá tốt, nêu bật được những nội dung quan trọng của ngữ liệu.

Về độ phân hoá: Độ phân hoá rất tốt khi chỉ còn 1 câu hỏi ở mức nhận biết, 2 câu hỏi ở mức thông hiểu và 2 câu hỏi ở mức vận dụng cao. Nhận định cụ thể từng phần như sau:

Phần I (6,0 điểm): Trích đoạn bài thơ “Đồng chí” quen thuộc, là một trong những văn bản quan trọng của chương trình, càng quan trọng hơn ở tính thời sự khi tình đồng chí cần được mở rộng quan niệm, phát huy giá trị trong những ngày cả nước đang đương đầu cùng “giặc” Covid-19.

Ngoại trừ câu hỏi 1 giúp thí sinh dễ dàng có điểm, yêu cầu viết đoạn văn nghị luận ở câu 2 không gây khó ở cấu trúc tổng - phân - hợp nhưng yêu cầu sử dụng câu ghép và phép lặp đòi hỏi thí sinh phải có kĩ năng viết khá tốt, nếu không sẽ vướng phải lỗi vụng về trong diễn đạt.

Câu hỏi 3 rất thú vị khi nêu ra vấn đề ở 1 câu thơ ít được chú ý trong đoạn cuối. Vấn đề được nêu ra khá hay, lạ và thống nhất với nội dung các câu hỏi trên, tăng tính liên kết cho phần 1.

Phần II (4,0 điểm): Ngữ liệu chọn lọc khá hay. Câu hỏi 1 gắn với nội dung câu chuyện ở trên nhưng đòi hỏi thí sinh phải hiểu sâu hơn về giá trị của chiều sâu tri thức đối với con người từ đó sẽ có thêm lí lẽ và dẫn chứng để thực hiện câu hỏi thứ 2.

Hơn thế, câu hỏi 2 đã đặt ra một vấn đề rất ý nghĩa. Từ việc định nghĩa tri thức, làm rõ được ý nghĩa của điều này trong việc xác lập giá trị con người, thí sinh có thể nghĩ thêm về những cách thức để củng cố, bổ sung, làm giàu thêm cho vốn tri thức của bản thân và đem vốn tri thức ấy phục vụ có ích cho nhân sinh.

Vấn đề “rèn đức” bên cạnh “luyện tài” không mới, nhưng trình bày khéo léo thông qua cách đặt vấn đề sâu sắc, khơi gợi được định hướng giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất đang được đẩy mạnh; đó chính là điểm sáng đáng ghi nhận của yêu cầu đề.

Cô Đỗ Khánh Phượng, giáo viên Ngữ văn Trường Phổ Thông Hermann Gmeiner (Hà Nội) cũng đánh giá cấu trúc đề thi vẫn giống mọi năm chỉ là số câu được rút gọn và yêu cầu đề cũng nhẹ nhàng hơn, không mang tính đánh đố, đảm bảo kiến thức cơ bản nhưng vẫn có sự phân loại ở phần 2 với câu 1 giúp học sinh có thể thoải mái thể hiện suy nghĩ của mình để từ đó khẳng định giá trị của tri thức trong cuộc sống.

Ở câu 2, cấu trúc có thể là đoạn văn hoặc bài văn với 2/3 trang giấy. Chắc chắn phần lớn học sinh sẽ viết đoạn văn. Đây cũng là một câu có sức phân loại bởi nó mang tính phản đề được thể hiện dạng câu hỏi “Phải chăng tri thức làm nên giá trị con người?”. Với đề thi này, phổ điểm học sinh có thể đạt 6,5 – 7 điểm.

Nguyễn Nhung

report

Thí sinh vui vì đề vừa sức sau buổi thi đầu

Sau buổi thi đầu tiên, nhiều thí sinh “thở phào” vì đề thi 2 môn Ngữ văn và Ngoại ngữ vừa sức.

Thí sinh Nguyễn Tu Khánh - dự thi tại điểm thi Trường THPT Xuân Giang nhận xét: Đề thi môn văn vừa sức, kiến thức nằm trong sách giáo khoa nên không “đánh đố học sinh”. Các câu hỏi trong đề tường minh, trong quá trình ôn tập, chúng em đã làm quen.  

Thí sinh tự tin sau buổi thi đầu tiên
Thí sinh tự tin sau buổi thi đầu tiên

Em thích nhất 2 câu hỏi: Nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Đây được coi hỏi để phân hoá thí sinh. Tuy nhiên, cách hỏi rất tường minh, đi thẳng vào vấn đề nên chúng em không phải mất thời gian để “đoán ý”. Đặc biệt, đây cũng là 2 câu hỏi để thí sinh “phô diễn” khả năng viết và cảm thụ văn học của mình.  “Nhìn tổng thể, đề thi khá hay, “dễ thở” nên em tự tin vào bài làm của mình” - Tu Khánh bày tỏ.

Đồng quan điểm, thí sinh Lê Đình Hưng cho rằng, 2 môn thi đầu tiên khá nhẹ nhàng nên em làm được hết các câu hỏi. Dự kiến trung bình mỗi môn được từ 6- 7 điểm.

Đề thi Ngữ văn khá hay, chạm đến cảm xúc của thí sinh. Có nhiều câu thí sinh dễ “ăn điểm” như câu các trong phần I. Với đề này học sinh trung bình cũng đạt được 5-6 điểm, các bạn học giỏi có thể đạt từ 7 đểm trở lên.

Thí sinh Nguyễn Tu Khánh (bên phải) và thí sinh Lê Đình Hưng "thờ phào" sau buổi thi đầu tiên
Thí sinh Nguyễn Tu Khánh (bên phải) và thí sinh Lê Đình Hưng "thờ phào" sau buổi thi đầu tiên

Đối với đề thi Ngoại ngữ, tuy hơi dài nhưng hoàn toàn nằm trong kiến thức đã học nên không có chuyện thí sinh bị điểm liệt. Em nghĩ, với đề tiếng Anh năm nay, sẽ có nhiều bạn đạt điểm 10.

Minh Phong

report

Thí sinh tự tin với bài thi môn Ngữ văn

Thí sinh nhanh chóng rời khỏi điểm thi.
Thí sinh nhanh chóng rời khỏi điểm thi.

11h15 ngày 12/6, sau khi hết giờ làm bài, thí sinh tại điểm thi THCS Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy, xếp hàng rời khỏi điểm thi. Dù đeo khẩu trang, đôi mắt thí sinh ánh lên vẻ tự tin, vui vẻ. Các em nhanh chóng di chuyển khỏi điểm thi. Một số nán lại cùng bạn bè soát đáp án, được các anh chị tình nguyện viên nhắc nhở di chuyển ra xe với phụ huynh.

Em Đặng Ngọc Linh, học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, cho biết, hoàn thành hết các câu hỏi trong hai phần của đề Ngữ Văn trong thời gian quy định. Em nhận định đề thi môn đầu tiên vào lớp 10 THPT của Hà Nội tương đối vừa sức, câu hỏi cơ bản, giảm 2 câu so với đề thi năm ngoái.

Linh nhận xét: “Em khá bất ngờ khi phần 1 của đề thi vào bài thơ Đồng chí với nội dung cơ bản trong chương trình sách giáo khoa. vì bài này dễ thuộc, dễ phân tích. Phần Nghị luận xã hội không khó nhưng em mất 5 phút nghĩ ý tưởng, dẫn chứng làm bài bởi em đặt nhiều tâm huyết cho phần thi này”.

Linh cho rằng ý kiến “Phải chăng tri thức làm nên giá trị con người?” nằm trong dạng bài nghị luận xã hội, vốn đã được ôn luyện nhiều. Nữ sinh đặt kỳ vọng sẽ đạt 8 điểm.

Thí sinh vui vẻ vì đề văn vừa sức.
Thí sinh vui vẻ vì đề văn vừa sức.

Dù đánh giá các dạng bài đều quen thuộc, em Trần Quốc Hùng, học sinh Trường THCS Dịch Vọng, chia sẻ gặp một chút lúng túng ở phần thứ 2 của đề thi. Về bài thi “Đồng chí”, Hùng kể đã nhanh chóng hoàn thành trong 30 phút để tập trung cho phần 2.

“Đoạn trích thứ 2 cũng nằm trong sách giáo khoa nhưng khi học, em chưa chú ý nên cảm thấy bất ngờ. Nhưng dạng bài nghị luận xã hội, em đã được thầy cô trên lớp cho ôn luyện nên vẫn có thể phân tích. Em hy vọng có thể đạt 7 điểm”, nam sinh bày tỏ.

Tú Anh

report

Gợi ý đáp án đề thi môn Ngữ văn

Thầy cô tổ Ngữ văn, Hocmai gợi ý đáp án đề thi môn Ngữ văn, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Hà Nội năm 2021.

Phần I

Câu 1: Bài thơ Đồng chí được sáng tác năm 1948. Tác phẩm này được in trong tập “Đầu súng trăng treo” của Chính Hữu.

Câu 2:

  1. Về hình thức

- Đoạn văn đảm bảo dung lượng: 12 câu.

- Hình thức lập luận: tổng – phân – hợp.

- Đoạn văn không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, chính tả, ngữ pháp.

- Thực hiện đủ yêu cầu tiếng Việt trong bài viết: có sử dụng phép lặp để liên kết và câu ghép (gạch chân, chú thích rõ từ ngữ dùng làm phép lặp và một câu ghép).

  1. Về nội dung
  2. Xác định vấn đề cần nghị luận

Cơ sở hình thành tình đồng chí của những người lính cách mạng trong 7 câu thơ đầu bài thơ Đồng chí.

  1. Triển khai vấn đề

- Tình đồng chí bắt nguồn sâu xa từ tương đồng về cảnh ngộ xuất thân. Thành ngữ “nước mặn đồng chua” – vùng chiêm trũng ngập mặn và hình ảnh “đất cày lên sỏi đá” – vùng trung du khô cằn - cho thấy họ đều là những người nông dân xuất thân từ những vùng quê lam lũ, nghèo khó.

- Tình đồng chí nảy sinh giữa những người lính chung lí tưởng, chung nhiệm vụ chiến đấu:

+ Trong hoàn cảnh đất nước có ngoại xâm, tình yêu quê hương thôi thúc họ cầm súng chiến đấu, chẳng hẹn mà cùng đứng chung một chiến hào.

+ Quá trình hình thành tình đồng chí diễn ra tự nhiên, những người lính từ “đôi người xa lạ” đến từ mọi vùng quê khác nhau gắn kết thành tình tri kỉ.

+ Các hình ảnh sóng đôi “súng”, “đầu” kết hợp với điệp ngữ “bên” gợi sự đồng hành, gắn kết trong nhiệm vụ, xóa đi khoảng cách vùng miền giữa những người lính.

- Tình đồng chí bền chặt trong sự chan hòa chia sẻ vui buồn, gian lao của cuộc kháng chiến chống Pháp:

+ “Chung chăn” trong “đêm rét” là chung khó khăn, khắc nghiệt của cuộc đời người lính, chung hơi ấm để vượt qua giá lạnh và gắn kết bên nhau.

+ Từ “đôi người xa lạ”, những người chiến sĩ trở thành “đôi tri kỉ”, cùng nếm trải, sẻ chia những vui buồn của cuộc đời người lính đến thấu hiểu nhau sâu sắc.

- Dòng thơ “Đồng chí!” là dòng thơ đặc biệt bởi chỉ có 2 tiếng và dấu chấm than nhưng lại là một trong những câu quan trọng bậc nhất, là linh hồn của cả bài thơ:

+ Lời thơ cất lên trong niềm xúc động lắng sâu, tựa như một nốt nhấn trong một bản nhạc tâm tình của người lính.

+ Tiếng gọi “đồng chí” vang lên như một khám phá, một nhận thức, một lời khẳng định giản dị, mộc mạc mà rất đỗi thiêng liêng, tự hào về tình đồng chí – tình cảm cách mạng mới mẻ trong tình bạn, tình đồng đội, tình người trong chiến tranh.

+ Câu thơ như một cái bản lề khép mở, gắn kết hai ý thơ: cơ sở của tình đồng chí (đoạn 1) và biểu hiện của tình đồng chí (đoạn 2).

- Nghệ thuật: Bằng cách sử dụng thể thơ tự do, kết cấu sóng đôi và mạch thơ vận động từ các hình ảnh riêng rẽ đến hòa hợp, thống nhất, Chính Hữu đã lí giải cơ sở của tình đồng chí  giản dị mà xúc động, thiêng liêng.

Câu 3: Hình ảnh “Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới” giúp người đọc cảm nhận được tình đồng chí, đồng đội sâu nặng của những người lính:

- Họ đoàn kết gắn bó, “kề vai sát cánh” trước trận chiến.

- Họ truyền trao hơi ấm, làm điểm tựa tinh thần cho nhau, giúp nhau vượt lên trên khó khăn, nguy hiểm.

- Họ bình tĩnh, tự tin, chủ động đón đánh địch.

Nguyễn Nhung

report

Đề thi có tính giáo dục về tư tưởng, tình cảm, đạo đức của học sinh

Thầy Nông Ngọc Trọng – giáo viên Trường THPT An Mỹ (Thủ Dầu Một, Binh Dương) nhận xét: Đề thi sát với nội dung học tập bậc THCS, nhất là chương trình lớp 9, phù hợp với năng lực tiếp thu của học sinh lớp 9 hiện nay.

Các câu hỏi không yêu cầu thí sinh phải học thuộc một cách máy móc, mà chú đến thái độ, nhận thức của các em về các vấn đề thực tế của cuộc sống, ví dụ như phần II của đề thi.

Ngoài ra, đề thi còn mang tính giáo dục về tư tưởng, tình cảm, đạo đức của học sinh, nhất là phần I của đề thi.

Đề thi có sự phân hóa và phát huy tính chủ động, sáng tạo của thí sinh trong trình bày, đồng thời kích thích thí sinh phát hiện, nêu suy nghĩ và thể hiện lối lập luận, tư duy biện chứng.

Ví dụ: câu 2, câu 3 phần I; câu 1 và câu 2 phần II đều có các yếu tố yêu cầu về nhận thức, từ đó thí sinh có thể lựa chọn cách hiểu, cách viết, diễn đạt ở các thang đánh giá: bình thường, nêu được vấn đề, hiểu sâu sắc, có liên hệ (bao gồm cả văn học và thực tế đời sống…).

Minh Phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ