Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất
Tiền Giang: Thí sinh nhận xét đề không quá khó
Kết thúc bài thi tổ hợp, đa phần thí sinh đều làm được bài, có chung nhận xét đề thi không quá khó so với đề thi đợt 1.
Đề thi kiểm tra các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao của thí sinh; nội dung câu hỏi rất cơ bản, ít đánh đố thí sinh.
Các thí sinh cho biết đề thi tổ hợp dù sát với nội dung học, nhưng vẫn khó và có độ phân hoá từ câu 30 trở đi. Đề thi các môn thành phần ở bài thi Khoa học Tự nhiên vừa sức với học sinh. Độ khó tương đương đề thi đợt 1. Hầu như các câu hỏi trong chương trình lớp 12.
Thí sinh Đoàn Trần Phú Hưng, học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) cho biết: Đề thi bám sát chương trình học, thí sinh cần ôn kỹ là có thể làm được. Phần kiến thức tương tự như đề thi đợt 1; có những câu khó đòi hỏi học sinh phải tư duy, vận dụng các kiến thức đã học để giải. Khả năng học sinh kiếm điểm từ 7 đến 8. Khó có điểm 10.
Thí sinh Bùi Nguyễn Hạnh Nguyên, học sinh Trường THPT Phạm Thành Trung, huyện Cái Bè (Tiền Giang) nhận xét đề thi đợt 1 và đợt 2 tương đương nhau. Môn Lịch sử vẫn là môn đòi hỏi học sinh phải nhớ nhiều sự kiện. Môn Giáo dục công dân tương đối dễ. Môn Địa lý học sinh chỉ cần vận dụng kiến thức là có thể làm được bài khá tốt. Khả năng học sinh kiếm điểm cao ở môn Giảo dục công dân và môn Địa lý.
Hoàn thành bài thi tổ hợp sáng 7/8, các thí sinh đều phấn khởi vì hoàn thành tốt bài thi. Việc nghỉ ngơi, ăn uống của các thí sinh đều được phục vụ chu đáo.
Quốc Ngữ - Xuân Uyên
Quảng Ngãi: Thí sinh nhận xét đề Lịch sử "dễ thở"
Chỉ làm bài thi 2 môn Lịch sử và Địa lý để lấy kết quả xét tuyển sinh ĐH, thí sinh Nguyễn Dương Trường Sa (điểm thi Trường THPT Chuyên Lê Khiết, TP Quảng Ngãi) cho biết: Em thấy nếu so sánh với đề thi ở đợt 1 thì đề thi môn Lịch sử ở đợt 2 dễ thở hơn chút vì không phải ghi nhớ quá nhiều mốc thời gian cùng những số liệu, dữ kiện đi kèm". Tuy nhiên, thí sinh Nguyễn Minh Đức, cũng ở điểm thi này cho rằng thực ra đề thi môn Lịch sử ở đợt 2 không nhẹ chút nào. "Để so sánh bối cảnh cuộc chiến tranh cục bộ với chiến tranh đặc biệt, nhớ các mốc thời gian, đặc điểm... thì không phải cứ học thuộc bài là làm được mà cần phải có sự tổng hợp, phân tích".
Với môn Địa lý, Trường Sa cho biết, chỉ cần sử dụng thành thạo Atlat thì có thể chắc chắn được 5 điểm. Đức cũng cho biết, mình làm bài thi môn Địa lý tốt hơn làm bài môn Lịch sử, "với môn Lịch sử, em làm không được chắc chắn lắm, khoảng 30% số câu hỏi em chỉ làm theo quán tính, sử dụng phương pháp loại suy chứ em không chắc chắn mình làm có đúng không".
Riêng môn Giáo dục công dân, Nguyễn Minh Đức nhận xét, các câu hỏi tình huống có phần dài, dữ kiện, nhân vật nhiều, buộc phải sử dụng sơ đồ thì mới khỏi bị nhầm.
Ánh Ngọc
Đề đợt 2 môn Giáo dục công dân: Bao quát chương trình, phân hóa tốt
Cô Nguyễn Thanh Thủy, giáo viên Trường THPT Mỹ Quý, Đồng Tháp nhận định: Đề thi tốt nghiệp THPT môn Giáo dục công dân năm 2021 đợt 2 (7/8/2021) giữ nguyên cấu trúc đề thi minh họa do Bộ GD&ĐT công bố, cũng như cấu trúc đề thi đợt 1. Nhìn chung, học sinh có học lực trung bình nắm chắc những kiến thức cơ bản có thể đạt từ 7.0 điểm trở lên, học sinh khá đạt trên dưới 9 điểm, học sinh giỏi đạt trên điểm 9.
Phần nhận biết và thông hiểu cũng giống như đề thi đợt 1, chủ yếu là tái hiện kiến thức cơ bản đã học, gần gũi, đơn giản, độ nhiễu không nhiều thí sinh chỉ cần đọc kĩ và dựa vào thông tin bài học là có thể xác định được phần thông tin cần trả lời, không cần phải phân tích sâu.
Phần vận dụng gần gũi với cuộc sống, khá quen thuộc, dễ hiểu với học sinh phổ thông nên cũng không “gây khó” các em, tuy nhiên tình huống đưa ra khá dài, nhiều nhân vật làm cho các em có học lực trung bình bị phân tâm, thấy rối dẫn đến lười phân tích nên đa phần các thí sinh này dễ mất điểm phần này, nhưng đối với các em khá giỏi cố gắng tập trung nghiên cứu, chịu khó đọc thì cũng sẽ đạt điểm tối đa.
Nhìn chung, đề thi tốt nghiệp THPT môn Giáo dục công dân đợt 2 đảm bảo bao quát chương trình, có tính phân hóa tốt, yêu cầu đặt ra với học sinh hầu hết nằm trong phần kiến thức cơ bản đã được học trong chương trình lớp 12, chỉ có một phần của chương trình lớp 11 (4 câu). Những học sinh khá giỏi, có kĩ năng phân tích tốt thì dễ dàng đạt được điểm từ 9.0 trở lên. So với đề thi đợt 1, đề lần này tương đối gần gũi và nhẹ nhàng hơn.
Nguyễn Nhung
Đề thi môn Sinh học bảo đảm tính công bằng giữa 2 đợt thi
Cô Phạm Thị Việt Chinh, giáo viên Sinh học, Trường THPT Ban Mai, Hà Nội nhận định: Đề thi tốt nghiệp THPT môn Sinh học đợt 2 so với lần 1 có sự tương đồng.
Về cấu trúc: đề thi tốt nghiệp THPT môn Sinh mã đề 217 gồm 40 câu, trong đó 29 câu thuộc mức độ nhận biết - thông hiểu, 11 câu thuộc mức độ vận dụng và vận dụng cao.
Về hình thức, Các câu hỏi dưới dạng trắc nghiệm khách quan trong đó gồm các câu hỏi vẫn ở dạng chọn một mệnh đề hoặc phương án đúng và câu hỏi đếm các mệnh đề đúng, một số câu dạng phân tích đồ thị, hình ảnh, sơ đồ.
Như vậy, so với đề thi môn Sinh 2021 lần 1 và đề minh họa lần 2, hình thức ra đề vẫn được giữ nguyên. Tất cả mức độ phân loại hệ thống các câu hỏi từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng đến vận dụng cao, về các kiểu câu hỏi, bài tập không thay đổi so với đề thi lần 1.
Về nội dung: đề thi tốt nghiệp THPT môn Sinh lần 2 có sự tương đồng với đề lần 1, đề thi không rơi vào phần kiến thức đã “giảm tải” theo công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH. Nội dung kiến thức phổ đều ở cả 3 khối. Cụ thể:
- Sinh học 10: 1 câu thuộc phần kiến thức chương vi sinh vật yêu cầu học sinh ứng dụng kiến thức các yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của vi sinh vật trong vấn đề bảo quản lương thực, thực phẩm
- Sinh học 11: 2 câu thuộc kiến thức phần cân bằng nội môi của tuần hoàn đông vật và quang hợp ở thực vật với mức độ nhận biết - thông hiểu.
- Sinh học 12: 37 câu phủ đều kiến thức ở Sinh học 12 thuộc các phần: Cơ chế di truyền và biến dị, Quy luật di truyền, Di truyền học quần thể, Ứng dụng di truyền học, Di truyền học người, Tiến hóa, Sinh thái .
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh tự học thiếu đi sự kiểm tra giám sát của các thầy cô bộ môn thì mức độ đề thi như vậy là hợp lý. Đặc biệt những thí sinh đã làm đề thi chính thức lần 1 có thể sẽ có định hướng tư duy và làm bài tốt hơn trong đợt thi lần 2 này.
Nhìn chung đề thi phù hợp, có độ khó tương đương nhau, đảm bảo tính công bằng giữa 2 lần thi đáp ứng hai mục tiêu: xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa cũng có thể đạt 6-7 điểm. Tôi dự đoán điểm trung bình môn Sinh đợt 2 cũng tương tự đợt 1, cũng có thể cao hơn chút ít. Các trường đại học hoàn toàn có thể dựa vào kết quả môn Sinh đợt 1 và đợt 2 làm căn cứ tuyển sinh.
Nguyễn Nhung
Đề thi môn Sinh học: Vừa sức, mức độ đề tương đương đợt 1
Thầy Lê Văn Hòa, giáo viên Sinh học, Trường THPT Mỹ Quý, Đồng Tháp nhận định: Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021, đợt 2, môn Sinh học bám sát nội dung chuẩn kiến thức kỹ năng chương trình, đề ra chủ yếu là chương trình sinh 12. Đề có cấu trúc tương tự như đề tham khảo mà Bộ GD&ĐT công bố và đảm bảo mục tiêu của kì thi tốt nghiệp THPT và có nội dung phân hóa phục vụ xét tuyển đại học .
Đề có 40 câu hỏi trắc nghiệm, trong đề có đầy đủ các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Trong số các câu hỏi, có 1 câu hỏi trong chương trình lớp 10 thuộc nội dung thực hành, có 3 câu hỏi nằm trong chương trình lớp 11 tập trung kiến thức học kì 1, còn lại là các câu hỏi ở lớp 12. Có một số câu hỏi vận dụng kiến thức thực tế vào cuộc sống,…
Đề thi phân hóa tốt: Những câu hỏi nhận biết và thông hiểu rơi vào các nội dung kiến thức của chương trình lớp 10, 11; phần tiến hóa, sinh thái và một số câu hỏi thuộc phần cơ chế di truyền và biến dị lớp 12. Các câu hỏi bài tập vẫn tập trung ở nội dung: cơ chế di truyền và biến dị, quy luật di truyền, di truyền quần thể và di truyền người. Các câu hỏi ở mức vận dụng cao nằm ở nội dung di truyền biến dị, quy luật di truyền, di truyền quần thể và di truyền học người.
Qua phân tích đề thi tốt nghiệp THPT môn Sinh lần 2 cho thấy mức độ đề thi vừa sức với học sinh tương đương với mức độ đề lần 1. Học sinh chỉ cần ôn tập và nắm chắc kiến thức sách giáo khoa thí sinh có thể đạt được điểm 5-6. Nhưng để đạt 9 đến 10 thì các thí sinh phải phân tích thật cẩn thận và quyết đoán.
Nguyễn Nhung
Đề Giáo dục công dân: 90% thuộc chương trình lớp 12
Cô Đoàn Thị Vành Khuyên, giáo viên môn Giáo dục công dân tại Tuyensinh247, nhận xét: Đề thi tốt nghiệp THPT đợt 2 năm 2021 có 36 câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12, chiếm 90%, và 4 câu thuộc kiến thức lớp 11, chiếm 10%.
Cụ thể, câu hỏi nhận biết chiếm 20 câu, 10 câu hỏi thuộc mức độ thông hiểu, 6 câu thuộc mức vận dụng và 4 câu vận dụng cao.
Các câu hỏi nằm trong các chuyên đề quen thuộc của chương trình lớp 12 như Thực hiện pháp luật; Các loại vi phạm pháp luật; Công dân với các quyền tự do cơ bản; Công dân với các quyền dân chủ. Trong đó, câu hỏi ở mức vận dụng và vận dụng cao tập trung vào các nội dung như Trách nhiệm pháp lí; Quyền tự do cơ bản; Công dân với các quyền dân chủ.
Theo cô Khuyên, khác với đề thi đợt 1, đề thi đợt 2 xuất hiện nhiều câu hỏi nằm trong nội dung Quy luật giá trị, thuộc chương trình lớp 11. Không có câu hỏi ở nội dung Quy luật cung - cầu; Cạnh tranh trong sản xuất và lưu thông hàng hoá.
Nhìn chung, các câu hỏi thuộc kiến thức cơ bản, không đánh đố, không đòi hỏi quá nhiều tư duy. Câu hỏi vận dụng cao vẫn giữ mức độ phức tạp như đề thi đợt 1, tình huống dài và nhiều tình tiết. Do đó đòi hỏi thí sinh phải biết phân tích, nhận diện chuyên sâu.
Tú Anh
Thí sinh dễ dàng "ẵm" điểm khá ở môn Sinh học
Cô giáo Lò Thị Bích Yến (Trường THPT Mộc Lỵ, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) cho biết: Đề thi (Mã đề 224) ở môn Sinh học đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã bám sát với đề minh họa. Đề vừa sức với học sinh, bám sát chương trình GDPT cơ bản. Câu hỏi phù hợp với kiến thức cơ bản của học sinh.
Cấu trúc đề thi chủ yếu nằm trong chương trình phổ thông 12, tương quan lý thuyết và bài tập tương đương với đề đợt 1.
Cụ thể : Chỉ có 4 câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu lớp 11 chương Chuyển hóa vật chất và năng lượng thực vật và động vật. Còn lại là chương trình Sinh học 12 với 18 câu nhận biết ( = 4,5 điểm ). Vì vậy, đề thi này thì 1 học sinh học trung bình – khá có thể làm được 5 điểm trở lên, từ mức điểm khá trở lên thì mức độ khó tăng dần .
Với tỉ lệ câu ở các mức độ như trên có thể thấy đề thi phù hợp để phân loại loại học sinh xét tốt nghiệp và xét ĐH, CĐ. Tuy nhiên, với 40 câu hỏi ở 4 mức (nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dung cao), được chia đều ở các nội dung chương trình. Vì vậy, để làm được các câu vận dụng, vận dụng cao đòi hỏi học sinh phải chịu khó luyện tập, làm nhiều bài trắc nghiệm và có khả năng tính toán nhanh mới kịp thì mới làm bài tập như câu 120 mã đề 224 là câu vận dụng cao kết hợp các quy luật di truyền với nhau.
Nếu học sinh không nắm vững phần quy luật di truyền thì rất dễ nhầm lẫn. Riêng câu 114 (MĐ 224) phần di truyền học thường là rất khó đối với học sinh ở các đề thi, nhưng trong đề thi đợt này mức độ nhẹ nhàng hơn khi chỉ yêu cầu chọn đáp án đúng mà không phải chọn tổ hợp đúng sai. Vì vậy học sinh sẽ dễ lấy điểm hơn.
Đề thi đợt 2 có sự phân hóa rõ rệt, các câu phân hóa học sinh gồm 8 câu (lý thuyết và bài tập vận dụng cao) tương đương 2 điểm. Chính vì vậy để đạt được điểm tối đa trong đề thi không phải dễ.
Năng lực là một nội dung rất quan trọng giúp học sinh biết cách chủ động lĩnh hội kiến thức và áp dụng kiến thức Sinh học vào đời sống thực tiễn. Với đặc trưng vùng miền tỉnh Sơn là tỉnh vùng cao còn nhiều khó khăn, nhưng trong vài năm trở lại đây nhà nước và tỉnh có rất nhiều chính sách hỗ trợ động viên học sinh đến trường và an tâm học tập, vì vậy kết quả giáo dục được nâng lên.
Theo bản thân tôi, với học lực của học sinh Miền núi Tây Bắc thì khả năng làm bài để đạt điểm từ trung bình trở lên là tương đối cao. Tôi hy vọng với đề thi này thì thí sinh làm bài với tinh thần tự tin và đạt kết quả tốt nhất.
Mai Phương
Đề thi môn Sinh học: Tương đương thi đợt 1
Cô Phan Thị Tăng – giáo viên Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội) nhận xét: đề thi môn Sinh học – Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 tương đương với đề thi đợt 1.
Cô Tăng viện dẫn: Ở mã đề 224, đề thi bám sát kiến thức THPT, chủ yếu là lớp 11 và lớp 12; trong đó kiến thức lớp 12 chiếm phần lớn. Đề thi bám sát với đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, từ nội dung cho đến ma trận.
“Đề thi có sự phân hoá nên để đạt điểm từ 9,75 đến 10 sẽ khó và không nhiều. Trong đề có nhiều câu hỏi mức thức nhận biết, thông hiểu và vận dụng thấp nên dự đoán sẽ dao động từ 4-6 điểm là chủ yếu và phổ điểm sẽ theo hình Sin” – cô Tăng nhận xét.
Cũng theo cô Tăng, đề thi có nhiều câu gắn với thực tiễn, chẳng hạn như câu về thực hành hô hấp thực vật (câu 104) và bảo quản nông sản, thực phẩm (câu 88).
Cho rằng, đề thi môn Sinh học của đợt 1 và đợt 2 tương đương nhau, cô Tăng nêu quan điểm:
Thứ nhất, tương đương về đơn vị kiến thức.
Thứ hai, ma trận đề có sự phân bố từ câu hỏi dễ đến khó. Từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng cao.
Thứ ba, đề thi được thiết kế theo hướng kiểm tra đánh giá năng lực, kỹ năng của học sinh. VD: Có những câu học sinh phải sử dụng kênh hình để giải quyết vấn đề. Các em phải quan sát hình vẽ để trả lời câu hỏi trong đề thi.
Thứ tư, học sinh phải có kỹ năng về tính toán mới giải quyết được câu hỏi ở mức vận dụng.
Thứ năm, học sinh phải biết vận dụng kiến thức để giải quyết các câu hỏi có liên quan đến thực tiễn.
Minh Phong
Đề thi Giáo dục Công dân: Nhiều nội dung gắn với thực tiễn đời sống
Nhận định về đề thi môn Giáo dục Công dân, cô giáo Hoàng Thị Kim Oanh, trường THPT Thành phố Cao Bằng cho rằng học sinh sẽ không gặp nhiều khó khăn và có thể giải quyết khá tốt.
Theo cô giáo Kim Oanh, đề có cấu trúc bám sát với đề minh họa của Bộ nên học sinh sẽ không bị bỡ ngỡ. Khoảng 90% các vấn đề trong các câu hỏi thuộc vào kiến thức của chương trình lớp 12, khoảng 10% còn lại thuộc vào kiến thức của chương trình lớp 11.
Với kết cấu đề thi như vậy, các em học sinh có thể khá yên tâm và tự tin, bởi chủ yếu là kiến thức vừa học xong ở lớp 12, những kiến thức lớp 11 thì cũng mang tính logic trong hệ thống tổng thể.
“Trong đề thi, với 75% các câu hỏi nhận biết và thông hiểu, học sinh khá thuận lợi trong việc lấy điểm. Với những câu hỏi về vận dụng, tuy có khó hơn, nhưng nhiều vấn đề gắn với tình hình thực tiễn đời sống nên thú vị và nếu học sinh có hiểu biết tốt về thông tin, đời sống thì cũng có thể làm tốt” - cô Kim Oanh trao đổi.
Theo nhận định của cô giáo Kim Oanh, khả năng phổ điểm chung của môn Giáo dục Công dân đợt 2 này rơi vào khoảng 7 - 8 điểm.
Phạm Vũ
Đề thi môn Giáo dục công dân: 80% câu hỏi thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu
Cô Ngô Thị Thảo, giáo viên môn Giáo dục công dân, Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) nhận định: đề thi Giáo dục công dân Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, đợt 2 tương đối dễ với 80% câu hỏi thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu; 20% câu hỏi còn lại bắt đầu có sự phân hóa.
Những chuyên đề xuất hiện nhiều như: Thực hiện pháp luật; Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội, Công dân với các quyền tự do; Công dân với các quyền dân chủ; và một số câu hỏi thuộc vấn đề công dân với vấn đề kinh tế lớp 11 như các yếu tố của lao động, quy luật giá trị…
Toàn đề có 90% câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12, (10%) thuộc kiến thức lớp 11. Các câu hỏi lớp 11 đều ở mức độ nhận biết.
Phần câu hỏi tình huống: câu 118 (Đề 305) gắn với thực tiễn dịch bệnh Covid hiện nay thể hiện sự quan tâm của nhà nước về sức khỏe cho người dân khi đầu tư kinh phí xây dựng bệnh viện dã chiến ở các địa phương đồng thời thực hiện tiêm chủng quốc gia.
Học sinh dễ đạt từ 7.5 điểm trở lên với đề này
Nguyễn Nhung
Đề thi tốt nghiệp môn Giáo dục Công dân đợt 2 tương đồng so với lần 1
Nhận định về đề thi tốt nghiệp môn GDCD nằm trong tổ hợp bài thi KHXH, thầy giáo Nguyễn Văn Khánh – Trường THPT Nguyễn Thái Học (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho biết: Đề thi có độ khó phù hợp, không đánh đố học sinh. Có độ tương đồng so với đề thi lần 1 diễn ra vào tháng 7.
Nội dung kiến thức của đề thi chủ yếu vào kiến thức lớp 12 (36 câu), lớp 11 có 4 câu. Nội dung kiến thức phù hợp, bám sát chương trình cơ bản, không hỏi vào các phần giảm tải. Cấu trúc đề rõ ràng, mạch lạc, nội dung câu hỏi có tính thời sự, phát huy được năng lực của học sinh.
Theo thầy Khánh, những câu hỏi tình huống ở mức vận dụng cao đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kiến thức cơ bản, có độ ổn định trong khi làm bài đồng thời có khả năng tư duy logic mới có thể là tốt được. Đây là những câu hỏi có tính phân hóa học sinh để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng có tổ hợp xét tuyển có môn GDCD.
Ngữ liệu sử dụng trong những câu hỏi phù hợp, một số câu mang tính thời sự (về bầu cử, ứng cử; về dịch bệnh covid 19,…), kích thích được năng lực tư duy, khả năng liên hệ logic của học sinh.
Trần Long
Đề thi Hóa học: Cấu trúc quen thuộc, đáp án nhiễu phù hợp
Cô Nguyễn Thị Thiếp, Trường THPT Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp nhận định: Đề thi tốt nghiệp THPT môn Hóa học đợt 2 năm 2021 có cấu trúc gần giống với đề thi đợt 1 và tương tự với đề thi tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 31/3/2021. Nhìn chung đề thi Hóa học đợt 2 có phần nhẹ nhàng hơn đề thi đợt 1 nhưng vẫn đảm bảo tính phân hóa.
Đề có 35 câu thuộc kiến thức lớp 12 (chiếm 87,5%), 5 câu thuộc kiến thức lớp 11 (chiếm 12,5%) và không có câu nào thuộc kiến thức lớp 10; bám sát nội dung chương trình, sách giáo khoa và không rơi vào các nội dung điều chỉnh của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm học 2020-2021.
Về mặt nội dung kiến thức: phần Hóa Hữu cơ có 17 câu (chiếm 42,5%), phần Hóa Vô cơ có 23 câu (chiếm 57,5%). Trong đó, có 31 câu thuộc nội dung lý thuyết và 9 câu thuộc nội dung tính toán, so với đề thi đợt 1 thì số lượng câu tính toán ít hơn 2 câu; cũng có một sô câu hỏi gắn liền lý thuyết với thực tế và với thí nghiệm thực hành như đề thi đợt 1. Đề thi đợt 2 không xuất hiện nhiều dạng mới so với đề thi đợt 1, đề thi đợt 1 có dạng bài toán tinh thể, thay vào đó đề thi đợt 2 có dạng bài toán thuộc phương trình tổng hợp NH3, dạng này tuy là dạng ít gặp nhưng không phải dạng mới, nên có thể không phải là dạng khó với những học sinh giỏi.
Các câu hỏi được sắp xếp theo mức độ từ dễ đến khó, thuận lợi cho quá trình làm bài của học sinh, từ câu 41 đến câu 67 ở mức độ nhận biết và thông hiểu, những câu còn lại ở mức độ vận dụng và vận dụng cao. Với đề thi này những học sinh học chắc kiến thức có thể đạt được từ 5,0 đến 7,0 điểm, học sinh Khá có thể đạt được từ 8,0 điểm trở lên, học sinh Giỏi có thể đạt được 9,0 điểm và có thể hơn, thậm chí có thể đạt điểm 10. Do đó phổ điểm đề thi đợt 2 có thể từ bằng hoặc cao hơn so với đề thi đợt 1.
Về tổng thể: Đề thi tốt nghiệp THPT môn Hóa học đợt 2 năm 2021 có cấu trúc quen thuộc, đáp án nhiễu phù hợp, không gây hoang mang cho học sinh, các câu hỏi đều chính xác, khoa học, bám chuẩn kiến thức kĩ năng, đảm bảo tính phân hóa, phục vụ tốt mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và công tác xét tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng.
Nguyễn Nhung
Đề thi môn Sinh học (mã 224): Để đạt điểm 9 – 10, học sinh phải thực sự giỏi
Theo cô Trần Thị Quỳnh – giáo viên Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang), nhìn tổng thể, đề thi lần 2 môn Sinh học bám sát kiến thức đã học, đảm bảo theo cấu trúc đề minh họa 2021.
Đề thi đảm bảo sự phân hóa, nội dung kiến thức lớp 11 chỉ tập trung trong chương 1: Có 2 câu về trao đổi vật chất và năng lượng ở thực vật (1 câu vận dụng thực tế và 1 câu thực hành liên quan đến quá trình Quang hợp) và 2 câu về động vật.
Trọng tâm các câu hỏi là kiến thức lớp 12. Các câu hỏi nhận biết và đọc hiểu khoảng 60%, chủ yếu nằm ở phần vật chất di truyền, ứng dụng di truyền học, tiến hóa, sinh thái. Các câu hỏi mức vận dụng thấp và vận dụng cao khoảng 40 % chủ yếu thuộc phần quy luật di truyền, di truyền người, di truyền quần thể.
Với sự phân hóa của đề thi, học sinh dùng môn sinh xét tốt nghiệp có thể đạt 6 điểm không khó. Những câu hỏi từ mức điểm trên 8 đòi hỏi học sinh phải hiểu rõ bản chất, tư duy và có kĩ năng tính toán tốt.
Cũng theo cô Quỳnh, đề thi có gắn ứng dụng thực tế khi hỏi về bảo quản nông sản trong các kho dự trữ quốc gia (Câu 88 mã 224), đây là câu hỏi khá hay đòi hỏi có sự liên hệ thực tế tốt từ học sinh.
Đề thi có độ khó và các dạng tương đương lần 1 nên thí sinh thi lần 2 có thể sẽ làm bài tự tin hơn. “Theo dự đoán chủ quan của tôi, thí sinh có thể đạt điểm từ 6 đến 7 dễ dàng, nhưng đạt điểm 9 – 10 phải là học sinh thực sự có năng lực; đỉnh của chuông phổ điểm lần 2 có thể cao hơn lần 1 từ 5,5 – 6,5 (lần 1 từ 5,0 – 5,5)” – cô Quỳnh trao đổi.
Theo cô Quỳnh, đề thi đợt 2 tương đương với đề đợt 1. Nhưng những thuật ngữ và dạng bài sử dụng trong đề đợt 2 quen thuộc hơn so với đề lần 1; đề lần 1 có nhiều câu có cách hỏi lạ hơn, sáng tạo hơn.
Tương tự đợt 1, các câu hỏi ở mức vận dụng cao nằm ở nội dung quy luật di truyền, di truyền quần thể và di truyền người. Đặc biệt, không xuất hiện phả hệ mà dùng mô tả di truyền người để mô tả phả hệ (Câu 114 – mã đề 224).
Phần di truyền quần thể vận dụng cao ở đề thi đợt 1 cho quần thể tự thụ với các gen liên kết (những năm trước chưa có) thì ở đợt 2 là phân li độc lập là dạng quen thuộc hơn tương tự các năm trước (câu 120 – mã đề 224).
Đề thi đợt 1 câu hỏi về thực hành lớp 11 về quá trình hô hấp, đề đợt 2 liên quan đến quang hợp và có hình ảnh minh họa (câu 104 – mã đề 224); về phần trao đổi vật chất và năng lượng ở động vật sinh lớp 11 hỏi về cân bằng nội môi (câu 107 – mã 224), tiêu hóa là dạng rất cơ bản (câu 100 – mã 224).
Minh Phong
Đề Sinh học: Phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học
Thầy Nguyễn Thành Công - giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI – đánh giá chung về đề thi môn Sinh học, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, đợt 2:
Đề thi tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố và đảm bảo mục tiêu của kì thi tốt nghiệp THPT và có nội dung phân hóa phục vụ mục tiêu xét tuyển vào các trường đại học. Đề thi có cấu trúc và độ khó cao hơn so với đề tham khảo năm 2021 và tương đồng với đề thi đợt 1.
Về phân bố kiến thức và ma trận đề (dựa trên mã đề 217):
Chuyên đề | Mức độ | Tổng số | |||
Nhận biết | Thông hiểu | Vận dụng | Vận dụng cao |
| |
Sinh học lớp 11 Chuyển hóa vật chất và năng lượng | 98, | 105,107, | 91 Thực tế |
| 4 (10%) |
Cơ chế di truyền và biến dị | 86,89,90 | 85,96,106, | 109,116, | 115, | 9 (22,5%) |
Quy luật di truyền | 83, | 88,92,97,99 | 108,110,113,114,117 | 118,120 | 11 (27,5%) |
Di truyền quần thể | 82, | 84, |
|
| 2 (5%) |
Di truyền người |
|
|
| 119 | 1 (2,5%) |
Di truyền ứng dụng | 93, |
|
|
| 1 (2,5%) |
Tiến hóa | 87,94, | 103 | 111, |
| 4 (10%) |
Sinh thái | 81, | 95,100,101,102 | 104,112, |
| 7 (17,5%) |
Lớp 10 (Vi sinh vật) |
|
|
|
|
|
Tổng | 10 (25%) | 15 (37,5%) | 11 (27,5%) | 4 (10%) | 40 (100%) |
- Kiến thức nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12, không có các câu hỏi ứng dụng thực tế liên quan đến dịch Covid như đề 2020 và đề đợt 1.
- Phân bố kiến thức tương đồng với đề các năm: 4 câu lớp 11, 9 câu cơ chế Di truyền, 11 câu Quy luật di truyền, 2 câu di truyền quần thể (đáng tiếc là không có câu hỏi ở mức vận dụng và vận dụng cao), 1 câu di truyền người (vẫn dạng bài toán phả hệ dạng mô tả), 1 câu di truyền học ứng dụng, 4 câu Tiến hóa và 7 câu Sinh thái.
- Khoảng 62,5% lượng câu hỏi nằm trong vùng nhận biết và thông hiểu đảm bảo cho mục tiêu xét tốt nghiệp. Còn lại 37,5% nằm trong vận dụng và vận dụng cao đảm bảo cho mục tiêu xét tuyển đại học.
- Các câu hỏi được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó, giống như hầu hết các đề môn Sinh trong những năm gần đây và đề tham khảo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố. Ở 10 câu cuối cùng của đề các câu hỏi sắp xếp không theo thứ tự mà ngẫu nhiên do phần mềm trộn đề. Điều này giúp hạn chế các thí sinh lựa chọn ngẫu nhiên đáp án cho 4 câu vận dụng cao mà trước đây thường nằm ở cuối cùng.
Dự đoán phổ điểm và sự tương đồng với đề đợt 1:
- Với mức độ đề như hiện tại, các thí sinh hoàn toàn yên tâm với mục tiêu xét điểm tốt nghiệp. Chỉ cần ôn tập và nắm chắc kiến thức sách giáo khoa thí sinh có thể đạt được điểm 6-7 một cách dễ dàng. Do vậy, đỉnh của hình chuông phổ điểm có thể ở giá trị 5,5-6,5 điểm. Lượng điểm 10 sẽ không nhiều.
- So với đề đợt 1, đề thi đợt 2 “truyền thống hơn”, “an toàn hơn” và phù hợp với các thí sinh trong hoàn ảnh phải chờ đợi và vượt qua các vấn đề của đại dịch Covid-19 mang lại.
Nguyễn Nhung
Thí sinh Bắc Giang nhận xét đề Hóa khó
Thí sinh Giáp Huy Công - Điểm thi trường THPT Tân Yên số 1 cho biết, đề thi các môn tổ hợp (KHTN) đợt 2 vừa sức, mức đề tương đương đợt 1. Tuy nhiên Công cũng bày tỏ, qua ý kiến nhiều bạn tại Điểm thi trường THPT Tân Yên số 1 có đánh giá đề môn Hóa học khó hơn đề thi đợt 1.
"So với đợt 1 em và nhiều bạn cho rằng môn Hóa học khó, Vật lý tương đương, Sinh học cũng vừa sức thí sinh...", Công chia sẻ.
Nhận định về điểm số của mình đối với bài thi KHTN, Công tự đánh giá Vật lý và Hóa học vì học tốt hơn Sinh học vì vậy dự kiến trên 7 điểm còn Sinh học trên 6,5 điểm.
"Ngoại ngữ chiều nay là môn em kỳ vọng nhất, cũng là khối thi lựa chọn xét tuyển đại học. Sau khi hoàn thành xong Ngữ văn, Toán và bài thi KHTN, em tự tin đạt điểm cao môn Ngoại ngữ chiều nay...", Công bày tỏ.
Đăng Chung
Đề Sinh học, Giáo dục Công dân hay, vừa sức học sinh
Chia sẻ về đề thi môn Sinh học, thầy Lê Sỹ Thái, giáo viên Trường THPT chuyên Tiền Giang cho biết: Nhìn chung đề thi Sinh học đợt 2 đảm bảo 2 yêu cầu: xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học.
Theo thầy Thái, đề thi môn Sinh học có 40 câu, trong đó từ câu 81 đến câu 110 (tương 30 câu) là những câu ở mức cơ bản và học sinh dễ dàng làm được tầm 6 đến 7,5 điểm.
Từ câu 111 đến 120 là 10 câu, chia làm 2 nhóm (6 câu vận dụng và hình bảng; lý thuyết), còn 4 câu bài tập vận dụng cao đòi hỏi học sinh giỏi có tư duy logic và nền kiến thức Toán - Sinh mới giải quyết tốt.
Nhận xét chung là đề thi môn Sinh đợt 2, học sinh học trung bình có thể làm tầm 6 điểm; học sinh khá có thể làm 7 đến 8 điểm; học sinh giỏi có thể làm 8,5 đến 9,5 điểm. Nếu thí sinh nào học giỏi và tư duy tốt, có tính cẩn thận thì làm từ 9,5 đến 10 điểm.
Cô Nguyễn Thị Thu Hà, Tổ trưởng Tổ Sinh - Công nghệ nông nghiệp Trường THPT Trần Hưng Đạo, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) cho biết: Đề Sinh học bám sát nội dung SGK. Học sinh dễ dàng kiếm từ 6 điểm; học sinh khá, giỏi có thể đạt điểm 9.
Chia sẻ về đề thi môn Giáo dục công dân, thầy Huỳnh Thanh Vũ, giáo viên Trường THPT Phạm Thành Trung, huyện Cái Bè (Tiền Giang) cho biết: Cấu trúc và nội dung kiến thức tương đương đề thi đợt 1. Trong 40 câu, có 10% kiến thức cơ bản ở lớp 11 học kỳ 1 ở mức độ nhận biết; 90% ở lớp 12 rải đều ở các bài.
Theo thầy Vũ, đề GDCD vừa sức. Học sinh trung bình có thể đạt 7 - 8 điểm. Đề thi hay, bám sát thực tế như tuyên truyền 5k của Bộ Y tế. Tuy nhiên, ở mã đề 305 câu 111, 112 tình huống quá dài làm mất nhiều thời gian của học sinh.
Xuân Uyên
Đề thi Lịch sử đợt 2: Thí sinh không khó kiếm điểm giỏi
Ths. Lê Thị Dung - giáo viên Lịch sử trường TH, THCS & THPT Chu Văn An (Đại học Tây Bắc) cho biết, đề thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử đợt 2 không khó, vừa sức với học sinh vùng dịch. Tuy nhiên, đề vẫn đảm bảo độ phân hóa rõ, phù hợp với hai mục tiêu: Xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển cho các trường đại học, học viện, cao đẳng. Theo cô Dung, đề thi Lịch sử đợt 2 tương đương với đợt 1.
Theo Ths. Lê Thị Dung, về cấu trúc: Đề thi bám sát cấu trúc nội dung như Bộ GD&ĐT đã công bố trong đề thi tham khảo. Vẫn là 75% số câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu với nội dung rõ ràng, không lắt léo. 25% số câu hỏi còn lại ở mức độ vận dụng thấp và vận dụng cao, phù hợp với học sinh vùng dịch. Với đề thi này, để trả lời các câu hỏi ở mức độ vận dụng thấp và vận dụng cao, học sinh ngoài việc nắm vững kiến thức cơ bản, còn phải dùng tư duy để tìm ra được câu trả lời đúng. Không có những câu hỏi mang tính chất đánh đố.
Xét về kết cấu: Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong 40 câu hỏi của đề thi, thì có 38 câu hỏi (chiếm 95%) thuộc nội dung kiến thức lịch sử lớp 12 và chỉ có 2 câu hỏi (chiếm (5%) thuộc phần Lịch sử Việt Nam lớp 11. Cụ thể như: Ở phần Lịch sử Việt Nam gồm 28 câu. Các câu hỏi vận dụng thường bắt đầu từ câu 31 và tập trung chủ yếu vào giai đoạn 1919 – 1975. Ở những câu hỏi vận dụng cao, đáp án sử dụng các lối diễn đạt khác nhau, linh hoạt. Đây chính là điểm mới và hay của đề thi năm nay so với các đề thi những năm trước đó. Bên cạnh đó, toàn bộ 12 câu hỏi của phần Lịch sử Thế giới nằm trọn vẹn trong chương trình Lịch sử thế giới (1945 – 2000) của lớp 12, trong đó có 2 câu nằm trong chủ đề Những sự kiện của Lịch sử thế giới tác động đến cách mạng Việt Nam (1919 – 1945).
Các câu hỏi trong đề thi không quá khó, song một số đáp án khá lạ lẫm đối với học sinh. Do đó, phổ điểm trung bình của cả nước sẽ là 5-5,5 điểm, học sinh khối C00, C03 dễ dàng đạt điểm 8-9 và sẽ có sự phân hóa mạnh ở mức độ điểm 9+ đến 10.
Đề thi phù hợp với học sinh ở các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi Tây Bắc. Chỉ cần nắm rõ kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, các em có thể dễ dàng đạt, vượt qua kì thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Mai Phương
Đề thi Hóa học: Không có câu hỏi lạ
Cô giáo Nguyễn Thị Hoa - GV Hóa trường THCS & THPT Ban Mai Hà Nội, nhận định: Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021, lần 2 môn Hóa học (mã đề 223) đảm bảo đúng cấu trúc: gồm 40 câu trắc nghiệm, thời gian làm bài 50 phút. Theo mã đề 223 ta thấy, đề thi gồm 28 câu lí thuyết (chiếm 70%) và 12 câu bài tập (chiếm 30%), so với lần 1 thì nhiều hơn 1 câu bài tập và ít đi 1 câu lí thuyết nhưng tỉ lệ này vẫn đảm bảo có cấu trúc tương tự đề tham khảo mà Bộ đã công bố.
Về mặt nội dung kiến thức, đề gồm 35 câu thuộc kiến thức lớp 12 (chiếm 87,5%); 5 câu thuộc kiến thức lớp 11 (chiếm 12,5 %). Phần nội dung kiến thức lớp 12 rơi chủ yếu vào este – lipit, đại cương kim loại, kim loại kiềm – kiềm thổ và nhôm. Phần nội dung lớp 11 rơi vào chất điện li (câu 55), bài toán tổng hợp NH3 (câu 75), bài toán tổng hợp hiđrocacbon (câu 74).
Mức độ câu hỏi trong đề thi được sắp xếp từ dễ đến khó, từ câu 41 – câu 67 khá dễ, học sinh học mức trung bình khá có thể làm tốt được. Mức độ khó tăng lên từ câu 68 – câu 80, học sinh phải có kiến thức chắc và kĩ năng tính toán tốt mới làm được.
Phần nội dung dễ lấy điểm ở mức nhận biết- thông hiểu vẫn rơi nhiều vào chương đại cương kim loại, kim loại kiềm – kiềm thổ và nhôm các câu về vị trí kim loại, tính chất vật lí, công thức, tính khử của kim loại….
Các câu ở mức vận dụng cao để lấy điểm 9, 10 rơi vào các chuyên đề: este – lipit dạng bài toán tổng hợp este), tổng hợp hữu cơ (dạng toán hợp chất chứa N), tổng hợp vô cơ (bài tập Al, oxit sắt và hợp chất các chất tác dụng với H2SO4 đặc, nóng), dạng cũng đã xuất hiện trong đề minh họa của Bộ hoặc đề thi lần 1.
Nếu như đề lần 1 xuất hiện bài toán về độ tan thì trong mã đề này không có xuất hiện. Các dạng câu hỏi trong đề thi không có câu lạ, nhưng tỉ lệ bài tập tính toán có khó hơn so với lần 1 (ví dụ, bài tập về độ rượu câu 68 khó hơn so với bài tập thủy phân glucozơ trong lần 1).
Cụ thể cấu trúc ma trận đề:
Lớp | Tên chuyên đề | CẤP ĐỘ NHẬN THỨC | TỔNG | |||
Nhận biết | Thông hiểu | Vận dụng | Vận dụng cao | |||
12 | Este - Lipit | 2 | 1 |
| 2 | 5 |
Cacbohiđrat | 1 |
| 1 |
| 2 | |
Amin – Aminoaxit - Protein | 1 | 3 | 1 |
| 5 | |
Polime và vật liệu |
| 2 |
|
| 2 | |
Đại cương kim loại | 2 | 3 |
|
| 5 | |
Kiềm – kiềm thổ - Nhôm | 4 | 2 | 1 |
| 7 | |
Crom – Sắt | 3 | 1 |
|
| 4 | |
11 | Sự điện li | 1 |
|
|
| 1 |
Phi kim | 1 |
| 1 |
| 2 | |
Đại cương - Hiđrocacbon |
|
| 1 |
| 1 | |
Ancol – Anđehit – Axit |
|
|
|
|
| |
Tổng hợp vô cơ |
|
| 2 | 1 | 3 | |
Tổng hợp hữu cơ |
|
| 2 | 1 | 4 | |
TỔNG | 15 | 12 | 9 | 4 | 40 | |
Phần trăm (%) | 67,5% | 22,5% | 10% | 100% |
Với đề thi này, phổ diểm của thí sinh vẫn sẽ đạt được từ 6-7 điểm, nhưng tỉ lệ đạt được 9, 10 sẽ thấp hơn lần 1.
Nguyễn Nhung
Đề thi Lịch sử: Khá hay và vừa sức
Cô Trần Thị Kim Ngân, Trường THPT Mỹ Quý, Đồng Tháp nhận định: Đề thi môn Lịch sử tốt nghiệp đợt 2 tương đối tương đồng với đề thi đợt 1, đề thi nhẹ nhàng, vừa sức có sự phân hóa nhưng ở mức độ không cao biên soạn rất sát theo đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT.
Nội dung đề thi chủ yếu nằm ở nội dung cơ bản của chương trình 12 và thêm chương trình lớp 11, được sắp xếp từ dễ đến khó, tập trung nhiều ở học kì 1 phần Lịch sử Việt Nam. Đề thi khá hay và vừa sức với học sinh đáp ứng cả hai tiêu chí xét tốt nghiệp và phân loại học sinh vào đại học, phổ điểm phổ biến có thể đạt 7 điểm.
Nhìn chung đề có sự phân loại học sinh tốt, nếu học sinh trung bình nắm kĩ nội dung cơ bản của chương trình thì có thể đạt điểm 5-6, học sinh khá giỏi biết phân tích, so sánh .... các kiến thức của các giai đoạn lịch sử có thể đạt cao hơn 8 điểm.
Nguyễn Nhung
Đề thi Lịch sử: Chỉ cần chắc kiến thức SGK, thí sinh có thể đạt điểm trung bình khá
Cô Phạm Thị Phương Thảo (GV Lịch sử, trường THPT Ban Mai – Hà Đông, Hà Nội) cho biết: Đề thi môn Lịch sử đợt 2 gồm 40 câu trắc nghiệm với 24 mã đề thi khác nhau. Cấu trúc, phạm vi nội dung đề thi chính thức có những điểm tương đồng với đề thi minh họa đã công bố đầu tháng 4/2021.
Các câu hỏi được thiết kế bao quát chương trình nhằm tránh tình trạng học tủ và học đối phó để qua điểm liệt đối với những bạn không có nguyện vọng xét hồ sơ đại học môn này. Toàn bộ nội dung chủ yếu lớp 12, phần kiến thức lớp 11 chỉ có 3 câu nhận biết thuộc phần Lịch sử Việt Nam giai đoạn đầu thế kỉ XX.
Các câu lớp 12 đều ở mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng không quá khó đối với học sinh. Trong đó phần Lịch sử 12 các câu hỏi được dàn trải đều Lịch sử của giai đoạn kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mĩ, số lượng câu hỏi trong giai đoạn kháng chiến chống Mĩ chiếm, phần kiến thức Việt Nam từ 1975-2000 không có câu hỏi cụ thể nhưng thay vào đó là câu hỏi so sánh khái quát hai giai đoạn lịch sử lớn.
Phần Lịch sử thế giới của chương trình lớp 12 được trải đều ở tất cả các chương học bao gồm 11 nhận biết. Do đó nếu muốn lấy trọn điểm phần lịch sử thế giới thì học sinh không thể học tủ.
Cô Phạm Thị Phương Thảo nhận xét với cấu trúc trên, đề thi môn Lịch sử đợt 2 năm nay không khó, nhưng vẫn bảo đảm phân hóa trình độ của thí sinh, phù hợp với một đề thi để xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông, nhưng vẫn cung cấp một kết quả tin cậy để các trường đại học và cao đẳng có thể sử dụng làm cơ sở để xét tuyển sinh theo quyền tự chủ của nhà trường.
Các câu trong đề thi đều nằm trong chương trình Trung học phổ thông, chủ yếu là lớp 12 (28 câu). Đề thi không có câu nào nằm trong phần giảm tải.
Nội dung kiểm tra, đánh giá mang tính toàn bộ và toàn diện, tuy tỉ trọng có khác nhau do quy định của chương trình môn học, nhưng bao gồm tất cả các vấn đề: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, an ninh - quốc phòng.
Cô Phương Thảo cho rằng, sau 4 năm sử dụng hình thức đánh giá bằng câu trắc nghiệm khách quan, bằng những kinh nghiệm đã được tích lũy, đề thi môn Lịch sử năm 2021 đợt 2 về cơ bản giống với cấu trúc đề thi chính thức năm 2020, nhưng có khả năng phân hóa tốt hơn.
Nguyễn Nhung
Đề thi môn Sinh có nhiều câu hỏi hay, gắn với thực tiễn
Nhận xét về đề thi môn Sinh học (mã 224), thầy Bùi Hữu Tuấn - giáo viên Trường THPT chuyên Chu Văn An (Bình Định) cho hay: Nhìn tổng thể, đề thi bám sát nội dung kiến thức, chương trình sách giáo khoa đã học, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Đề thi có cấu trúc tương tự như đề tham khảo mà Bộ GD&ĐT đã công bố. Cụ thể: câu hỏi trong đề có đầy đủ các mức độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao). Trong số các câu hỏi, có 4 câu thuộc chương trình lớp 11 và 36 câu trong chương trình lớp 12.
Câu hỏi được sắp xếp theo thứ tự “tương đối” từ dễ đến khó. Khoảng 30 câu đầu là kiến thức thông hiểu, vận dụng; học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức sách giáo khoa là có thể làm tương đối tốt.
Câu hỏi vận dụng và vận dụng cao chủ yếu tập trung vào khoảng 10 câu hỏi cuối với nội dung kiến thức thuộc phần sinh học 12 (cơ chế di truyền và biến dị, di truyền quần thể, sinh thái, tiến hóa, quy luật di truyền và di truyền người).
Trong đó, câu vận dụng cao gồm: 4 câu hỏi thuộc mức độ Vận dụng cao chiếm 10% đề thi. Các câu hỏi này thuộc các chương: quy luật di truyền (Câu 112, câu 113, câu 117) và di truyền người (Câu 114), di truyền quần thể (Câu 120).
Đề thi có tính phân hóa, bảo đảm được cả 2 tiêu chí là xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học cao đẳng; Đề thi nhẹ nhàng, phù hợp với điều kiện dạy học trong tình hình dịch Covid – 19 hiện nay.
Đặc biệt, đề thi đợt 2 năm nay có những câu hỏi hay, gắn liền với thực tiễn trong đời sống và gắn liền với thiên nhiên như câu 88: Xác định được các biện pháp bảo quản lúa sau thu hoạch trong kho dự trữ quốc gia; Câu 107: Xác định vai trò các thành phần tham gia tạo cân bằng nội nôi của cơ thể; Câu 92: Xác định mối quan hệ dinh dưỡng giữa các loài sinh vật trong một quần xã sinh vật trong tự nhiên; Câu 98: Từ ví dụ khảo sát trong tự nhiên “quần thể thông Đà Lạt” học sinh xác định được đặc trưng cơ bản của quần thể; Câu 104: Mô tả bố trí nghiệm quang hợp thông qua “Hình vẽ” thực tế để xác định vai trò một dụng cụ thí nghiệm ….
“Một số câu hỏi trong đề khá hay, có tính thực tiễn nhưng không hề khó, đánh đố" - thầy Tuấn nhận xét, đồng thời nhận thấy: Đề thi tốt nghiệp môn sinh học năm 2021 giữa đợt 1 và đợt 2 tương đương với nhau ở các mức độ.
Thầy Tuấn dự đoán: đối với môn Sinh học (đợt 2), phổ điểm sẽ tương đương với phổ điểm đợt 1. Tuy nhiên, những học sinh có tố chất, học giỏi có thể đạt điểm 9,5 đến 10 điểm.
Minh Phong
Đề thi môn Hoá: Độ khó tương đương đề thi đợt 1
Thầy Nguyễn Văn Chuyên – giáo viên Trường THPT Yên Thế, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang phân tích cụ thể đề thi môn Hóa trong Bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên – Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, đợt 2:
Về cấu trúc, nội dung: Đề thi bám sát theo đề tham khảo và tương đương đề đợt 1. Nội dung kiến thức chủ yếu thuộc lớp 12 (chiếm 90 % số câu hỏi), đề có 11 câu bài tập, 29 câu lí thuyết. Câu hỏi mức độ nhận biết – thông hiểu chiếm 70%.
Lớp | Chủ đề kiến thức | Số câu |
12 | 1. Este - Lipit | 5 |
2. Cacbohiđrat | 3 | |
3. Amin, amino axit, peptit và protein | 4 | |
4. Polime, vật liệu polime | 1 | |
5. Tổng hợp hữu cơ | 4 | |
6. Đại cương kim loại | 4 | |
7. Kim loại kiềm, kim loại kiềm thổ và hợp chất | 4 | |
8. Nhôm và hợp chất | 3 | |
9. Sắt, crom và hợp chất | 3 | |
10. Hóa học với vấn đề phát triển kinh tế, xã hội, môi trường | 1 | |
11. Tổng hợp vô cơ | 5 | |
11 | 12. Điện li | 1 |
13. Phi kim 11 (N, P, C, Si) | 1 | |
14. Đại cương hóa học hữu cơ, hiđrocacbon | 1 | |
15. Ancol, phenol, anđehit, axit cacboxylic |
|
Về độ khó, độ phân hóa: Phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp và sử dụng để xét tuyển vào một số trường Đại học.
Về phổ điểm: Dự đoán phổ điểm chủ yếu nằm trong khoảng 7,5 - 8 điểm.
So sánh với đề đợt 1: Đề đợt 2 có cấu trúc, nội dung, độ khó tương đương với đề đợt 1.
Bảo Minh
Đề Lịch sử đủ cơ sở để các trường xét tuyển Đại học
Với mã đề 315 môn Lịch Sử tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 2, cô Bùi Thị Quế - Giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình) đưa ra nhận xét: :
Về cấu trúc:
Đề thi gồm 40 câu trắc nghiệm khách quan có cấu trúc tương đồng với cấu trúc đề minh họa của Bộ GD&ĐT đã ban hành, đồng thời giống với cấu trúc đề thi lần 1 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Về nội dung:
Đề thi có tập trung chủ yếu vào lịch sử lớp 12 (36 câu), nội dung lịch sử lớp 11 có 4 câu (2 câu thuộc lịch sử Việt Nam từ cuối XIX đến đầu XX, 2 câu thuộc câu hỏi liên hệ lịch sử lớp 11 với lịch sử lớp 12)
Phần lịch sử Việt Nam chiếm 28 câu (70%), tập trung chủ yếu giai đoạn 1919- 1975. Lịch sử thế giới chiếm 12 câu (30%).
Nội dung phủ đều trên các lĩnh vực: kinh tế, quân sự, chính trị, văn hóa, xã hội… đảm bảo kiểm tra nhận thức một cách tổng thể của học sinh.
Đề thi cũng không có câu hỏi nào nằm trong phần giảm tải
Về mức độ nhận thức:
Đề thi vẫn đảm bảo 30 câu (75%) ở mức độ nhận biết và thông hiểu, ở 2 mức độ này học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa và những nội dung cốt lõi kiến thức là có khả năng trả lời chính xác.
10 câu hỏi cuối (từ câu hỏi 30 – 40) thuộc câu hỏi vận dụng, đòi hỏi học sinh có khả năng phân tích, liên hệ, so sánh. Mức độ phân hóa cao tập trung vào các câu hỏi cuối.
Nhận xét chung:
Đề thi phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp THPT nhưng vẫn có đủ cơ sở để các trường xét tuyển ĐH.
Đức Hạnh
Môn Lịch sử: Đề thi tập trung vào kiến thức căn bản
Theo nhận định của cô giáo Đặng Thị Hiến (Giáo viên trường THPT Thành phố Cao Bằng), đề thi môn Lịch sử có cấu trúc mà học sinh đã được làm quen trong quá trình học tập, ôn luyện.
Cô Hiến cho rằng, với 40 câu hỏi trong thời gian làm bài 50 phút, học sinh đảm bảo đủ thời gian để hoàn thành tốt bài thi. “30 câu hỏi đầu ở vào mức độ nhận biết và thông hiểu, với những kiến thức rất căn bản, học sinh không mất nhiều thời gian để suy nghĩ và giải quyết. 10 câu hỏi cuối ở vào mức độ vận dụng cao, cần liên hệ thực tiễn, đòi hỏi suy luận và tư duy cao hơn, các em có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn” - cô Hiến phân tích.
Về tổng thể, theo nhìn nhận của một giáo viên trực tiếp giảng dạy, cô Hiến cho rằng đề thi này vừa sức cho học sinh, kiến thức chủ yếu tập trung vào chương trình lớp 12, vì vậy sẽ không gây ra tâm lí bị “sợ” môn Lịch sử như một số học sinh gặp phải.
“Tất nhiên, bên cạnh những câu hỏi khá căn bản thì những câu hỏi khó hơn ở phần cuối có khả năng phân hóa tốt, em nào muốn đạt điểm cao thì đòi hỏi kiến thức, hiểu biết, tư duy, khả năng suy luận và tổng hợp sâu” - cô Hiến nhấn mạnh.
Phạm Vũ
Phổ điểm đề thi Giáo dục Công dân đợt 2 sẽ tương đương đợt 1
Nhận xét về đề thi môn Giáo dục Công dân trong bài thi tổ hợp KHXH, cô Phan Thị Minh Thúy, Trưởng bộ môn GDCD - Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc cho biết: Đề thi đợt 2 bám sát nội dung sách giáo khoa, không có câu nào thuộc phần giảm tải hay nằm ngoài chương trình. Trong đó có 4 câu thuộc kiến thức lớp 11 còn lại là kiến thức lớp 12. Đề đợt 2 có cấu trúc và mức độ tương đương đề minh họa và đề thi đợt 1.
Trong số hơn 30 câu hỏi phần nhận biết, thông hiểu, vận dụng, chỉ khoảng 3, 4 câu học sinh có thể nhầm lẫn còn lại đều khá dễ, các em chỉ cần nắm vững kiến thức SGK là dễ dàng tìm được đáp án đúng. 4 câu vận dụng cao đòi hỏi học sinh không chỉ có kiến thức về pháp luật mà còn phải có cả kiến thức thực tiễn mới giải quyết tình huống đề bài đưa ra.
Đề GDCD đợt 1 và đợt 2 đều hay ở chỗ mang tính thời sự rất rõ ràng. Đặc biệt, tình hình dịch bệnh, các khu cách ly, các hoạt động tình nguyện, tuyên truyền thông điệp 5k, trốn tránh khai báo dịch tễ... được phản ánh trong nhiều câu hỏi ở các cấp độ khác nhau. Tôi cho rằng đề GDCD không chỉ đảm bảo tính chính xác khoa học mà còn đảm bảo cả tính tuyên truyền, giáo dục
Với đề thi như thế này, tôi đánh giá, học sinh có thể đạt phổ điểm tương tự lần 1. Tức là điểm 8, 9 là chủ yếu. Vẫn sẽ có những điểm 10 dành cho các học sinh chú ý ôn luyện.
“Sau đề thi đợt 1 có ý kiến cho rằng các câu vận dụng cao quá dài, có các chi tiết dã man, phản cảm, tình huống như phim hành động. Đề thi đợt 2, các câu hỏi tình huống cũng tương tự về độ dài, độ gay cấn, xong chi tiết trong tình huống có vẻ ít bạo lực hơn. Tuy nhiên, với góc độ là một giáo viên dạy GDCD tôi hiểu, các câu tình huống thường dài vì tình huống phải chặt chẽ, mọi dữ kiện đưa ra phải có liên kết với nhau, đồng thời phải có những nhân vật, những chi tiết gây nhiễu, xong vẫn phải đảm bảo tính chính xác về mặt pháp luật và hỏi về luật nào phải rõ ràng luật ấy.
Vì vậy người ra đề đôi khi không thể không diễn đạt dài dòng. Còn nhận xét đề có những chi tiết dã man, phản cảm thì theo tôi chưa hợp lí, vì câu hỏi liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật, mà đã vi phạm pháp luật hình sự (lại liên quan đến những quyền như: bất khả xâm phạm về thân thể, được bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm…) thì làm sao nhẹ nhàng, nhân văn được. Thế nên tình huống gay cấn, có các chi tiết hành động mạnh cũng là lẽ đương nhiên” - cô Phan Thị Minh Thúy cho biết thêm.
Trần Văn Long
Đề thi Giáo dục công dân phù hợp mục tiêu xét tốt nghiệp
Thầy Trần Văn Năng - giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI – nhận định: Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 2 môn Giáo dục công dân thuộc tổ hợp Khoa học xã hội bám sát ma trận đề tham khảo của Bộ GD&ĐT đã công bố và đề thi chính thức đợt 1. Tuy nhiên đề đợt 2 có phần nhẹ nhàng hơn đề đợt 1 và đề tham khảo. Các câu hỏi nhận biết và thông hiểu chiếm tỉ lệ lớn trong đề thi.
Cụ thể, đề thi đợt 2 có: 32 câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, chiếm 80% số lượng câu hỏi của đề. Ở vùng câu hỏi này, phương án trả lời có độ nhiễu không cao, thí sinh chỉ cần nắm được kiến thức cơ bản sẽ nhận ra ngay đáp án đúng.
5 câu hỏi ở mức độ vận dụng, xuất hiện ở bài 1 và bài 5, chiếm 12.5% số lượng câu hỏi. Phần lớn là những câu hỏi tình huống đơn giản, học sinh chỉ cần vận dụng kiến thức ở mức độ cơ bản là trả lời được.
3 câu hỏi ở mức độ vận dụng cao, chiếm tỉ lệ 7.5%. Mặc dù số lượng câu hỏi ít nhưng đều là những tình huống phức tạp, dài, có độ nhiễu cao. Tuy nhiên đây lại là những dạng bài quen thuộc, thí sinh có thể đã được các thầy cô luyện đi luyện lại nhiều lần.
Kết luận: Đề thi tốt nghiệp THPT môn Giáo dục công dân năm 2021 đợt 2 tương đối vừa sức, phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện tại và đi theo mục tiêu chính là xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh.
Nguyễn Nhung
Đề thi Lịch sử tránh được tình trạng học tủ, học lệch
Ở mã đề thi môn Lịch sử 315 tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 2, thầy Hà Trọng Thái – Giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT chuyên Lào Cai nhận xét:
Về cấu trúc: Số lượng câu hỏi lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới, lịch sử lớp 11, và 12 đúng với cấu trúc yêu cầu của Bộ GD&ĐT và cũng tương ứng với cấu trúc mà đề thi đợt 1 đã thực hiện.
Về mức độ khó dễ:
Đề đợt 2 tương đương với đề đợt 1 về độ khó dễ. Những câu hỏi dễ nhận biết thông hiểu tập trung từ câu 1 đến câu 20. Từ câu 31 đến 40 cấp độ khó tăng dần.
Kiến thức cơ bản trong đề thi ổn định nhưng đề đã có cách hỏi mới, nên tránh được hoàn toàn sự trùng lặp với đề thi đợt 1 năm 2021 hoặc đề thi môn Lịch sử các năm trước.
Để đạt được điểm 5 ở mã đề 315 môn Lịch sử, HS cần có học lực từ trung bình khá. Tuy đề thi đợt 2 có mức độ khó tương đương đề thi đợt 1 song thí sinh thi đợt 2 có thêm thời gian ôn tập kiến thức thì có thể chắc kiến thức hơn để đạt điểm cao hơn so với thí sinh đợt 1.
Song nhìn chung với đề thi Lịch sử đợt 2 thì điểm thi môn Lịch sử cũng không hy vọng điểm cao hơn quá nhiều so với đợt 1 bởi độ khó tương đồng.
Ưu điểm:
Đề thi đã đảm bảo tính phân loại HS tốt, đặc biệt với học sinh muốn xét tuyển vào các trường ĐH tốp đầu. Các trường ĐH cũng sẽ tuyển được HS đúng năng lực và phù hợp yêu cầu và nhu cầu đào tạo.
Tuy nhiên, đề thi Lịch sử đợt 2 cũng đáp ứng tốt yêu cầu tốt nghiệp với tỉ lệ cao, đáp ứng được mong ước của HS và xã hội.
Đáng nói, dù thi tốt nghiệp với môn Lịch sử từ năm 2016 tới nay nhưng Đề thi Lịch sử đợt 2 không trùng lặp đợt 1 hoặc các năm trước vì vậy sẽ tránh được hiện tượng HS học tủ, học vẹt, học lệch.
Đề thi tốt nghiệp môn Lịch sử đợt 2 đòi hỏi HS muốn làm được bài nhất định phải học kiến thức cơ bản sau đó học kiến thức nâng cao của cả Lịch sử Việt Nam và Thế giới…
Đặc biệt, nhìn vào sự sắp xếp trình tự đề thi đã cố gắng bố cục được cấp độ từ dễ tới khó. Như vậy từ câu hỏi đầu tiên thí sinh đã có thể làm được bài, dẫn tới sự tự tin nhiều hơn trong tư tưởng để làm các câu hỏi tiếp theo. Tránh tình trạng HS bị hoảng loạn về tinh thần khi gặp câu hỏi khó ngay từ đầu…
Hạn chế:
Bên cạnh những đánh giá tích cực, thì thầy Hà Trọng Thái cũng cho rằng ở đề thi môn Lịch sử mã 315 còn một số hạn chế.
Cụ thể, đề thi có một số câu hỏi quá tường minh, chi tiết, cụ thể, vụn vặt không điển hình. Cách diễn đạt câu từ trong câu hỏi cần chính xác hơn về văn phong, tránh sự thuần túy hóa trong dùng từ sẽ gây nhàm chán…
Mức độ kiến thức dù vẫn là vận dụng thấp, vận dụng cao… nhưng hoàn toàn có thể có đưa ra cách đặt câu hỏi hay, ngắn gọn, chính xác hơn…
Đức Hạnh
Đề thi Hoá học: Phù hợp và bảo đảm tính phân hoá
TS. Nguyễn Văn Dưỡng – Trưởng Bộ môn Hóa Học – Trường Đại Học Y Dược Hải Phòng nhận xét:
Về cấu trúc: Đề thi tốt nghiệp THPT môn Hóa học năm 2021, đợt 2 có cấu trúc gần giống với đề thi đợt 1 và bám sát đề thi tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đánh giá chung: Đề thi này có phần nhẹ nhàng hơn đề thi đợt 1 nhưng vẫn đảm bảo tính phân hóa.
Nội dung kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, một phần nhỏ lớp 11. Các câu hỏi trong đề thi được sắp xếp theo mức độ từ dễ đến khó, thuận lợi cho quá trình làm bài của học sinh.
Với 28 câu đầu, kiến thức rất cơ bản, học sinh ôn tập kỹ nội dung kiến thức sách giáo khoa có thể làm tốt. Ở 8 câu tiếp theo có mức độ cao hơn. Nhưng học sinh vận dụng tốt, linh hoạt kiến thức trong nội dung sách giáo khoa có thể làm tốt phần này.
Đề có 4 câu cuối đòi hỏi học sinh có khả năng vận dụng sáng tạo, khả năng tính toán tốt mới có thể làm được.
Với đề thi này những học sinh học chắc kiến thức có thể đạt được từ 5,0 đến 7,0 điểm, học sinh Khá có thể đạt được từ 8,0 điểm trở lên, học sinh Giỏi có thể đạt được trên 9 điểm.
So với đề thi lần thứ nhất, đề lần này có độ khó tương đương tuy nhiên không có sự trùng lặp như vậy đề thi lần 2 vẫn đảm bảo được mục tiêu xét tốt nghiệp và có khả năng sàng lọc, phục vụ việc xét tuyển đại học, cao đẳng. Dự đoán phổ điểm đề thi đợt 2 có thể bằng hoặc cao hơn so với đề thi đợt 1.
Bảo Minh
Hải Phòng: Đề thi môn tổ hợp dễ "ăn" điểm, tính phân hóa cao
Mặc dù thời tiết nóng bức, nhưng bước ra khỏi trường thi đa phần các thi sinh đều phấn khởi.
Em Phạm Xuân Đông, thí sinh của Trung tâm GDTX Vĩnh Bảo chia sẻ, đề thi môn KHXH phù hợp. Không vào những kiến thức đã được giảm tải. Tuy nhiên, với những thí sinh chỉ thi tốt nghiệp thì phù hợp. Thí sinh đăng ký tuyển đại học có mức độ phân loại ở đề thi rõ ràng.
Cổng trường thi THPT Vĩnh Bảo trưa 7/8, dù trời nắng gắt. Nhiều phụ huynh "đội nắng" đến đón con dưới đường. Lực lượng chức năng căng mình làm nhiệm vụ đảm bảo cho Kỳ thi diễn ra an toàn.
Em Phạm Thu Thảo, thí sinh Trường THPT Cộng Hiền nhận định, đề tổ hợp KHTN vừa sức, không quá khó nếu đạt 7 điểm. Tuy nhiên để đạt điểm cao xét tuyển đại học đòi hỏi thí sinh phải chắc kiến thức, vận dụng cao.
Nguyễn Dịu